Cuộc chiến để thành… đàn ông

10/11/2011 11:21 GMT+7

Nếu như cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu thuộc loại “tuồng xưa, tích cũ”, thì có một cuộc chiến mới toanh phát sinh trong thời nam nữ bình đẳng: Cuộc chiến để thành “đàn ông”.

Nếu như cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu thuộc loại “tuồng xưa, tích cũ”, thì có một cuộc chiến mới toanh phát sinh trong thời nam nữ bình đẳng: Cuộc chiến để thành “đàn ông”.

Nghe rất lạ, nhưng đây không hề là cuộc đấu tranh thay đổi giới tính. Nếu đúng như phân công của tiên sinh: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ”, thì ngày nay, trong nhiều gia đình của hậu thế, không chỉ ông chồng, mà các bà vợ cũng hào hứng hoặc bị bắt buộc phải lao vào công cuộc xây…nhà. Nói cách khác, thời hiện đại “Đàn bà cũng xây nhà”, cho nên trong gia đình chỉ toàn đàn ông, thiếu trầm trọng người biết kỹ năng xây tổ.

Lập gia đình đã gần 5 năm, ông Trần Dũng, trưởng phòng kế họach của một trung tâm thể thao, vẫn tự hỏi “Không biết mình lấy vợ để làm gì ?”. Bà xã ông, một giáo viên dạy cấp 1, đã vừa làm, vừa học để có thêm bằng đại học Anh văn. Có bà vợ không ham chơi, không ham mua sắm, chỉ ham học, ông cảm thấy an tâm. Nhưng từ khi, cô vợ chuyển sang làm trợ lý cho một sếp tổng giám đốc của một công ty liên doanh, thì anh cảm thấy… mất vợ.
 
Điện thoại di động của anh hay nhận được một dòng tin nhắn ngắn gọn: "Anh nhớ đón con” hoặc “Anh đi ăn đám cưới một mình nhé”… Ông chồng nhận ra, hai vợ chồng đều lao ra khỏi nhà, đều bận rộn với các mối quan hệ xã hội. Cả hai đều giống nhau, đều là đàn ông.
 
Tất nhiên, ông chồng cương quyết không tự biến mình thành đàn bà, có nghĩa là phải ôm việc nội trợ. Một giải pháp được đề ra: Tìm người giúp việc. Và sau đó, một người đàn bà trung niên đã xuất hiện trong ngôi nhà có một ông chồng, một “ông” vợ, một cậu con trai 4 tuổi. Bà giúp việc trở thành người quan trọng nhất không thể thiếu trong nhà. Nhờ có bà, mà cái bếp mới đỏ lửa, mới có các loại thức ăn nóng sốt.
 
Dường như bà vợ ông không phải mó tay vào việc gì trong nhà. Có người giúp việc tận tụy, bà vợ ông học thêm môn thể thao quần vợt. Nhìn bà vợ rất ngầu trong bộ trang phục thể thao, ông lại ngậm ngùi “Mình đã từng cưới một người đàn bà kia mà!". Đến dịp Tết, bà giúp việc về quê. Ngôi nhà của họ rối tung. Thằng con trai không chịu ăn, vì chỉ có bà giúp việc mới biết rõ khẩu vị của nó. Nó đòi bà giúp việc tắm cho nó, mặc đồ cho nó, vì chỉ có bà mới biết nó thích mặc bộ nào. Cả hai vợ chồng đều trông ngóng người đàn bà duy nhất trong nhà họ trở lại.
 
Ông Đặng Triều, không bị áp lực làm trụ cột gia đình, như thời cha của ông. Vợ ông cũng là một doanh nhân, có công ty riêng, có xe hơi riêng và đóng góp tiền bạc vào ngân quỹ gia đình không thua kém ông chồng. Cái chung nhất của vợ chồng ông là cô con gái đang học lớp 5. Lúc bà vợ có thai, sanh con, rồi cho con bú, đó là khoảng thời gian ông hạnh phúc vô cùng, không chỉ vì được làm bố, mà vì ông cảm nhận được vợ ông mới thật là… phụ nữ.
 
Nhưng chỉ nằm nhà được hai tháng, bà đã bay sang vài nước để họp với các đối tác. Chị gái và mẹ của bà phải thay nhau làm “mẹ” của đứa bé đỏ hỏn. Khi đứa con gái đã lớn, ông muốn một lần nữa tận hưởng cảm giác có vợ là phụ nữ, nhưng bà tuyên bố: “Sanh đẻ cực lắm, lại mất thời gian. Để em thư thả mới tính được". Nhưng ông không thể chờ đợi, một cô gái trẻ đã mang thai… hộ cho bà.
 
Gia đình họ bình yên cho tới khi bà vợ phát hiện ra một tờ giấy khai sinh của một đứa trẻ lạ hoắc mà tên cha là tên của ông. Bà vợ giải quyết sự cố cũng rất đàn ông, không khóc lóc, níu kéo: ra tòa ly hôn, của cải chia đôi. Ông đã có con riêng, bà nuôi con chung. “Đàn ông” với nhau cả, nên mọi việc được bàn bạc, tính toán, thực hiện chóng vánh.
 
Cũng có những bà vợ phải leo lên nóc nhà chống dột, phải sửa ống nước, phải mắc bóng đèn… y như một người đàn ông, vì ông chồng vô tích sự, đùn đẩy hết các loại việc nhà cho vợ. Nhưng đó là loại “biến gien” bất đắc dĩ, chứ thật ra họ vẫn muốn là một nữ nhi…vui với phận sự làm mẹ, làm vợ.
 
Những “ngôi nhà không có đàn ông” thì hiu quạnh, còn mô hình “nhà toàn đàn ông” thì chứa đầy đá ngầm, băng trôi… Thời đại bình đẳng nam nữ, khiến cho nhiều bà vợ nắm lấy cơ hội để ngang ngửa với chồng. Với nhiều bà vợ trẻ, xây tổ không còn là niềm đam mê đến nỗi phải hy sinh cả tuổi xuân. Nhưng đàn ông thế hệ trước không hề có công nghệ xây tổ để chuyển giao cho các ông chồng trẻ thời nay.
 
Có nhiều ngôi nhà to, vững chãi, nhưng trong đó gia đình lại chông chênh, bởi cuộc chiến phân định “ai là đàn ông, ai là đàn bà” trong nhà luôn diễn ra. Đàn ông mới có quyền bận rộn, đi công tác xa, hẹn gặp bạn bè, tự do giải trí… Còn đàn bà thì ôm cái bếp, chăm sóc con, chờ chồng đi nhậu về… Phải chăng vì thế mà các ông chồng, bà vợ, ai cũng muốn phấn đấu thành… đàn ông trong gia đình?

Theo Phụ Nữ TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.