Chăn dê núi

23/02/2015 05:24 GMT+7

(TN Xuân) Trải nghiệm một lần “tõi” dê, săn dê núi của người dân ở Ninh Bình mới “ngộ” ra, những người nông dân ở đây gắn bó với con dê không phải chỉ vì đồng tiền mà còn là thú vui rất tao nhã.

(TN Xuân) Trải nghiệm một lần “tõi” dê, săn dê núi của người dân ở Ninh Bình mới “ngộ” ra, những người nông dân ở đây gắn bó với con dê không phải chỉ vì đồng tiền mà còn là thú vui rất tao nhã.

Chăn dê núiĐi “tõi” dê - Ảnh: Đinh Dụng
8 giờ sáng một ngày mùa đông, mặt trời hắt những tia nắng yếu ớt xuống vùng núi đá vôi kỳ vĩ nằm sát mép nước những mặt hồ, mặt đầm thả cá của những người dân xã Ninh Hòa. Ông Hoàng Ngọc Quân (thôn Đại Áng, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư) mở chốt cửa chuồng, những chú dê túa ra, men theo các lối mòn, leo lên núi, bắt đầu một ngày mới. Đàn dê nhởn nhơ gặm cỏ trên các vách núi trong khi ông Quân ở dưới chân núi đánh vật với một đống công việc nhà nông.
“Tõi” dê
Có khi các dê cụ đánh nhau cả buổi mới giành được dê cái. Nhưng các cuộc đấu chỉ diễn ra tay đôi, con nào thua cứ thua, những con đực còn lại cứ mặc kệ, không có chuyện 2 - 3 dê đực của đàn này đánh hội đồng dê đực đàn khác tìm đến chiếm “gái” của đàn mình. Mà dê cái cũng lạ lắm cơ. Cứ con đực nào thắng là nó thích
Ông Vũ Hùng Vương, thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, Ninh Bình
Suốt từ sáng đến chiều tối, khi đàn dê tự về chuồng, ông Quân chỉ 1 - 2 lần đi “tõi” dê (kiểm tra dê). Thuộc nằm lòng những cung đường hoạt động trên núi của dê, từng hang động và mỏm đá dê trú ngụ hoặc nằm sưởi nắng nên “tõi” dê là công việc rất nhàn nhã đối với ông Quân. Đảo qua một vòng, thi thoảng đưa tay lên miệng làm loa, ông Quân giả giọng “be… be…” để gọi dê. Nghe tiếng của ông, lũ dê dù đang trong hang, hay đang gặm cỏ, nằm phơi nắng trên vách đá đều ngóc đầu dậy để điểm danh.
Không chỉ “gọi” dê, ông Quân còn biết “nghe” tiếng dê kêu. Khi “tõi” dê, ông luôn chú ý lắng nghe xem có chú dê nào bị sa hố hoặc bị cây treo cổ hay không để kịp thời ứng cứu. Ông kể, thi thoảng dê ăn lá trong bụi rậm, vướng vào thòng lọng cây cỏ nên chui vào chẳng được mà thoát ra cũng chẳng xong, chỉ cần giật mạnh đầu một cái là bị treo lơ lửng trong lùm cây, cổ bị thít chặt. Nếu không được cứu kịp thời, dê chỉ có đường chết.
Cách mà ông Quân đang nuôi đàn dê của mình, dân trong nghề gọi nôm na là nuôi dê bán sơn địa, xuất phát từ một lẽ đơn giản: ban ngày dê leo núi gặm cỏ, tối dê tự tìm về chuồng ngủ nghỉ. Nhưng huấn luyện dê tự về chuồng không phải dễ. Người chủ phải trổ nhiều ngón nghề trong khoảng hơn 1 tháng trời thì đàn dê mới chịu nghe lời. Lúc đầu, ông Quân phải tự lùa dê lên núi và lùa chúng về chuồng theo đúng khung giờ đã định. Mỗi chiều, ông đều cho dê ăn khi chúng về đến chuồng. “Tôi đem thức ăn cho dê, rồi cho dê liếm muối ăn. Về mà được ăn ngon thì gì mà chúng chả về, hoặc không có tí vị mặn của muối, dê buộc phải mò về để được thỏa cơn thèm”, ông Quân nói.
Những cuộc “so găng” của dê cụ
Dê nuôi bán sơn địa được khách hàng ưa chuộng và được giá bởi vật nuôi được leo núi, ăn nhiều cây cỏ tự nhiên nên ngon thịt. Thịt dê sinh ra trên núi, ăn ngủ trên núi cả đời còn hút khách sành ăn hơn nhiều.
Gần đây, tại Ninh Bình, dê được đưa vào nuôi tại những khu du lịch để phục vụ du khách. Khi đến với Tràng An, Tam Cốc, Bích Động hay Thung Nham của Ninh Bình, ngồi trên chiếc thuyền nan, hòa mình vào cảnh thiên nhiên sông nước, ngẩng đầu lên hai bên núi đá thấy một vài chú dê trắng nhởn nhơ gặm cỏ, thật không có gì yên bình hơn. Du khách cũng có thể trải nghiệm công việc chăn dê cùng những người nông dân.
Theo ông Vũ Hùng Vương (thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư), nuôi dê núi nhàn hơn nuôi dê bán sơn địa: không phải huấn luyện dê đi - về, không phải cho dê ăn… nhưng lại đòi hỏi người nuôi có kỹ năng đặc biệt, bao gồm cả việc “tõi” dê, thuộc lòng các đặc tính của từng con dê và săn dê trên núi. Nuôi dê núi, vì thế không đơn thuần chỉ để mưu sinh mà nhiều khi còn là một cái thú của những người như ông Vương. Hơn 20 năm nuôi dê trên núi Hang Nghì - Đồng Mấu cao trên dưới 200 m so với mực nước biển, ông Vương thuộc từng mỏm núi, hang hố, biết rõ các đàn dê của mình hoạt động ở những khu vực nào…
Bao năm qua, dù trên núi có nhiều người cùng nuôi dê nhưng chưa bao giờ, ông và các đồng nghiệp của mình phải cãi vã vì tranh chấp vật nuôi. “Tôi đặt tên cho dê tùy vào màu lông hoặc đặc tính riêng biệt của chúng, như: con vàng, con khoang, con đốm trắng... Khi dê sinh con trên núi, đi “tõi” nghe tiếng dê non, đàn đã có thêm thành viên mới, chúng tôi sẽ báo tới các chủ nuôi xung quanh để “khai sinh” cho dê con, sau này làm căn cứ tính tuổi dê, xác định chủ sở hữu. Dê sống thành từng đàn nhỏ, hoạt động trong một khu vực nhất định nên dễ tìm, dễ phân định chủ sở hữu, ngay cả khi đã tăng đàn”, ông Vương giải thích.
Mỗi ngày một lần, ông Vương đi “tõi” dê. Ông đi một vòng quanh chân núi gọi “be… be…” hoặc đưa ống nhòm lên nhìn từng đàn dê của mình nhởn nhơ gặm cỏ. Quan sát tập tính của dê bao năm qua, ông nói rằng người ta cứ bảo “dê cụ” là dê đực già, nhưng với ông, “dê cụ” là con dê “máu” cái “khoản ấy” nhất và khỏe nhất. “Đến mùa dê cái động đực là nó đi khắp nơi để nhảy. Chỗ nào có dê cái là dê cụ tìm tới, nhảy hết lượt mới trở về đàn cũ”, ông Vương nói. Và ông cho rằng, “dê cũng có luật riêng của dê”, nếu muốn yêu dê cái của đàn khác, dê đực sẽ phải chiến thắng trong cuộc so găng với “dê cụ” của đàn ấy. “Dê đực thua sẽ phải nhường cho dê đực chiến thắng. Có khi các dê cụ đánh nhau cả buổi mới giành được dê cái. Nhưng các cuộc đấu chỉ diễn ra tay đôi, con nào thua cứ thua, những con đực còn lại cứ mặc kệ, không có chuyện 2 - 3 dê đực của đàn này đánh hội đồng dê đực đàn khác tìm đến chiếm “gái” của đàn mình. Mà dê cái cũng lạ lắm cơ. Cứ con đực nào thắng là nó thích”, ông Vương chia sẻ những quan sát tinh tế của mình.
“Lệ” săn dê
Ngoài thú “tõi” dê, quan sát tập tính thú vị của loài dê, ông Vương mê nuôi dê núi còn là bởi những cuộc săn dê. Khi có khách đặt hàng, ông phải huy động dăm bảy bạn nghề, đem lưới giăng kín các vách núi, cùng la hét, lấy đá ném đẩy đuổi dê chạy vào lưới.
Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng nhiều khi ông Vương và những người bạn của mình vất vả đuổi đẩy cả ngày trời cũng không thể bắt được dê bán cho khách vì núi cao, nhiều vách, nhiều hố nguy hiểm, nhiều con dê lại rất tinh quái, không dễ để bị mắc bẫy của thợ săn. “Thấy chúng tôi bắt dê vất vả nhưng vui, nhiều khách cũng leo núi tham gia. Họ thích lắm. Dê bán được giá. Có thêm thu nhập. Các bạn nuôi dê lại được dịp tụ tập ăn uống chuyện trò vui vẻ. Sau cuộc săn, gia chủ mua đồ nấu cơm đãi các thợ săn, gọi là trả công, chuyện này đã thành lệ rồi”, ông Vương kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.