Bộ tứ nữ đàm phán hạt nhân

31/07/2015 07:50 GMT+7

(TNTS) Quá trình đàm phán về vấn đề hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 sau 13 năm cuối cùng đã đạt được kết quả mà theo Tổng thống Mỹ thì “99% thế giới và đa số các chuyên gia hạt nhân” ủng hộ.

(TNTS) Quá trình đàm phán về vấn đề hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 sau 13 năm cuối cùng đã đạt được kết quả mà theo Tổng thống Mỹ thì “99% thế giới và đa số các chuyên gia hạt nhân” ủng hộ. Và chắc chắn con số đồng tình cũng tương đương như thế với 4 nữ đàm phán đến từ Mỹ, Anh, Đức và Ý. Họ được xem là bộ tứ siêu đẳng ở phe P5+1 mà dù phía Iran không có lời ca ngợi chính thức nhưng hẳn rất nể phục.

Bộ tứ nữ đàm phán hạt nhân 1Helga Schmid và Catherine Ashton - Ảnh: Reuters
Thỏa thuận giữa Iran và 5 thành viên thường trực Hội đồng bảo an gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức là một cột mốc mang tính lịch sử. Và người đứng ra thông báo cái kết này vào hôm 14.7 là nhà ngoại giao chủ chốt của EU Federica Mogherini cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Iran - ông Mohammad Javad Zarif. Bà Mogherini trở thành tâm điểm của những lời chúc tụng, trong đó có cú điện thoại từ Tổng thống Barack Obama. Chỉ vài tiếng sau khi đạt được thỏa thuận, Mogherini đã khoe trên Facebook tấm hình nhóm của bà với ghi chú: “Chúng tôi làm được điều đó là nhờ nhóm này”. Người nổi bật nhất trong nhóm của bà Mogherini (42 tuổi, người Ý) là cấp phó Helga Schmid (55 tuổi, người Đức).
So với 3 người còn lại trong bộ tứ thì Mogherini trẻ tuổi nhất và tham gia vào quá trình đàm phán trễ nhất. Ở vị trí Cao ủy châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại, bà Mogherini đạt được thành công là nhờ nỗ lực duy trì những mối quan hệ vững chắc mà người tiền nhiệm Catherine Ashton (59 tuổi, người Anh) đã gầy dựng được với Iran. Mogherini lên thay Ashton chính thức vào tháng 11.2014 nhưng toàn bộ hồ sơ liên quan đến Iran đều vẫn do Ashton phụ trách và vì thế bà vắng mặt tại bàn đàm phán ở những vòng cuối cùng.
Bộ tứ nữ đàm phán hạt nhân 2Federica Mogherini - Ảnh: Reuters
Bà Ashton bắt đầu sự nghiệp chính trị dưới thời Thủ tướng Tony Blair rồi tiếp tục được tín nhiệm bởi Thủ tướng Gordon Brown. Cuối năm 2009, bà được thông qua trọng trách Cao ủy phụ trách an ninh đối ngoại. Với lập trường cứng rắn, bà từng thẳng thắn bác bỏ đề nghị tiếp tục ngồi với nhau từ phía Iran vào đầu năm 2011 sau khi vòng đàm phán ở Istanbul thất bại với lý do “sẽ chẳng có gì mới”.
Vì thế, bà Ashton thường xuyên bị nhóm chính trị gia cứng rắn ở Iran bêu xấu, thậm chí còn tuyên bố một Ashton “kiêu căng và ngạo mạn” sẽ chẳng thể nào làm việc được với Saeed Jalili - “một người Hezbollahi trẻ tuổi”. Jalili thời điểm đó đang dẫn đầu phái đoàn đàm phán Iran. Chính trị gia 49 tuổi này từng giữ chức Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia tối cao Iran từ 2007 đến 2013. Truyền thông Iran còn công kích nội bộ EU khi chê Ashton kém hơn người tiền nhiệm Javier Solana và không xứng đáng ngồi ở vị trí này, thậm chí còn đề xuất EU nên rút Ashton ra khỏi đoàn đàm phán của P5+1.
Sự chuyển giao thành công giữa Ashton và Mogherini là nhờ vào Helga Schmid, người được Stefano Stefanini - cựu Đại sứ Ý ở NATO gọi là “một nhà đàm phán thông minh và là một mắt xích quan trọng kết nối Ashton và Mogherini”.
“Bà ấy đúng là người Đức ở chỗ bà ấy thận trọng, suy nghĩ rất nhiều về vấn đề và biết đâu là giới hạn”, Stefanini cho biết. Bà Schmid tham gia sâu vào các vòng đàm phán kể từ thời Tổng thống Iran Mohammad Khatami tuyên bố với thế giới chương trình làm giàu hạt nhân của nước này đầu năm 2003. Bà Schmid cùng với trợ lý chính của ông Jalili là Ali Bagheri tạo nên sự cân bằng lực lượng giữa hai đoàn đàm phán. Truyền thông Iran khá nể bà Schmid, xem bà là người nắm “quyền lực trong bóng tối” và nhấn mạnh rằng yếu tố dẫn đến thành công trong các vòng đàm phán ở Moscow là nằm trong tay 2 nhân vật này. Họ thường xuyên gặp nhau ở những địa điểm bí mật để lên lịch cho các cuộc gặp ở Istanbul và Baghdad năm 2012. Bagheri và Schmid được báo chí Iran mô tả là “những cớm giỏi” của cả hai phía.
Bộ tứ nữ đàm phán hạt nhân 3Wendy Sherman - Ảnh: Reuters
Một nhà ngoại giao phương Tây, muốn giấu tên vì sự tế nhị khi so sánh vai trò của bộ tứ nữ này, nhận xét: “Schmid là người chủ lực. Chính bà là người đàm phán bản thỏa thuận cũng như 5 bản phụ lục. Hơn thế, bà còn đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa Iran và Mỹ”. Bà có mặt tại cuộc gặp cuối cùng với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và cấp phó Sherman ở Lausanne và “suốt đêm nhắn tin cho sếp Mogherini để thông báo diễn tiến cuộc đàm phán”.
Như nhận xét của cựu Đại sứ Ý Stefanini rằng “Mogherini cậy nhờ Schmid thì ông Kerry dựa vào Sherman còn hơn thế”, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong nhóm là Wendy Sherman (66 tuổi, người Mỹ) được đánh giá rất cao cùng với Schmid.
Tờ Politico gọi “những cuộc đàm phán hạt nhân là sô diễn của bộ đôi Schmid và Sherman”. Tháng 2.2011, bà được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị - người quyền lực thứ 3 ở cơ quan này. Bà là một nhân vật thâm niên ở Bộ Ngoại giao Mỹ (từ năm 1993) và đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận liên quan đến vũ khí hạt nhân mà chính quyền Bill Clinton đạt được với Triều Tiên năm 2000.
Còn trong tiến trình làm việc với Iran, bà được gọi là “người mở cửa” cho những vòng đàm phán căng thẳng. Tháng 12.2011 bà chính thức “khai trương” Đại sứ quán Mỹ “ảo” ở Iran - một trang web mà phía Iran ngay lập tức ngăn chặn. Sự xuất hiện của các nhân vật nữ tại bàn đàm phán với phía Iran ban đầu khá nhạy cảm vì nước cộng hòa Hồi giáo này kể từ khi chính thức thành lập năm 1979 vẫn duy trì một cái nhìn khắt khe với phụ nữ. Những cuộc đàm phán lịch sử này được mô tả là sự kiện không có hành động bắt tay. Bởi phía Iran không bao giờ bắt tay với Mogherini hay bất kỳ một phụ nữ nào khác có mặt. Nhưng theo một quan chức phương Tây, những người ấy đã cúi chào rất ý nhị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.