Thỏ hon

07/04/2009 18:18 GMT+7

Đùi heo hon là món ăn đặc trưng trong ba ngày Tết Nguyên đán của đồng bào Huế. Từ đó, lưu dân đất Thần kinh khi vào Đà Lạt sinh cơ dựng nghiệp đã chế biến thành món thỏ hon.

Để có món thỏ hon, người ta làm thịt thỏ thật sạch, chặt từng miếng vừa ăn, để thật ráo nước trước khi cho vô chảo chiên sơ. Chiên áp chảo ngoài việc làm miếng thịt có màu vàng mơ còn có công dụng giúp miếng thịt săn chắc, không bở rệp, tróc da khi thành món.

Thịt chiên xong, ướp gia vị vừa ăn trong 30 phút cho thấm. Trong khi đó người ta cho sả gốc cùng hành bằm vào chảo, xào cho thơm rồi đổ phần thịt thỏ áp chảo vào xào tiếp. Lát sau, cho nước sôi vào chảo vừa cao hơn mặt thịt một ít. Đun sôi trong vòng 30 phút, cho gừng xắt sợi, đậu phộng bóc bỏ vỏ, nấm mèo nguyên tai, ớt sừng trâu cắt đôi đã loại bỏ hột vào. Xào tiếp đến khi nước sốt sanh sánh mặt hỗn hợp, nêm nếm gia vị vừa ăn thì xúc ra đĩa, rắc mè trắng, ngò rí lên làm mặt, dọn ra bàn.

Đùi heo hon người Huế dùng để ăn với cơm trắng. Còn thỏ hon dù là món nhậu nhưng người ta cũng ăn kèm với bánh mì cho chắc bụng. Bánh mì chấm nước sốt hon càng nhai càng nghe vị ngọt tinh bột hòa lẫn vị chua cay ngọt ngào nước sốt trong khẩu cái. Nhưng ngon nhất là những miếng thịt thỏ thơm dai cái mùi khó tả, càng ăn càng “bắt”.

Gừng xắt sợi và ớt sừng trong thỏ hon ngoài việc làm thơm cay vị giác, còn kích thích dịch vị điều tiết ăn ngon, chống lại cái lạnh đặc hữu của Đà Lạt. Đặc biệt gừng còn giúp tản hàn, ôn phế, giải đờm và chống nôn nên dùng lúc bị phong hàn, ngoại cảm, ho nhiều đờm; có tác dụng giải độc, kích thích dạ dày, chống dị ứng, hạn chế các bệnh viêm nhiễm, ức chế thần kinh trung ương... Cho nên ở xứ lạnh cao nguyên này, thỏ hon thường được dùng trong những buổi bạn bè hàn huyên, tạo hứng thú cho cuộc sống sau một ngày vất vả kiếm tìm miếng cơm manh áo cho gia đình.

Bài, ảnh: Phương Kiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.