Choji Suzuki - Tổ sư karate tại Việt Nam

26/11/2004 22:08 GMT+7

Cuộc đời hơn 40 năm lưu lạc của võ sư Choji Suzuki mang đầy nét huyền thoại. Thầy là người đầu tiên gieo hạt giống karate ở Việt Nam, và hệ phái Suzucho (Linh Trường) đến nay có hơn chục vạn môn đồ trong cả nước và các nước như Mỹ, Úc, Canada, Nga... Lớp đệ tử bây giờ thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư. Nghiệp võ như vậy đáng để tôn thầy vào bậc sư tổ. Để tỏ lòng biết ơn người đi khai phá, ngày sinh của thầy (10/6) được coi là ngày truyền thống của hệ phái Suzucho hằng năm.

Thầy Choji Suzuki không còn nữa nhưng hình bóng thầy sống mãi trong lòng hàng vạn môn đồ karate nước Việt...

Cảm giác đầu tiên khi mọi người gặp thầy Choji Suzuki là sự choáng ngợp trước vóc dáng to lớn, đường bệ của thầy. Thế nhưng thân pháp thầy lại cực kỳ nhanh nhẹn, dũng mãnh. Thầy ra đòn như sấm sét, đặc biệt đòn ushiro kekomi geri nhanh như chớp, khó có ai tránh né hoặc đỡ nổi.

Môn võ karate ngày ấy đối với nhiều người còn là một ẩn số lạ lùng và đầy hấp dẫn. Bị lôi cuốn bởi những câu chuyện truyền miệng về tinh thần võ sĩ đạo, về võ công kinh người của các chiến binh Samurai, nay được thụ giáo trực tiếp với vị võ sư người Nhật, ai nấy lấy làm hãnh diện lắm!

Dưới sự chỉ dẫn của thầy, sự kiêu căng ngạo mạn của kẻ mới bước vào nghề võ mất dần theo năm tháng. Không chỉ dạy kỹ thuật, thầy dành nhiều thời gian để nói về võ đạo. Ngôn ngữ của thầy rất đời thường, với những chỉ dẫn gần gũi, dễ hiểu, dễ lĩnh hội. Thầy hướng dẫn từ phong cách đi đứng, tác phong ăn mặc, cung cách cúi chào, làm sao vừa khiêm cung, vừa uy vũ. Thầy chỉ dạy với tất cả sự tận tâm, tỉ mỉ và lòng kiên nhẫn hiếm thấy. Nhưng có những điều trải qua thời gian mới "ngộ" ra và sửng sốt khi hiểu ra nguyên lý "karate không tấn công trước" (karate no go sen), hoặc thế nào là "tâm sáng như trăng rằm" (tsuki no kokoro).

Gia đình thầy cô Choji Suzuki tại Nhật Bản.

Tiếng Việt thầy nói lơ lớ khó nghe. Những anh em mới nhập môn phải có thời gian quen với giọng nói của thầy. Tuy vậy, trong sinh hoạt đời thường cũng có những hiểu lầm. Có một câu chuyện vui - thầy gọi anh Trần Đình Tùng và hỏi: "Nhà con có chi gai không?". Anh Tùng thưa: "Nhà con không có chị gái ạ". Thầy cao giọng: "Không phải chi gai, phi-sên, phi-sên (ficelle)...!". Lúc đó anh em mới hiểu thầy hỏi nhà có chỉ gai không để may lại thảm tập.

Vợ chồng thầy thương yêu học trò như con ruột của mình, chăm chút và quan tâm từng người một. Mỗi võ sinh đều có cảm giác mình là đứa con duy nhất của thầy cô. Có anh Đức quê ở Gia Hội nhà nghèo lại rất mê võ. Để có tiền, anh nhịn ăn sáng bỏ từng đồng tiền lẻ vào lon gugoz, cuối tháng mang ra đóng học phí. Tình cờ biết được, thầy cô Suzuki rất ngạc nhiên. Đến khi truy hỏi, biết rõ hoàn cảnh, thầy cô không thu tiền mà còn cho Đức về sống và ăn ở trong nhà để tập luyện và học thêm nghề may võ phục.

Vậy mà có một người học trò "làm phản", các cao đồ giấu thầy, cùng họp mặt bàn nhau cách trừng trị. Cũng may là thầy sớm nắm rõ ý đồ, liền kịp thời ngăn chặn. Bằng giọng buồn rầu, ông nói: "Trừng phạt thì dễ, tha thứ, thương yêu mới là khó. Các con không được vọng động. Chỉ có lương tâm là sự phán xét cuối cùng". Rồi ông úp mộc bài có ghi tên họ phản đồ vào trong mặt tường và không bao giờ nhắc đến tên người này nữa...

Học võ như một hành giả, cả một đời khổ luyện. Thầy kể: Để thụ đắc môn Take no Uchi (Trúc chi nội), thầy phải trải qua một sự thử thách ghê gớm về tinh thần và thể xác. Suốt một thời gian dài chỉ ngồi trước cổng chùa dùng tay chụp ruồi bu trên chén cơm từ sáng đến chiều tối. Sau đó dùng đũa... gắp những con ruồi đang bay. Lúc ấy cậu trò nhỏ đâu biết rằng những động tác tưởng chừng vô nghĩa ấy là cả một sự rèn luyện chữ nhẫn và sức mạnh để tung đòn shuto dữ dội và đòn atémi dứt điểm.

Trường phái Take no Uchi chỉ truyền thụ giới hạn cho các môn đồ Thiền tông với một giới luật gắt gao. Cách dạy của các đại sư sống ẩn dật tại một ngôi chùa cổ ở ngoại ô thành phố Nagasaki (Nhật Bản) cũng thật lạ thường. Người thầy chỉ vạch một con đường, để học trò đối mặt với thực tại, lắm khi lúng túng mò mẫm trong bóng đêm. Với một nỗ lực không mệt mỏi, đến tưởng chừng như tuyệt vọng thì bất ngờ nơi cuối đường hầm cánh cửa chợt hé mở ngập tràn ánh sáng thức ngộ (satori). Đó là lối dạy "trực chỉ nhân tâm" nhằm khai phóng bản ngã, vượt qua những "hạn độ" thông thường. Khi trong lòng ngập tràn cảm xúc về sự chỉ dẫn ấy, người môn sinh sẽ kiên trì suốt ba năm ròng rã chỉ tập một đòn đấm (téken tsuki) mà không chán nản.

Ngày Choji Suzuki "xuống núi hành hiệp" cũng là lúc nước Nhật bước vào Thế chiến thứ II. Như nhiều thanh niên Nhật thời ấy, 19 tuổi chàng trai Suzuki gia nhập quân đội Thiên Hoàng. Từ đây người võ sĩ phiêu bạt khắp vùng Hoa Nam, Trung Quốc, cuối cùng dừng chân tại Việt Nam vào năm 1940. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh (1945), thầy ở lại Việt Nam và đứng vào hàng ngũ Việt Minh, tham gia xây dựng các công binh xưởng sản xuất y cụ phục vụ kháng chiến vùng Liên khu 5.

Ngoài công tác chuyên môn, thầy còn tích cực dạy võ cận chiến cho bộ đội và lực lượng tự vệ. Năm 1952, trong một trận đánh nhau với quân Pháp ở Quảng Ngãi, thầy bị thương nặng, tưởng chừng khó qua khỏi. Cô nữ cứu thương Nguyễn Thị Minh Lệ, quê ở Tam Quan (Bình Định) đã chăm sóc thầy tận tình. Cảm động trước tấm chân tình, hai người ngày càng gắn bó, khăng khít với nhau. Một mối tình Việt-Nhật nở hoa ngay trong những ngày bom rơi đạn nổ, đầy khó khăn và cũng thật lãng mạn.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954, thầy về sinh sống tại cố đô Huế. Vùng đất thơ mộng này làm thầy nguôi ngoai nỗi nhớ quê xa rực rỡ hoa anh đào và đầy tuyết trắng. Những ngày đầu cuộc sống của hai vợ chồng thật gian nan. Năm 1956 thầy mở lớp dạy karate tại số 8 Võ Tánh, Huế. Anh Trần Đình Tùng, một trong những môn đồ đầu tiên, nhớ lại: "Thầy dạy bí mật, do chính quyền thời ấy cấm đoán và cũng do thầy rất kén chọn học trò". Sau tháng 11/1963 thầy mới chính thức đăng ký thành lập võ đường lấy tên Suzuki Dojo Noen và mở rộng cửa thu nhận môn sinh. Phần lớn người theo học đều là học sinh, sinh viên đã qua kiểm tra về tác phong đạo đức. Môn quy nghiêm cấm võ sinh không được uống rượu, hút thuốc, chửi thề; phải ăn mặc chỉnh tề, tóc tai gọn gàng, tôn trọng lễ nghi.

Võ sư Choji Suzuki (phải) đối luyện cùng môn sinh.

Toàn bộ hệ thống quyền pháp của hệ phái Suzucho Karate - do do thầy sáng lập ngầm chứa trong 9 bài quyền: 6 bài Yen và 3 bài Maki. Số 9 biểu hiện khát vọng vươn tới sự hoàn thiện. Yen có nghĩa là đồng tiền, chỉ sự giàu có. Maki là cuộn, là sức mạnh. Con người tập luyện karate để làm giàu đời sống tinh thần, có sức mạnh tự chủ vượt qua mọi thành bại, vinh nhục ở đời. Tinh hoa của môn phái này nằm ở các bài quyền cấp cao: yen 6 (téwaza), ashi waza và maki 3. Chỉ một số ít cao đồ được truyền dạy và lĩnh hội nổi các bài quyền công này. Cái tên Suzucho ryu (Linh Trường phái) phải hiểu theo chiết tự (kanji - Hán tự) là tiếng vang xa của đại hồng chung, theo kiểu như ngày nay người ta vẫn thường nói "mang chuông đi đánh xứ người" vậy.

Mỗi cao đồ thụ giáo và sở đắc ở thầy những tuyệt kỹ khác nhau về thuật cứu tỉnh (kuatsu), hệ thống huyệt đạo, cước pháp, quyền pháp (kata)... Các anh Lê Văn Thạnh, Đoàn Đình Long, Lê Công là những huấn luyện viên xuất sắc của đội tuyển karate quốc gia. Những vận động viên do các anh huấn luyện như Nguyễn Anh Tuấn, Trần Văn Thông, Phạm Hồng Hà... đã mang về cho đất nước những chiếc huy chương vàng, bạc tại các đấu trường SEA Games và Asiad. Chỉ riêng võ sư Nguyễn Văn Dũng sau mấy mươi năm dốc tâm truyền bá, đã đào tạo được cả chục ngàn môn đồ, một con số có thể nói là kỷ lục.

Năm 1978, võ sư Choji Suzuki hồi hương về Nhật, ở tại Miyagiken và vẫn tiếp tục chỉ đạo sự phát triển của hệ phái. Dù ở đâu thầy vẫn luôn tự nhận mình là một người Việt Nam, coi Việt Nam là quê hương ruột thịt. Thầy lấy tên Việt là Phan Văn Phúc. Các con cũng được đặt tên theo quê mẹ: Ngọc Mỹ (Michiko), Đức (Tokuo), Ý (Eiji).

Trong những chuyến về thăm quê, cô Nguyễn Thị Minh Lệ cho biết thầy vẫn còn thích các món ăn Việt Nam, vẫn nhớ về Việt Nam với mối chân tình ruột rà. Mong muốn cuối cùng của thầy là được một lần về thăm nước Việt. Ước nguyện ấy đã không thành. Thầy đã vĩnh viễn đi xa vào một buổi chiều giá lạnh, để lại phía sau biết bao tiếc thương...

Tháng 11/2004

Cao Thụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.