Bài hoc đầu tiên

10/03/2011 07:56 GMT+7

(TNTS) Hôm qua Huy Đức gọi mình đi nhậu, nó bảo một nơi mình lại nhớ một nơi, tìm gần chết. Chuyện số nhà tên đường mình nổi tiếng là “thiên tài nhớ lộn”. Chẳng hiểu sao nó bảo 2 bis Đinh Tiên Hoàng mình lại nhớ ra 49 Lê Quý Đôn. Đang chống gậy cà nhắc dọc vỉa hè tìm cái quán Hoa Lư thì có người đứng chắn trước mặt, nói chào nhà văn. Ngước lên nhìn té ra anh Đoàn, bạn học lớp 5 với mình. Anh kéo vào quán cà phê gần đó, xuýt xoa nhắc đi nhắc lại, nói mi nhớ dai thiệt, gần nửa thế kỷ rồi còn nhớ tên tao.

Ai chứ anh Đoàn có đánh chết mình cũng chẳng quên.

Mình 11 tuổi học lớp 5, ngồi cạnh anh Đoàn 19 tuổi ở cuối lớp. Hồi đó con nít ranh học chung với người lớn là chuyện thường. Anh Đoàn cao to như con gấu đen, anh đến lớp không phải để học mà để ngủ, vì thế bao giờ anh cũng chọn góc phải cuối lớp cho dễ ngủ. Mình con nít nhỏ con thường được ưu tiên ngồi hàng đầu nhưng anh xách cổ mình bắt ngồi gần anh để anh tiện nhìn bài. Anh học dốt cực. Nói vậy cũng chả phải, anh có học hành gì đâu mà bảo học dốt. Ở nhà thì cày cuốc tối ngày, đến lớp anh chỉ có ngủ, hết ngủ lại ngồi vơ vẩn nhìn hai con ruồi.

Rất lạ là trong lớp luôn luôn có hai con ruồi, chúng hết đậu vào đứa này lại đậu vào đứa khác. Khi nào có giờ cô C. dạy, hai con ruồi cứ bay vè vè quanh cô, thi nhau đậu vào ngực cô. Cô C. ngực cực to, cô khoanh tay đặt cả hai tay lên ngực mà không bị chuồi. Tất nhiên anh Đoàn vô cùng háo hức vì cô chỉ bằng tuổi anh. Đến giờ cô dạy là anh căng thẳng theo dõi hai con ruồi, xem chúng có đỗ lên ngực cô hay không. Một hôm cả hai con đỗ lên hai chóp ngực cô cả giờ, cô xua đi, chúng bay lên tí chút lại đỗ xuống, rất vui. Anh Đoàn sướng mê hồn, nói ruồi rứa mới ruồi chớ. Anh chép miệng xuýt xoa, nói tao mà là Tôn Ngộ Không, tao nhổ sợi tóc phát rồi hô biến, tao biến thành hai con ruồi đậu trên ngực cô, đã đời luôn. Nói xong anh nuốt nước bọt đánh ực, miệng chóp chép, mắt mơ màng như là sắp được một bữa ngon.


Ảnh: Ngọc Mai

Anh Đoàn suốt ngày bắt mình cho chép bài, cả bài tập lẫn bài kiểm tra, chữ nào đọc không ra anh còn trợn mắt quát, nói mi viết chi ngu ri. Bù lại, anh cho mình xem... chim anh. Cứ đến cuối giờ, khi đói rồi chán học rồi, anh Đoàn lại vạch quần cho mình xem. Mình ngắm say sưa cái thứ hoành tráng của anh, nước dãi chảy ướt cằm quên cả chùi. Ngắm xong rồi ngồi ngẩn ngơ, kéo lưng quần nhìn của mình, thấy nó vô cùng thảm hại, buồn thiu. Cứ vẩn vơ nghĩ ngợi, chẳng biết khi nào mình mới được hoành tráng như anh.

Bàn trước có chị Bình 16 tuổi, đen thui, đến tuổi dậy thì chị lớn phổng lên, ngực nở to đùng. Anh Đoàn thích chị Bình lắm, bắt mình làm thơ lục bát để anh chép lại ném cho chị Bình. Ngày nào mình cũng phải vắt óc làm vài câu thơ cho anh Đoàn, chán phát điên. Đôi khi mình nhăn nhó, nói em không làm đâu. Anh lại trợn mắt lên, nói à ha, e thằng ni không muốn xem chim tao à bay. Thế là mình lại cắm cổ làm. Sau này nhớ lại, nghĩ bụng có lẽ mình rất thạo sáng tác theo đơn đặt hàng có lẽ cũng bắt đầu từ cái thuở ấy, hi hi.

Chị Bình không thích anh Đoàn, coi thường anh ra mặt. Thơ anh Đoàn ném cho chị, lúc đầu chị còn đọc, sau, hễ có cục giấy anh Đoàn ném tới là chị lẳng lặng lùa đi. Anh Đoàn tức lắm, nghĩ ra một mẹo rất kỳ khôi. Anh vuốt của anh thật thẳng rồi kéo tóc chị cột vào đấy. Chị Bình thấy tóc bị kéo mới ngoảnh lại, thấy thế thì mặt tái dại, giật một cái, bỏ chạy ra khỏi lớp, khóc. Chị lấy kéo cắt phứt mái tóc, ném cái phần tóc mắc vào cái của anh Đoàn xuống hố rác, ngồi khóc tu tu. Mình thấy lạ quá, tóc cột chim thì có gì mà phải khóc nhỉ? Mình hỏi đi hỏi lại chị Bình câu đó, chị cho một bớp tai nảy đom đóm, trợn mắt quát to, nói ngu, ngu lắm. Từ lớp 1 đến lớp 5 chưa có ai chê mình ngu, chỉ có chị Bình. Mình tức lắm, cứ ngồi mơ bao giờ của mình hoành tráng như anh Đoàn để mình cột tóc chị Bình, cho chị khóc cho hay. Hi hi, ngu thế không biết.

Bây giờ anh Đoàn đã gần bảy mươi nhưng vẫn còn khỏe mạnh linh lợi lắm. Anh có xưởng mộc hơn ba chục công nhân, chuyên cung cấp đồ nội thất cho dân xây dựng, chưa bao giờ ế hàng. Anh cũng ô tô nhà lầu như ai, rất đáng nể. Mình hỏi anh vợ con thế nào. Anh cười, nói một số vợ, hơn chục con. Mình trợn mắt há mồm, nói một số vợ a. Anh gật đầu nói ba vợ, hai mụ Việt ở quê, một mụ Tây hồi đi buôn ở Đức tao na về, nay ở Sài Gòn với tao. Nghe thế thì mình ôm bụng cười rũ, anh ngạc nhiên nói cười cái chi, mi cười cái chi. Mình chẳng nói, cứ cười. Chẳng qua là mình nhớ cái bài học đầu tiên của anh.

Anh Đoàn học hết lớp 5 thì bỏ, đi học lái máy cày. Ỷ thế bạn học của anh, mình vẫn chạy ra đồng xin anh cho ngồi máy cày, anh cho ngồi suốt buổi, sung sướng tự hào lắm. Mình hỏi lái máy cày có khó không? Anh nói khó chi, chỉ cần học lớp 1 là lái được, tao học đến lớp 5 phí đi. Một hôm anh sai mình chạy về nhà lấy cơm đưa ra cho anh. Mình nhác, không đi. Anh nói mi về lấy cơm ra đây rồi tao cho xem cái bướm. Tất nhiên mình chạy ù về lấy cơm cho anh ngay. Tưởng anh cho xem thật, nhưng không, anh vẽ hình tam giác lộn ngược, chấm cái ở giữa, nói đó, rứa đó. Mình hỏi tại sao lại chấm cái chấm ở giữa? Anh Đoàn nói phải vẽ rứa mới giống. Mình không chịu, nói nhưng cái chấm đó là cái chi? Anh nhăn răng cười nói để khi nào cưới vợ tao hỏi vợ tao đã, trước nay toàn thấy người ta vẽ thế thôi.

Mấy hôm sau gặp mình anh khoe, nói tao thấy rồi. Anh kể anh tham gia đội dân quân của làng, vừa bắt được một nữ phi công tây, chẳng biết người nước nào, nghe nói phi công Úc.  Đội trưởng dân quân cho người lên huyện đội báo. Anh với mấy người nữa giải nữ phi công về nhà kho hợp tác canh chừng. Đợi từ trưa đến chiều tối vẫn không thấy huyện đội về, mấy anh dân quân ngồi ngáp ngắn ngáp dài. Một anh nói con ni to thế này, xem cái đi. Nữ phi công sợ quá, mặt trắng bạch, lạy như tế sao, tưởng mấy ông thổ dân này sắp mổ bụng ăn thịt mình...

Chẳng biết anh kể thật hay bịa, chỉ nhớ khi kể đến đó thì chép miệng gật gù, nói tao rút ra bài học rồi. Mình nói bài học chi. Anh nói đế quốc thực dân rất chi là ghê tởm, mình nên tránh xa. Mình nhắc chuyện này cho anh, nói tưởng anh rút ra bài học rồi thì tránh lấy vợ tây. Anh cười khì khì, nói thằng ni nhớ dai gớm bay.

Nguyễn Quang Lập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.