Ảnh Hà Nội mồng 1 Tết của Việt Thanh

31/01/2014 08:40 GMT+7

(TNO) Đã năm năm nay, nhiếp ảnh gia Việt Thanh đều đặn chụp Hà Nội vào sáng mồng 1 Tết.

>> Bay tết Hà Nội - TP.HCM giá từ 250.000 đồng
>> Tết Hà Nội có phố Ông Đồ
>> Chợ Tết Hà Nội: Đào vắng khách, quất bán chạy
>> Thời tiết đẹp trên khắp ba miền trong Tết Giáp Ngọ
>> Thanh Bùi: Tết Giáp Ngọ hạnh phúc nhất khi có vợ!
>> Tết Giáp Ngọ, ngựa giấy bạc triệu đắt hàng

Nguyễn Việt Thanh tỉnh dậy vào lúc năm giờ sáng mồng một Tết. Sớm so với chính anh những ngày thường. Đã 5 năm nay, nhiếp ảnh gia từng đoạt giải nhất ảnh báo chí châu Á này đều đặn chụp ảnh Hà Nội vào ngày mồng 1 Tết. “Phải dậy sớm. Đi một vòng phố cổ Hà Nội, lượn qua Giảng Võ... Đi bộ là chính. Nên bằng giờ ăn sáng mọi ngày thì tôi đói ngấu, phải ăn sáng bữa thứ hai rồi”, Việt Thanh nói.

Trong một bức ảnh anh chụp năm ngoái trên phố cổ Lãn Ông, Hà Nội, người đàn ông trèo lên mái hiên với cây chổi lớn. Một mái hiên cửa hàng. Không ai tin nổi đây là một việc của sáng đầu năm. “Chả có tý kiêng khem nào. Lạ thật. Mà không phải một người quét”, Việt Thanh cho biết. Một bức ảnh khác của anh ghi lại người công nhân vệ sinh môi trường oằn lưng đẩy xe rác lúc sáng sớm.

“Người Hà Nội bây giờ lạ lắm. Nhiều thứ thay đổi. Mỗi năm một thay đổi. Cả phong tục tập quán mồng 1 cũng có những thay đổi. Nhìn ảnh thì biết”, Việt Thanh nói.

Cũng đúng như thế thật. Năm nay, có những điều mới chỉ năm ngoái thôi là thật, là phổ biến thì giờ đã lùi quá xa. “Đây này, người phụ nữ này đang khoắng tay mừng với mấy tờ tiền mới. Tiền 500 đồng đỏ mới cạo râu. Năm nay, chả còn ngân hàng nào đổi loại tiền này nữa”, Việt Thanh nói. Đúng là thế thật. Giờ đây, không chỉ ngân hàng, tiền 500 đồng cũng không còn được lưu thông mạnh mẽ tại các chợ. Việc mua hành lá cũng thường ít nhất ở mức 1000 đồng.

Cũng như thế, các tiệm ảnh bờ Hồ năm nay không còn bày biểu tượng con rắn vàng như năm ngoái. Năm nay, hẳn các hình chú ngựa sẽ lên ngôi.

Cả những chùm bóng bay nhựa Trung Quốc, những đôi dép sục bằng nhựa của những người bán rong rồi cũng sẽ đi vào quá khứ. Các ông đồ không rõ còn viết chữ Hán Nôm nữa hay không, khi con cháu giờ mỗi lúc một quen dần với thư pháp chữ quốc ngữ. Mười năm sau, Hà Nội không chắc có còn băng rôn đỏ tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình giăng ngang phố nữa hay không. Bởi trong năm 2014, việc treo băng rôn, quảng cáo cũng sẽ được Sở VH-TT-DL Hà Nội quy hoạch lại.

“Tôi nghĩ nhiếp ảnh là lịch sử. Và tôi chụp lại Hà Nội để thấy thành phố đã thay đổi ra sao”, Việt Thanh nói. Hà Nội chắc chắn sẽ thay đổi. Nhưng nếu không có những bức ảnh ghi lại, người ta có thể sẽ không nhớ quá khứ Hà Nội từng ra sao. Ở góc độ này, ảnh Hà Nội mồng 1 Tết của Việt Thanh không chỉ là báo chí, nó còn là những ghi chép dân tộc học bằng hình.

“Tôi vẫn cho bạn bè xem ảnh chụp Hà Nội mồng 1 Tết. Tuy nhiên, đây là một dự án dài hơi. Có thể rất lâu nữa tôi mới công bố toàn bộ những bức hình của mình”, Việt Thanh nói.

Những bức ảnh dưới đây chụp Hà Nội sáng mồng 1 Tết Qúy Tỵ 2013.

 Chụp ảnh Hà Nội sáng mùng 1 Tết

Chụp ảnh Hà Nội sáng mùng 1 Tết



Chụp ảnh Hà Nội sáng mùng 1 Tết

Chụp ảnh Hà Nội sáng mùng 1 Tết

Nguyễn Việt Thanh sinh năm 1970, tốt nghiệp khoa Nhiếp ảnh, Học viện Báo chí quốc tế Berlin.

Năm 2005 anh đoạt Giải nhất ảnh báo chí Quốc gia.

Năm 2006: Giải vàng cuộc thi ảnh báo chí châu Á với bức ảnh “Xem truyền hình chảo ở vùng cao Quản Bạ” năm 2006. Bức ảnh chụp cảnh bọn trẻ háo hức chờ xem TV tại Hà Giang.

Năm 2007-2008: 2 giải nhất, 2 giải nhì ảnh báo chí Đông Nam Á.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.