Bạn chồng

18/09/2011 17:59 GMT+7

Đàn ông không thể thiếu bạn bè, thậm chí nhiều ông còn xem bạn hơn vợ. Nhưng không ít ông chồng cả nể với bạn bè quá khiến vợ lắm lúc phát khùng.

Ông bạn ngồi đồng

Một ông bạn hục hặc với vợ đến nhà tìm chồng mình. Ngày đầu tiên sau khi lai rai hết chai rượu cùng chồng, ông bạn ngủ lại không về. Sáng hôm sau, vợ lấy một bộ đồ của chồng ủi thẳng thớm cho ông bạn mặc đi làm.

Chiều hôm đó, ông bạn lại xuất hiện. Thoạt đầu vợ nghĩ ổng mang trả quần áo rồi về. Nhưng không, chỉ khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm ổng mới đứng lên ra về. Hôm sau, và hôm sau nữa… suốt 10 ngày liên tiếp cứ hết giờ làm việc, ông bạn lại đến tìm chồng mình.

 Mấy ngày đầu, chồng kéo ông bạn ra quán cà phê nhưng ở đấy ồn ào và bị mấy em tiếp viên làm phiền quá đành tiếp ông bạn ở nhà. Sinh hoạt gia đình đột nhiên bị xáo trộn. Vợ đi, đứng, cười, nói, ăn, mặc phải hết sức ý tứ như đang ở nhà ổng chứ không phải nhà mình. Chồng thay vì chia sẻ việc nhà cùng vợ, dạy con học thì phải dành thời gian tiếp chuyện ông bạn.  Bực mình, vợ ra tối hậu thư: “Anh làm sao thì làm, không mẹ con em đi để nhà cho anh tiếp bạn”. Chồng nhăn nhó: “Người ta đang buồn, mình làm vậy sao được!”. “Vậy anh muốn chuyện của gia đình anh ấy chạy sang nhà mình phải không?” - vợ cáu bẳn. Chồng im lặng chẳng nói gì.

Không thể để cuộc sống gia đình bị làm phiền thế này mãi, vợ quyết định ra tay. Chiều hôm sau, vợ điều chồng sang thăm bố mẹ vợ. Ở nhà, vợ chờ sẵn ông bạn quý hóa của chồng ngay cửa. Khi ông bạn vừa đến vợ nói ngay: “Ông xã em không có nhà anh ạ!”. Ông bạn tỉnh queo: “Vậy mà nó không nói với anh. Thôi để anh ngồi đợi nó về”. Điên thiệt nhưng vợ vẫn cố giữ giọng bình tĩnh: “Anh ấy đi công tác mấy ngày nữa mới về anh ạ!”. Sau vài giây sững người, ông bạn mặt sượng sùng lí nhí gì đó rồi quay xe đi. Sau hôm đó không thấy ông bạn đến nữa. Không khó để ông ấy biết vợ nói dối bởi công việc của chồng chẳng bao giờ phải đi công tác.

Hội đồng nghiệp thích nhậu nhà người

Một chiều mưa chồng điện thoại cho vợ: “Em ơi, công ty anh định đi nhậu nhưng mưa ngập đường hết rồi nên anh dẫn mọi người về nhà nhậu nhen”. Rồi chồng hạ giọng “có sếp nữa”. Chẳng lẽ từ chối không khéo làm mất mặt chồng, nhất là có mặt sếp của chồng nữa. Không biết có phải do vợ tiếp đón nhiệt tình mà sau đó mấy ông đồng nghiệp rất khoái nhậu ở nhà mình.

Hễ ngày lễ, ngày nghỉ lại kéo đến nhà. Hồi đầu còn gọi điện xin phép. Sau cứ “tự nhiên như ruồi”. Ào một cái cả nhóm kéo đến. Không thì một người đến trước rồi í ới gọi điện kêu người khác. Chỉ nửa tiếng sau là nhà ồn ào, náo nhiệt không khác quán nhậu. Vợ trong héo ngoài tươi phục vụ mấy ông nhậu. Mệt là tất nhiên rồi nhưng bực nhất là chỉ đến ngày nghỉ vợ chồng con cái mới có thể cùng nhau xúm xít nấu món này bày món nọ ăn uống thỏa thuê hay đi công viên, tự dưng bị “cướp” trắng trợn. Vợ lại càu nhàu, càm ràm với chồng. Chồng cũng nhàu nhĩ với vợ: “Anh cũng oải lắm em ơi. Nhưng không biết phải làm sao”. Thiệt đàn ông gì cả nể không biết.

Một lần nữa vợ lại phải ra tay. Ngày hôm sau biết các ông sẽ kéo đến (vì vợ bảo chồng mời mà), cả nhà rủ nhau đi hết để “cửa đóng, then cài”. Điện thoại của chồng trong diện ngoài vòng phủ sóng. Vợ nhờ hàng xóm nhắn mấy ổng “gia đình có việc gấp”. Hôm sau chồng đi làm về kể: “Em biết không? Thấy anh vừa đến mọi người xúm vào hỏi. Anh nói bà nội ở dưới quê bị bệnh phải nhập viện nằm điều trị lâu dài. Từ rày trở đi ngày nghỉ là vợ chồng mình phải xuống chăm nom không có ở nhà”. Cũng may bà nội anh mất từ hồi anh còn để chỏm, nếu không lại mang tội với bà.

Làm thế nào để giải quyết những ông bạn “rắc rối”của chồng? Không dễ nhưng cũng chẳng quá khó. Dù khó hay dễ cũng phải dựa trên nguyên tắc “không làm chồng mất mặt” và quan trọng nhất chồng không đặt bạn bè trên gia đình, vợ con.

Thu Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.