Công nhân thấp thỏm lo Tết

27/12/2010 09:02 GMT+7

Giá cả tăng và mức thưởng Tết không cao khiến nhiều công nhân không dám mua sắm, thậm chí không dám về quê để tiết kiệm tiền.

Trên đường tan ca về, chị Phạm Thị Ni, công nhân (CN) một doanh nghiệp trong KCN Tân Bình – TPHCM, ghé một sạp bán quần áo trên vỉa hè. Lựa một chiếc áo sơ mi màu hồng, chị lần xem cổ áo, đường chỉ và ướm thử, có vẻ rất thích.
 
Tuy nhiên, sau khi hỏi giá, chị đành gượng cười xếp áo trao lại chủ hàng. “Họ bảo giá 75.000 đồng, nếu trả giá xuống chắc được bớt chừng 15.000 đồng nhưng bỏ ra 60.000 đồng, bằng tiền công cả ngày làm việc để mua một cái áo, tôi thấy tiếc...” - chị Ni giải thích.
 
Đắn đo mua sắm
 
Chị Ni muốn tiết kiệm tiền để mua vài cái áo thun giá rẻ cho mấy đứa em ở quê nhà Quảng Ngãi. Năm nay, công ty thưởng Tết khoảng 1,5 triệu đồng, chị phải ưu tiên tiền vé xe về quê, tiền mua quà Tết cho gia đình.
 
Chị tiết lộ bí quyết mua đồ giá rẻ: “Phải chịu khó đi dọ giá nhiều gian hàng rồi vào nơi bán giá thấp nhất trả giá xuống để được... “lời” thêm chút đỉnh nữa”. Không chỉ chị Ni mà nhiều CN khác cũng chịu khó làm như vậy.
 
Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Tân Mão. Những năm trước, thời gian này, không khí sắm Tết quanh các khu chợ CN gần các KCN đã nhộn nhịp nhưng năm nay lại trầm lắng hẳn. 
 
Các khu chợ tự phát mọc lên san sát ở những con đường vành đai quanh những KCX-KCN trưng bày đủ các mặt hàng, từ quần áo, giày dép, thắt lưng, túi xách... với mức giá vài chục ngàn đồng một món, có nơi còn khuyến mãi.
 
Anh Trần Văn Hưng, chủ một gian hàng quần áo trên Quốc lộ 1A, gần KCX Linh Trung 1, than thở: “CN tan ca vẫn ghé nhưng xem là chính, ít người chịu mua”. Chị Phạm Thị Thắm, CN một công ty may trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp - TPHCM), tâm sự: “Số tiền 1,65 triệu đồng công ty thưởng Tết, tôi không biết phải chi thế nào cho hợp lý. Mua sắm Tết cho mình thì không đủ tiền về quê; mà về quê, mua quà cho gia đình trong khi mình vẫn mặc đồ cũ thì cũng tủi thân...”.
 
“Ăn Tết” sau vậy!
 
Tôi gặp bà Nguyễn Thị Minh (54 tuổi, quê Nghệ An) khi bà đang cố gắng vừa dỗ dành một đứa cháu đang bị sốt, khóc ngằn ngặt vừa ngó chừng một đứa khác đang chơi một mình trước cửa khu phòng trọ nằm trong con hẻm đối diện KCX Linh Trung 1. 

Thôi đành lỡ hẹn...

Rời vùng quê Nghệ An nghèo khó, anh Nguyễn Quang Hào (CN Công ty CP Vinanomex 15, Khu Công nghệ cao TPHCM) vào TPHCM với hy vọng đổi đời. Ở công ty, anh Hào làm công nhật và được trả công 130.000 đồng/ngày. Anh tiếc rẻ: “Mới cưới nhau được 2 tháng nên Tết năm nay, vợ chồng tôi rất muốn về quê để ra mắt họ hàng hai bên nhưng tiền dành dụm được không nhiều. Tôi làm công nhật nên chắc cũng không có thưởng Tết. Thôi đành lỡ hẹn với họ hàng hai bên...”.

 
Cha mẹ hai đứa cháu nội này của bà đều là CN ở KCX Linh Trung 1. “Dạo này, có hôm tụi nó phải tăng ca đến 21 giờ. Lương của chúng cộng lại được khoảng 4 triệu đồng.
 
Không đủ tiền cho con đi nhà trẻ nên tụi nó nhờ tôi vào đây giữ giùm. Hai năm rồi, thương tụi nó lương, thưởng không đủ lo cho con, tôi không nề hà gì chuyện về quê dịp Tết” - bà Minh tâm sự.
 
Bà cho hay Tết này có thể còn khó hơn vì anh Nguyễn Mạnh Hùng, con trai bà, không có tiền thưởng Tết. “Nó làm việc ở công ty TNHH C.C được 4 năm thì xin nghỉ, đi làm lơ xe với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn lo cho cả nhà về quê Tết này.
 
Nhưng công việc lơ xe quá vất vả, lương cũng không khá hơn nên nó quay về công ty cũ làm. Mới làm lại nên chưa chắc nó được thưởng Tết, mà nếu có, chắc cũng không đủ chi phí về quê” - bà buồn bã.
 
Thêm một năm nữa, vợ chồng chị Nguyễn Thị Dung, CN Công ty May Việt Vương (quận 12), quyết định ở lại TPHCM ăn Tết. “Nói ăn Tết chứ thật ra là ở lại đây, buồn hiu trong căn phòng trọ chờ cho Tết qua, tiếp tục đi làm, rồi lựa dịp giá xe rẻ mà về thăm nhà.
 
Lúc đó mình “ăn Tết” sau vậy”- chị Dung bày tỏ. Chị Dung cho biết năm ngoái, tiền thưởng Tết của công ty không đủ để vợ chồng chị về quê; năm nay chắc cũng vậy nên cả hai quyết định ở lại TPHCM ăn Tết.
 
“Vừa qua, tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt, tiền mua sữa cho con... đều tăng nên làm được đồng nào, xài hết đồng ấy, có khi còn phải vay mượn. Muốn đưa cả nhà về quê ở Nam Định dịp Tết, ít nhất phải tốn hơn 2 triệu đồng tiền xe, chưa kể tiền quà cho hai bên nội, ngoại”- chị Dung ngao ngán.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.