Ẩm thực Mường Bi - Nét văn hóa đặc sắc

21/02/2009 17:02 GMT+7

Người dân tộc Mường từ xa xưa đã biết cách sống chung với thiên nhiên. Họ phát hiện nhiều nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên và tìm cách chế biến hợp khẩu vị, bổ dưỡng, nhiều món còn có tác dụng chữa và ngăn chặn bệnh tật. Cao hơn nữa, họ đã dần hình thành tập quán, phong tục ăn uống mang đậm bản sắc của mình.

Văn hóa rượu cần (tiếng Mường gọi là Rão Tỏng) là loại rượu không thể thiếu trong mỗi gia đình người Mường khi tiếp khách, vui chơi, uống trong đám cưới, mừng nhà mới, thờ cúng, lễ tạ…

Loại rượu này làm từ gạo nếp ủ với men, mà thứ men này làm từ nhiều loại cây, củ, lá tự nhiên như cây mun giã nhỏ, củ riềng, củ gừng, một ít ớt, với lá ổi trộn lẫn. Chính những hỗn hợp tự nhiên này đã làm nên vị thơm ngon của rượu cần; mun, gừng, riềng, ớt là để tạo nồng độ, lá ổi để tạo mùi thơm và chống đau bụng do đổ nước lã hoặc nước đun sôi để nguội vào vò rượu.

Mường Bi - vùng đất cổ của Hòa Bình, nay là huyện Tân Lạc có 23 xã, 1 thị trấn; trong đó, mỗi xã có những món ăn riêng, lạ mang đậm bản sắc của mình. Xã Gia Mô nổi tiếng với món rau trộn thập cẩm; thành phần gồm 8 loại lá cây tự nhiên trộn lẫn như: đu đủ, rau phứa, rau thơm, hoa chuối, củ cải, rau đốm, rau bả, rau má. Món ăn này giúp người ăn tiêu hóa tốt, không đầy bụng, ợ chua.

Ngoài ra còn có món cá rô hấp lá lồm, cá trắm ướp măng với hạt dổi, cơm trộn lá lồng màu hồng giúp bổ máu, nhất là những trường hợp sau hậu phẫu, bà mẹ sau khi sinh.

Tiếp đến là đặc sản con Ron nấu chuối, là loại động vật rất khó kiếm trên rừng, hình giống con nhím con nhưng lông ngắn, giá bán 200 nghìn đồng/kg. Xã Ngọc Mỹ đặc trưng với món rêu đá bọc lá chuối hấp, một loại rêu mọc dưới lòng suối nước sạch liên tục chảy qua, người ăn vào sẽ khỏe ra, và còn có tác dụng điều hòa thân nhiệt.

Xã Mỹ Hòa có món Phu mọc hấp, loại động vật giống con nòng nọc bắt trên rừng đem hấp với trứng gà. Cách làm là cho con Phu vào bát rồi đập trứng đánh đều lên, cho vào hấp, khi nóng con Phu ngoi (mọc) lên tạo thành những chấm đen trên nền vàng của trứng. Đây là món ăn cống nạp vua chúa thời phong kiến ngày xưa được các thế hệ cha ông trong làng truyền lại, món ăn này rất hấp dẫn và bổ dưỡng.

Còn rất nhiều món ăn ngon và lạ miệng khác như chuột đồng nướng; nòng nọc đồ lá khoai; nhộng ong rừng rang nước măng chua; kiến nấu lá lốt; thịt dơi nấu chuối…

Trong ẩm thực của người Mường vẫn giữ được bản sắc văn hóa ăn kiêng; đối với người sinh nở, tránh những món có chất “tanh” như cá, thịt trâu, bò, ếch, nhái, vịt… Trẻ con không ăn mề gà vì người Mường cho rằng, ăn vào sẽ tối dạ, học dốt; không ăn phao câu gà, vịt (tiếng Mường gọi là Côi ca, côi wit); kiêng ăn thóc nổ bỏng vì làm thế vía lúa sẽ bị cháy và vụ lúa sau sẽ mất mùa, kiêng quét nhà trong lúc người khác còn đang ăn...

Chính những món ăn dân dã, đơn giản và những phong tục nơi đây đã tạo nên một vùng đất Hòa Bình mang đậm bản sắc Mường, tạo sự gần gũi, quan tâm tới nhau hơn trong sinh hoạt đời thường, giúp người ta biết bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên.

Hầu hết các món ăn Mường không được chế biến cầu kỳ, có một số món ăn độc đáo, gia vị được sử dụng khá phong phú như các loại cỏ có dầu thơm trên rừng (hạt dổi, quả tiêu rừng, lá nồm...). Khẩu vị phổ biến của người Mường là thích ăn chua và đắng, không thích dùng vị ngọt để xào, nấu.

Bản sắc văn hóa ẩm thực và phong tục của người Mường cần phải được bảo tồn, gìn giữ và phát triển bởi đây là cả một kho tàng quý giá mà cha ông ta đã đúc kết để lại.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.