Chênh vênh cầu qua sông Đáy

16/04/2011 08:08 GMT+7

Không có cầu kiên cố, người dân hai huyện Thanh Oai và Chương Mỹ (Hà Nội) tự dựng những cây cầu nhỏ để đi qua sông Đáy.

Giữa hai huyện vốn là của tỉnh Hà Tây cũ, có đến 5-6 cây cầu nhỏ nối hai bờ sông Đáy, mỗi chiếc cách nhau khoảng 3 km, hầu hết do người dân tự đứng ra xây dựng và thu phí của người qua lại.

Trong số ấy, cầu Lam Điền, nối hai xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ với xóm Chùa Cát, huyện Thanh Oai được xây dựng bằng bê tông từ cách đây khoảng hai chục năm, giờ cũng xuống cấp nghiêm trọng với hai bên lan can gãy nát và trơ ra lõi sắt. Mùa mưa, nước ngập lên đến cả lan can gây khó khăn cho việc đi lại giữa hai bờ.

Bà Tuyết, một người dân thuộc xóm Chùa Cát, có hai người con đang đi học bên Lam Điền, tỏ ra lo lắng khi mùa mưa lũ sắp về. Những hôm nước lớn, bà phải cho các con ở nhà vì không thể qua sông vì cầu đã ngập chỉ có thể đi bằng đò.

“Nhưng người lái đò ở đây là phụ nữ nên chúng tôi lo lắm, có khi chèo gần đến giữa dòng lại phải quay vào bờ vì nước quá xiết, còn đi qua cầu Mai Lĩnh thì quá xa, đến 7-8 km”, bà Tuyết nói.

 
Cầu Hoàng Diệu, một trong những cây cầu qua sông Đáy - Ảnh: Minh Phương

Cách Lam Điền không xa, cầu Đại Từ, thuộc xã Đại Từ, huyện Thanh Oai do một hộ dân là nhà bà Chung đứng ra xây dựng với khung sắt, mặt gỗ và lan can bằng những thanh tre buộc vào nhau.

Nhìn từ xa, cầu Đại Từ chông chênh như những cây cầu khỉ ở miền Tây Nam Bộ với mặt cầu rộng chưa đến 1 mét. Mỗi lần xe máy, xe đạp đi qua, cây cầu lại oằn mình run rẩy, sàn gỗ va vào nhau lọc cọc, trong khi các mối hàn và nút buộc kêu cót két. Vì cầu quá chật, xe cộ không thể tránh nhau, xe thồ thì chỉ có thể dắt bộ vì sợ vướng vào lan can.

Theo bà Chung, người đứng ra xây dựng cây cầu này thì mỗi năm gia đình lại phải tu bổ, sang sửa để có thể thu phí qua cầu 2.000 đồng một xe máy, xe đạp 1.000 đồng và người đi bộ 500 đồng.

Cây cầu sắt thuộc địa phận xã Hoàng Diệu cũng có một lý lịch tương tự. Chủ của nó là bà Liên, một người lái đò trên sông Đáy, sau 14 năm cầm chèo, bà quyết định làm cầu. Vay được 50 triệu đồng và huy động trợ cấp thương binh của bố, cây cầu sắt của bà Liên đã ra đời được 2 năm.

Đi lại qua cầu này khó khăn hơn vì lối lên xuống khá dốc và giống như cầu Đại Từ, cầu Lam Điền, cầu Hoàng Diệu cũng ngập khi lũ lớn. Con đò đã cất đi nay lại được mang ra sử dụng để đưa người qua sông. Có những hôm mưa to, có người sắp sinh con, bà Liên lại phải chèo đò qua sông.

“Nếu có tiền, tôi sẽ làm một cây cầu bê tông kiên cố và đủ độ cao để không ngập vào mùa mưa, công nông, ô tô có thể qua được”, bà Liên chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Lam Điền, ông Lê Thế Hùy cho biết, chính quyền địa phương đã đề nghị cấp trên cấp kinh phí xây dựng cầu, phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế, xã hội hai bên sông.

“Chúng tôi đã xây dựng hồ sơ dự toán từ cuối năm 2010, xin đầu tư cải tạo lại cầu Lam Điền cùng đường xá, tổng dự toán là 3 tỉ đồng. Nếu được nhà nước quan tâm hỗ trợ thì xã sẽ triển khai. Hồ sơ đã gửi rồi nhưng đến bao giờ mới được duyệt thì lại phụ thuộc vào cấp trên”, ông Hùy nói.

Đó cũng là mong muốn của người dân sống hai bên sông Đáy, nơi phải dùng những cây cầu tạm, để cho việc đi lại giữa đôi bờ bớt khó khăn hơn.

Chu Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.