“Công chúa” làng nail

17/10/2011 16:30 GMT+7

(TNTS) Vóc dáng nhỏ nhắn xinh xắn, nụ cười niềm nở, phong cách hồn nhiên khiến ai gặp cũng dễ có cảm tình với cô gái được gọi là “công chúa” làng nail Pang Mỹ Nguyên.

Pang Mỹ Nguyên (SN 1987), là con út trong gia đình 5 chị em người Việt gốc Hoa. Trước đây gia đình làm nghề sản xuất dép nhựa, nhưng rồi phá sản vào năm 1996. Mẹ Nguyên phải bôn ba bán mì ở cổng Đầm Sen suốt 10 năm để nuôi 5 chị em ăn học.


Pang Mỹ Nguyên và chiếc cúp “Chăm sóc móng Châu Á” 

Pang Mỹ Nguyên từng được nhận các danh hiệu Giáo viên dạy nghề giỏi cấp thành phố, Thanh niên Hoa tiên tiến (Hội LHTN VN), Thanh niên trẻ tiêu biểu (Thành đoàn TP.HCM). Và điều mà cô tâm đắc nhất trong sự nghiệp của mình là câu nói của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong lễ tuyên dương 80 người thợ trẻ giỏi toàn quốc: “Đại học không phải là con đường duy nhất, học nghề không phải con đường cuối cùng”.

Người tiên phong theo con đường làm móng tay trong gia đình Mỹ Nguyên là chị hai Pang Mỹ Linh. Nguyên kể lại: “Lúc đó chị hai phải làm thêm nghề nail để phụ mẹ nuôi các em, rồi sang Nhật học thêm nghề để về Việt Nam, phát triển thành Công ty TNHH Linh Pang. Thấy chị cực nhọc, bốn chị em cùng nhau học nghề như chị để gánh bớt nhọc nhằn. Dần dần, Nguyên nhận ra, nghề nail không chỉ là việc cắt da, sơn móng tay, mà nó còn là môn nghệ thuật. Nếu như những nghề hội họa, thư pháp, vẽ trên những vật dụng cố định, thì vẽ móng tay lại khó hơn bởi phải vẽ trên những ngón tay chuyển động, nét nhỏ hơn và phải tinh xảo. Thời gian đầu, Nguyên tốn không biết bao nhiêu tiền để mua bột, hóa chất và các dụng cụ làm móng về cặm cụi vẽ trên từng chiếc móng giả. Lần đầu cầm tay mẹ để vẽ, Nguyên lóng ngóng mất 3 giờ đồng hồ, mẹ ngủ mấy giấc mà con gái vẫn chưa làm xong. Dần dần, Nguyên vẽ thuần thục các hoa văn từ cổ điển đến hiện đại, cả những con cua biển, cây dừa, con thuyền bé xíu trên 10 móng tay chưa đầy 15 phút”.

Năm 2009, một bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời Mỹ Nguyên. Hiệp hội Chăm sóc móng châu Á tổ chức cuộc thi “Cúp chăm sóc móng châu Á”. Chị Linh từng giành giải nhất cuộc thi này vào năm trước, đã động viên Nguyên tham gia cuộc thi. Không nguồn tài trợ, Nguyên dùng tiền túi lo cho cả người mẫu và người giúp việc sang Singapore. Và thật không ngờ, tác phẩm “Thiên thần tình yêu” với người mẫu mang đôi cánh trắng, hai bàn tay được điểm tô với những thiên thần nhỏ bé làm bằng bột, như đang đùa giỡn trên 10 ngón tay, đã chinh phục được những vị giám khảo khó tính đến từ các quốc gia châu Á. Pang Mỹ Nguyên đăng quang giải nhất với chiếc Cúp châu Á trong tay. Từ đó Mỹ Nguyên trở thành một cô gái nổi tiếng làng nail trong và ngoài nước.

Để khẳng định nghề của mình, Nguyên về làm Giám đốc Mỹ thuật cho công ty của chị, phụ trách cơ sở Đào tạo nghề chăm sóc móng Kelly Pang nằm trên đường Võ Văn Tần (TP.HCM). Học viên của Nguyên ngày càng đông và hiện có 60 giáo viên hành nghề tại trung tâm của Nguyên. Nguyên tâm sự: “Người nước ngoài rất thích người Việt Nam chăm sóc móng cho họ, trong khi đó chính người trong nước lại nhìn cái nghề này với con mắt kỳ thị, thậm chí nhiều người không dám nói mình làm nail, cho nên mình muốn phát triển cái nghề này trong nước”.

 Hạ Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.