Bộ tộc lấy đĩa làm môi

25/01/2012 09:31 GMT+7

Với hủ tục kỳ dị rạch môi nhét đĩa cho con gái đến tuổi dậy thì, bộ tộc Mursi sống ở vùng sâu xa nhất Ethiopia (châu Phi) đang thu hút sự quan tâm của du khách khắp thế giới.

Gian nan đường vào

Người Mursi sống sâu trong Công viên quốc gia Mago, tại thung lũng South Omo, giáp với Sudan và Somali. Đường vào khu vực này hiểm trở, không có xe buýt hay phương tiện công cộng, cách duy nhất là thuê xe 7 chỗ Land Cruiser. Giá thuê xe cùng người lái lên tới trên 100 USD một ngày. Không đủ tiền thuê xe, tôi quyết đi nhờ xe.

Sau hai ngày lăn lộn trên đường, tôi đến Konso, thị trấn cửa ngõ ở thung lũng South Omo, lúc mờ tối. Gọi là thị trấn cho oai, tất cả những gì sôi động nhất của Konso dường như chỉ tập trung quanh một trạm xăng và vài nhà nghỉ tồi tàn, không có điện, không nhà cao tầng.

Sau khi vào một nhà nghỉ rẻ tiền thuê phòng, tôi ghé qua Dula, nhà nghỉ có tiếng sang trọng nhất ở thị trấn nhưng thực chất cũng rất xoàng, với hy vọng lượm lặt được thông tin. Tôi nhanh chóng làm quen với Sylvain, anh chàng người Pháp và Adam, người Mỹ. Cả hai nghe tôi kể thì phá lên cười vì ai đến South Omo cũng có xe riêng, Sylvain và Adam cũng vậy. Hai người khuyên tôi nên tìm nhóm khách có xe riêng và xin nhờ xe.

Tôi đã chọn sai đường vào vì mọi người đều đi theo tua, theo lịch trình và Konso là điểm nghỉ chân cuối sau chuyến đi. Nếu muốn tìm xe đi thăm bộ tộc Mursi, tôi phải đến Jinka, khoảng 300-400 km phía Nam Konso. Sau một đêm nghỉ lấy sức, sáng hôm sau tôi đi bộ được khoảng 5km rồi được một cán bộ nhà nước đi khảo sát khu vực South Omo cho đi nhờ đến Wato.

Đến đây đường vắng tanh, không bóng người. Tôi đi bộ khoảng 2 tiếng mới gặp một chiếc xe tải chạy qua. Đây là phương tiện đi lại công cộng duy nhất ở khu vực này. Những chiếc xe tải khi không chở bò, chở dê sẽ chở người. Hàng chục người lố nhố chen chúc phía sau xe tải.

Tôi là con gái nên được ưu tiên ngồi trên một bao đựng gì đó không rõ. Sau mới biết đó là phân bò khô. Đường vắng, xe chạy nhanh, gió thổi rát mặt. Đi được một lúc thì trời mưa. Phân bò, phân dê khô hòa vào nước mưa bám vào tay chân, quần áo. Xe đưa tôi đến Key Afar.

Việc đầu tiên khi tôi đến Key Afar là tìm chỗ để tắm. Nơi duy nhất có nước sạch là nhà nghỉ Nasa. Đến đây, tôi gặp một nhóm khách du lịch người Ý đang chuẩn bị đi Jinka. Không kịp tắm rửa, tôi nhảy lên xe đi cùng họ, rồi tiếp tục đi nhờ xe của một du khách người Anh.

Chặt chém du khách

Bộ tộc Mursi hiện có khoảng 30.000 người sống sâu trong rừng quốc gia Mango, cách thị trấn Jinka 74 km. Đường vào rất xấu, chúng tôi đi xe gầm cao mà phải mất hơn 2 tiếng mới tới nơi.

Trên đường đi, chúng tôi qua một vài ngôi làng bỏ hoang của người Mursi. Mỗi ngôi làng gồm khoảng một tá lều lán, quây quanh khu vực tập trung chung của làng. Lều của người Mursi được xây bằng bùn và lợp mái lá. Khác với lều của các bộ tộc khác ở khu vực này, lều của người Mursi không có phân cách giữa tường và mái, từ ngoài nhìn vào giống như đống rơm. Lều của họ cũng rất thấp, chỉ khoảng trên dưới 1m. Người lái xe cho biết người Mursi bị chính phủ ép phải chuyển làng đi nơi khác để tránh ảnh hưởng đến hệ sinh thái Vườn quốc gia.

Cách làng vài cây số, chúng tôi gặp một nhóm nam thanh niên người Mursi trong trang phục truyền thống - không phải quần áo mà là những hình vẽ bằng vôi trắng phủ khắp người. Anh chàng du khách cho tôi đi nhờ xe xuống chụp ảnh thì bị đòi giá “5 birr” một ảnh (1 birr khoảng 1 ngàn đồng). Tôi được cho hay rằng do trong làng bị cạnh tranh gay gắt nên nhiều người Mursi chặn du khách ngay từ ngoài làng để kiếm tiền.

Vừa đến làng, chúng tôi bị hai người đàn ông Mursi lực lưỡng chặn xe đòi vé vào làng 100 birr mỗi người. Vé này không chính thức bởi chúng tôi mỗi người đã trả 180 birr để vào Vườn quốc gia, nhưng vì ai cũng trả nên tôi cắn răng móc hầu bao. Khi hỏi vé này có bao gồm phí chụp ảnh không, họ lắc đầu.

Vẫn được cảnh báo từ trước rằng làng người Mursi bị du lịch hóa quá mức, tôi vẫn không khỏi thất vọng khi thấy du khách còn nhiều hơn cả người Mursi. Trong sân chung của làng đậu hàng chục xe Land Cruiser. Đây không phải là làng người Mursi duy nhất trong khu vực, nhưng là làng lớn nhất và cũng là nơi du khách đến nhiều nhất. Vì thế nhiều người làng lân cận cũng bỏ việc qua đây kiếm ăn.

Cả làng không có ai làm việc: không trồng trọt, không chăn nuôi. Nam nữ, già trẻ, tất cả đều khoác lên mình trang phục truyền thống đứng chờ du khách. Phụ nữ đeo những khuyên môi, khuyên tai to như cái đĩa; đàn ông đóng khố, cầm giáo; trẻ em thì phân bò trát đầy người. Phân bò có vị trí quan trọng trong đời sống của người Mursi. Họ sử dụng nó để dựng lều, dùng trong các nghi lễ tôn giáo và để chữa bệnh. Khắp ngôi làng chỗ nào cũng có phân bò.

Khi du khách xuất hiện, họ lập tức đổ xô vào: kéo chân, kéo tay, giựt tóc, miệng không ngớt “Photo, photo, camera, camera, 5 birr, 5 birr” và nếu có thêm em bé là 8 birr. Du khách nào tôi gặp ở đây cũng tỏ ra ngao ngán và khó chịu. Anh chàng cho tôi đi nhờ xe nán lại được khoảng 15 phút thì trốn vào xe ngồi không dám ra ngoài nữa. Tôi trả tiền vài bức ảnh, còn lại phần lớn là đi chụp lén. Nhưng người ở đây rất tinh, phát hiện ra tôi chụp lén, họ tỏ vẻ khó chịu. Được một lúc, tôi oải, cất máy đi hỏi chuyện, nhưng họ vẫn bám theo đòi tiền.


Để chụp bức ảnh này tôi phải chi 5 birr - Ảnh: H.C

Rạch môi nhét đĩa

Lang thang một lúc và phải chi không ít tiền, cuối cùng tôi cũng có được thông tin về tục cắt môi nhét đĩa thông qua sự trợ giúp của một hướng dẫn viên du lịch. Từ xa xưa, con gái Mursi khi đến tuổi trưởng thành (6 đến 12 tháng trước lễ thành hôn), sẽ bị cắt môi để nhét đĩa vào.

Người cắt môi thường là mẹ của cô gái hoặc một trong những đàn ông của gia đình. Tuy nhiên, mấy cô gái đeo đĩa mà tôi hỏi chuyện cho biết gần đây ở làng đã xuất hiện bác sĩ chuyên rạch môi với mức phí khá rẻ. Đầu tiên, môi dưới sẽ bị rạch khoảng 1-2 cm, và một cái ngạc bằng gỗ sẽ được nhét vào đó. Sau khi vết thương đã khô (khoảng 2-3 tuần), ngạc gỗ này sẽ được thay thế bằng một cái ngạc lớn hơn. Khi đường kính đạt khoảng 4cm, cô gái sẽ được đeo chiếc đĩa môi đầu tiên.

Để đeo đĩa môi, hai răng cửa hàm dưới, hay cả bốn răng cửa, sẽ bị cắt. Sau một thời gian tập luyện, đĩa môi có thể to dần lên bằng đĩa đựng thức ăn, đường kính lên đến trên 20cm. Một thiếu nữ hét giá tới 15 birr cho một bức ảnh vì được cho là đẹp nhất ở đây với cái đĩa to đùng trên môi.

Theo quan niệm của người Mursi, đĩa môi càng to, người con gái đó càng đẹp và càng trị giá nhiều gia súc. Dân địa phương cho biết, phụ nữ phải tự mình làm đĩa môi từ đất sét, rồi tự trang trí. Tại làng có nhiều người mang theo cả tá đĩa môi để bán cho du khách với giá 50 – 200 birr tuỳ loại. Phụ nữ phải đeo đĩa môi khi có sự hiện diện của đàn ông không phải chồng mình và chỉ được phép tháo ra khi ăn cơm hay khi đi ngủ.

Hỏi bạn bè Ethiopia, tôi được biết ngày nay, thiếu nữ Mursi được phép quyết định có rạch môi hay không. Tuy nhiên, nhiều cô vẫn chọn rạch môi không chỉ vì nó đẹp (theo quan niệm của bộ tộc) mà quan trọng hơn đây là cách dễ kiếm tiền nhất.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.