Bệnh nhi 2 tháng tuổi bị bướu to hơn gương mặt

26/09/2015 05:23 GMT+7

(TNO) Chỉ mới hai tháng tuổi, bệnh nhi đã phải mang khối bướu lớn hơn cả gương mặt. Thế nhưng các bác sĩ không thể phẫu thuật vì sợ nguy hiểm đến tính mạng của cháu bé.

(TNO) Chỉ mới hai tháng tuổi, bệnh nhi đã phải mang khối bướu lớn hơn cả gương mặt. Thế nhưng các bác sĩ không thể phẫu thuật vì sợ nguy hiểm đến tính mạng của cháu bé.

Bệnh nhi bị bướu đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: Nguyên MiBệnh nhi bị bướu đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: Nguyên Mi
Hôm qua (25.9), bác sĩ Nguyễn Kiến Mậu, Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết có hai trường hợp bị bướu khổng lồ bẩm sinh được đưa tới bệnh viện điều trị.
Một bệnh nhi là bé P.T.N (2 tháng tuổi, ngụ Vĩnh Long) được Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long chuyển lên trong tình trạng suy hô hấp, kèm viêm phổi. “Bé bị khối bướu lớn lan hết hai bên cổ, lấn ra hai góc hàm và xuống tận ngực. Không chỉ thế, khối bướu còn bị xuất huyết bên trong, chèn ép đẩy cả lưỡi bệnh nhi ra ngoài”, bác sĩ Mậu cho biết.
Bên cạnh đó là bé T.G.M (2 tháng tuổi, ngụ Cà Mau) cũng bị khối bướu ở phần cổ phải với đường kính khoảng 7cm.
Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cả hai bé đều mắc phải bệnh lý u nang bạch mạch bẩm sinh. Đây là loại dị dạng mạch máu bẩm sinh. Trong đó, trường hợp của bé N. đang vô cùng nghiêm trọng.
Hai khối bướu rất lớn, gây chèn ép, đe dọa hô hấp của bệnh nhi. Tuy nhiên, do khối bướu nằm ở các vị trí trọng yếu nên các bác sĩ không thể phẫu thuật cho các bé.
“Nếu mổ, bệnh nhi có nguy cơ mất mạng; nhẹ thì liệt cơ mặt, hoặc chảy nước dãi suốt. Với loại bướu này, phẫu thuật không lấy sạch nang thì khả năng tái phát còn kinh khủng hơn lúc đầu”, bác sĩ Hiếu đánh giá.
Trước mắt, bé N. phải thở ôxy và điều trị bệnh lý viêm phổi.
Bác sĩ Hiếu cho biết trong tuần sau, hai bệnh nhi sẽ được điều trị bằng phương pháp chích xơ. Theo đó, bệnh nhi được hút hết dịch trong các nang bướu ra. Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm thuốc có tác dụng làm xơ hóa khối bướu. Việc điều trị phải kéo dài tới 3 tháng.
Qua hai trường hợp trên, bác sĩ Hiếu cho biết thêm, loại bướu u nang bạch mạch ở bệnh nhi không phải là hiếm. Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận và phẫu thuật 30-40 ca bướu loại này mỗi năm. Bệnh lý này chiếm 4% trong các bệnh bướu máu bẩm sinh ở trẻ. Tuy không thể phòng ngừa nhưng bác sĩ khuyên sản phụ nên khám thai định kỳ để phát hiện và được tư vấn phương pháp sinh con phù hợp nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.