Câu cá kiểu Mỹ

10/08/2009 13:49 GMT+7

(TNTS) Sáng chủ nhật, trời vừa hửng nắng, các tay câu của trường đại học Marshall (thuộc tiểu bang West Virginia, Mỹ) đã hăm hở rủ nhau đi câu cá. Trong số này có không ít người VN, có người còn được mệnh danh là câu thủ “sát cá”…

Đi câu cá "khủng"

Điểm đến của họ là vùng hồ Barboursville Lake rộng 17 mẫu. Mùa này, thời tiết khí hậu khá đẹp, nắng ấm, gió nhẹ khiến các tay câu trở nên hưng phấn. Mới sáng sớm mà đã có hơn mấy chục câu thủ ngồi rải rác quanh hồ để cắm câu.

Lòng hồ nước trong và xanh là nơi trú ngụ của các loại cá trê, cá trắm đen, và nhiều loại cá khác... Đặc biệt có trắm cỏ (crap) là một loại cá thuộc họ cá chép, miệng rộng, mình thon dài, bụng tròn và thót lại ở gần đuôi. Kích thước của loại cá này rất “khủng”, nhiều con dài tới 1,5m, nặng 45 kg khiến nhiều tay câu mê mẩn. Cá vùng này rất tinh khôn và có “nghề”, vì thế dù số lượng người câu nhiều nhưng số cá bị dính câu xem ra rất ít ỏi. Thỉnh thoảng các tay câu nghiệp dư cũng may mắn câu được vài con cá “nhí” cân nặng từ vài trăm gam đến hơn một ký lô. Nhưng để câu được cá khủng như cá trắm cỏ thì không phải là chuyện đơn giản.

Trong số các du học sinh thường đến đây chinh phục cá trắm cỏ, có một người VN được phong là câu thủ “sát cá” có hạng ở vùng hồ này là anh Phạm Đức Thắng, Phó giám đốc một công ty liên doanh vận tải tại VN, hiện đang theo học MBA tại West Virginia. Tại Barboursville Lake anh Thắng đã từng “xử lý” được nhiều con cá trắm cỏ loại khủng. Trong đó con nhỏ nhất mà anh câu được dài 0,7m, nặng 8 kg, con lớn nhất dài 1,1m, nặng 18 kg.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Thắng cho biết: để câu trắm cỏ, các tay câu phải chuẩn bị dụng cụ gồm cần câu tay carbon dài gần 3m, có lườn lưng mạnh, chịu lực cao, đầu chì nặng khoảng 14-28g, dây cước dày, lưỡi câu lớn, thùng xô đựng mồi và “chiến lợi phẩm”. Trước đây, một số tay câu thường chọn loại mồi giả (lure), được làm bằng cao su với đầu lưỡi có chì giá khoảng 3,5-3,9 USD/bịch gồm 4 con. Tuy nhiên câu bằng cách này không mấy thành công đối với loại cá trắm cỏ.

Vì thế người ta chuyển sang dùng mồi thật là một loại trùng to dài như con giun đũa, nhập từ Canada giá khoảng 2,7 USD/hộp 20 con. Hoặc loại mồi đặc biệt dùng cho cá trắm cỏ và cá trê giá khoảng 3,69 USD/bịch 100g. Anh Thắng tâm sự: “Lần đầu tiên đi câu tôi mất đứt hơn 30 USD tiền mồi cho cá xơi vì không biết loại cá nào có ở dưới hồ, cho nên phải thử nhiều cách câu, câu nổi rồi đến câu chìm, điều chỉnh nhiều lần độ sâu của lưỡi câu. Sau khi chọn giải pháp là câu chìm thì phát hiện ra lưỡi câu thường xuyên bị mắc cỏ ở dưới đáy nên suy đoán đây là khu vực của cá trắm cỏ. Sau nhiều phen hụt hẫng vì... cá, giờ tôi chỉ tốn mỗi buổi khoảng vài USD tiền mồi là đã “xử” được nó”.

 
Từ trái qua: các anh Nam Thanh, Đức Thắng, Thế Anh - Ảnh nhân vât cung cấp

Đấu trí với cá

Có một nguyên tắc bất di bất dịch mà dân câu cá luôn phải thuộc nằm lòng là phải biết kiên nhẫn và xử lý nhanh. Bởi nếu không có tính cách này, người câu khó lòng “đấu trí” được mấy con cá hung tợn. Theo anh Thắng, bí quyết câu được cá to là phải chọn đúng mồi, câu đúng kiểu và có sức khỏe. Mỗi một loại cá có một loại mồi câu khác nhau. Ví dụ, cá nục ăn tạp, cá rô thích ăn mồi trứng kiến, cá trắm cỏ lại thích ăn trùng… Ngoài ra phải nắm bắt chính xác đặc tính của từng loại cá và cách ăn mồi của nó như thế nào, ăn sâu dưới đáy hay ăn trên mặt nước thì mới đưa ra cách câu thích hợp. 

Cá trắm cỏ thường tụ tập ở khu vực chỗ nước không chảy xiết, ẩn sâu ở dưới nước, vì thế với loại cá này thì không câu bằng phao mà câu mồi chìm dưới đáy. Kỹ thuật câu cá trắm cỏ cũng khá đơn giản. Móc mồi phủ đầy lưỡi câu cho thật chắc để khi ném xuống nước mồi không bị rơi ra khỏi lưỡi câu. Ném mồi vào khu vực vùng nước lặng, quấn dây câu lại cho hơi căng, gác cần vào giá đỡ và ngồi chờ cá cắn câu. Khi cá đớp mồi, cây cần sẽ cong vút, dây câu sẽ động đậy. Khi đó người câu phải nắm chặt cần, nhanh chóng quay tay máy thu cước cho thẳng và giật cần.

Do trắm cỏ loại lớn rất khỏe nên khi cắn câu, chúng sẽ nhanh chóng tìm chỗ thoát thân tạo sức trì kéo rất nặng ở mũi câu, giật rất mạnh về phía dưới đáy khiến nước bắn lên tung tóe, người câu sẽ có cảm giác cần câu đang bị lôi tụt xuống dưới lòng sông. Trong trường hợp này người câu phải hết sức bình tĩnh, gồng người giữ cần mặc cho cá vùng vẫy mà không kéo tay quay nữa. Bởi nếu hấp tấp kéo cần về phía mình, sức căng kéo sẽ làm đứt dây hoặc rách miệng cá. “Thường thì tôi phải vật lộn và quần con cá gần 15 phút cho nó thấm mệt, sau đó mới lội xuống mép hồ để xách nó lên. Do đó nếu tay câu nào không có sức khỏe thì khó lòng giải quyết dứt điểm được loại cá này”.

Và các luật lệ

Sau khi câu được cá, người câu có quyền tùy nghi xử lý “chiến lợi phẩm” thu được. Thịt trắm cỏ tươi ngon và thơm nên hay được các tay câu mang về chiên, nướng hoặc nấu canh chua. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng mang cá về nhà, bởi quy định về số lượng và kích thước câu ở các điểm câu khá nghiêm ngặt. Mỗi người chỉ được phép câu 2 con cá/ngày. Nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, có khi phải ra hầu tòa.

Ngoài ra cá câu lên phải đúng quy định về trọng lượng cho từng loại cá, nếu bạn lỡ câu phải cá mini có trọng lượng dưới quy định, bạn buộc phải thả cá lại vào trong hồ để “vỗ béo” cho các chuyến thả câu sắp tới. Đây là quy định bảo tồn cá bắt buộc của chỗ câu. Vì thế các tay câu ở Mỹ, ngoài các đồ nghề chuyên dụng, họ phải mang theo 2 thứ cần thiết nữa là cân và thước đo. Sau mỗi lần “trúng quả”, các câu thủ sẽ cân và đo xem trọng lượng và kích thước con cá mình mới câu có nằm trong quy định được mang về hay không? Việc làm này xem ra cũng rất thú vị, bởi khi “cân đo đong đếm” các chú cá, các câu thủ có thể tranh tài với nhau xem ai câu được nhiều cá hơn, kích thước dài và to hơn. Chỉ thế thôi cũng đủ làm cho họ cảm thấy phấn chấn. 

Một điều thú vị khác là trước khi thả cần câu cá ở Mỹ, bạn phải mua giấy phép. Chi phí cho việc mua “license” này giá khoảng từ 10 – 40 USD/năm tùy từng tiểu bang. Ở West Virginia mức phí là 25 USD/năm. Với giấy này bạn có quyền câu cá ở tất cả những nơi công cộng trong tiểu bang đó. Khi đi câu, người câu thường mang kè kè loại giấy này bên người để phòng khi bị kiểm tra thì có cái mà trình. Nếu không bạn sẽ bị phạt rất nặng vì tội câu cá lậu.

Nghiêm ngặt và khó khăn là thế, nhưng các tay câu VN dường như chẳng hề nao núng bởi niềm đam mê của họ quá lớn. Anh Nam Thanh, một du học sinh tại đây tâm sự: “So với các thú tiêu khiển khác, thì câu cá giúp người câu rất nhiều thứ trong cuộc sống. Ngoài việc rèn luyện tính kiên nhẫn, sự tự tin và khả năng phán đoán, câu cá còn đem lại cho người chơi cảm giác sung sướng và thư giãn thật sự khi được giật cá trong tay mà nếu bạn chưa đi câu bạn sẽ không thể nào cảm nhận được…”.

Kim Oanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.