Bí mật chống ung thư của voi

13/10/2015 07:49 GMT+7

Trong quá trình tiến hóa, tổ tiên loài voi đã tự trang bị cho bản thân khả năng kháng cự ung thư siêu đẳng nhờ vào tổ hợp gien được thiên nhiên ban tặng.

Trong quá trình tiến hóa, tổ tiên loài voi đã tự trang bị cho bản thân khả năng kháng cự ung thư siêu đẳng nhờ vào tổ hợp gien được thiên nhiên ban tặng.

Con người có thể học hỏi chiêu “độc” chống ung thư từ loài voi - Ảnh: AFPCon người có thể học hỏi chiêu “độc” chống ung thư từ loài voi - Ảnh: AFP
Con người đã biết rằng voi không bao giờ quên bất cứ điều gì, nhưng liệu có ai biết chúng rất khó mắc bệnh ung thư? Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 4,8% trường hợp tử vong ở loài này có liên quan đến ung thư. Ở người, con số này cao hơn nhiều, từ 11% đến 25%, theo thống kê của giới khoa học. Tử suất ung thư thấp ở voi đặc biệt thu hút sự chú ý vì lẽ ra loài này phải mắc nhiều bệnh ung thư hơn chúng ta. Số tế bào ở loài voi cao gấp 10 lần so với người, và chúng sống khoảng 70 năm. Khoảng thời gian này có thể đẩy nhiều tế bào đến nguy cơ đột biến, trở thành khối u ác tính. Các nhà khoa học đã mất nhiều thập niên để tìm câu trả lời tại sao voi và những loài động vật hữu nhũ kích thước lớn lại ít phát ung thư hơn động vật nhỏ hơn. Họ thậm chí còn đặt tên riêng cho vấn đề này, đó là “nghịch lý của Peto”.
Giờ đây, nghiên cứu mới đã khám phá bí mật về năng lực chống ung thư ở loài động vật to xác. Trong báo cáo được đăng tải trên chuyên san Journal of the American Medical Assn., các chuyên gia cho hay voi châu Phi có 20 bản sao chép của gien gọi là TP53. Đây là loại gien được giới nghiên cứu ung thư vinh danh với năng lực tạo ra một protein có thể áp chế khối u. Trên thực tế, các nhà khoa học thường gọi nó là “thần bảo hộ của gien di truyền”. Về phần mình, con người chỉ có một bản sao của TP53. Gien chủ chốt này bảo vệ các tế bào an toàn trước sự tấn công của ung thư theo hai cách, theo trưởng nhóm nghiên cứu là tiến sĩ Joshua Schiffman, chuyên gia ung thư nhi khoa thuộc Viện Ung thư Huntsman tại thành phố Salt Lake (Mỹ). “Mỗi khi ADN bị hư hỏng, nó lao đến hiện trường và ngăn cản sự phân chia tế bào tại chỗ, cho phép ADN có thể sửa lỗi và hồi phục. Nó cũng sắp xếp quá trình tự hủy của tế bào”, theo tiến sĩ Schiffman.
Con người thừa hưởng một gien tương ứng của TP53 từ mỗi cha mẹ, và cả hai gien thừa hưởng đều phải hoạt động để chống ung thư. Các cuộc nghiên cứu cho thấy nếu một trong hai bị khiếm khuyết, ung thư sẽ xuất hiện không sớm thì muộn. Tại một hội nghị tiến hóa sinh học, tiến sĩ Schiffman tình cờ nghe được bài nói chuyện của chuyên gia Carlo Maley thuộc Đại học bang Arizona. Maley cho hay voi có nhiều bản sao TP53, và ông Schiffman đặt nghi vấn rằng liệu các bản sao này có hỗ trợ chúng chống ung thư hay không? Để tìm ra câu trả lời, hai ông cùng hợp tác nghiên cứu với hy vọng sẽ xác định được tử suất do ung thư ở voi, và công dụng của gien TP53 ở số lượng đông đảo.
Với câu trả lời là voi có 20 bản sao TP53 và tử suất ung thư dừng ở 4,8%, các chuyên gia tiếp tục thu thập mẫu bạch huyết cầu ở voi lẫn người, và chiếu bức xạ vào các mẫu để phá hủy ADN. Kết quả là tế bào ở voi chết hàng loạt ở số lượng lớn so với tế bào người, cho thấy chiến lược áp chế khối u của TP53 là khiến tế bào đã hỏng phải tự hủy để không truyền lại đột biến có hại. Trong một thí nghiệm khác, nhóm chuyên gia phát hiện tế bào voi bị nhiễm bức xạ đã tự hủy với tốc độ cao gấp đôi so với tế bào người có đủ hai gien TP53, và cao hơn gấp 5 lần ở tế bào người với một gien TP53 bị hỏng. Tiến sĩ Schiffman nhận định rằng tất cả các thông tin trên đều giúp dẫn đến kết luận rằng nhiều bản sao TP53 hơn có thể bảo vệ loài voi trước nguy cơ ung thư. Ông hy vọng kiến thức thu được từ cuộc nghiên cứu này có thể giúp mở đường cho một hướng đi mới trong nỗ lực chống ung thư ở người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.