Ai cần 'chữa tâm lý' ?

25/09/2013 03:05 GMT+7

Nếu không cẩn trọng, những lời nhận xét, răn dạy của người lớn có thể tác động tiêu cực đến trẻ nhỏ.

Nếu không cẩn trọng, những lời nhận xét, răn dạy của người lớn có thể tác động tiêu cực đến trẻ nhỏ.  

Ai cần chữa tâm lý ?
Minh họa: DAD

Giờ học vẽ của con

Con gái đi học về lôi từ trong cặp ra một bức tranh màu nước, khoe: “Hôm nay sinh nhật bạn Duy được tổ chức trên lớp, ba mẹ bạn Duy tặng mỗi bạn một bức tranh bạn ấy vẽ”. Bức tranh nhỏ được lồng kính, đóng khung gỗ cẩn thận, có cả chữ ký non nớt rất dễ thương. Một hôm tình cờ gặp mẹ của Duy, tôi ngỏ lời khen bức tranh. Chị cười, gọi Duy đến: “Duy ơi, cô khen tranh con vẽ đẹp nè”. Mắt cậu bé sáng lên đầy tự hào.

Các bé vào lớp rồi chị mới kể cho tôi nghe câu chuyện về quá trình mà chị gọi là “chữa tâm lý” cho con. Duy và anh trai trước đây vốn học cùng trường. Cậu anh vẽ đẹp nổi tiếng ở trường, là học trò cưng của cô giáo dạy vẽ. Đến khi Duy vào lớp 1 thì hay bị cô giáo so sánh với anh, rằng Duy vẽ không bằng anh, phải cố gắng nhiều. Một thời gian dài như thế khiến Duy không chỉ mặc cảm rằng mình vẽ xấu mà còn thua kém anh, rằng người lớn sẽ chỉ yêu những đứa giỏi. Cậu đâm ra lầm lì, ghét học vẽ, ghét cô giáo và ghét luôn cả anh mình, nên vẽ càng tệ, các môn học khác cũng sa sút… “Năm nay vì chúng tôi chuyển sang nhà mới nên cũng chuyển trường cho Duy luôn. May mắn là ở trường này cô dạy vẽ rất khuyến khích các bé học vẽ. Thấy Duy có vẻ mến cô, chúng tôi quyết định mời cô về nhà dạy vẽ cho bé vào cuối tuần. Mục đích chính không phải là bồi dưỡng năng khiếu hội họa cho con, mà trước hết để xóa đi mặc cảm của bé. Được động viên, Duy dần tự tin hơn, thích vẽ hơn và cũng cởi mở, học tiến bộ hơn…”. Đôi mắt chị long lanh: “…nếu không, có lẽ chúng tôi sẽ vẫn tự trách mình sao lại để con rơi vào trạng trái tiêu cực vì những lời nhận xét vô tình lâu đến thế”.  

“Lúc nào cũng” và “Không bao giờ”

Chuyện mẹ bé Duy kể làm tôi suy nghĩ mất mấy ngày. Vốn được trao cho cái quyền dạy dỗ trẻ nhỏ, phải chăng có lúc người lớn chúng ta đã làm chúng tổn thương bằng những lời khen, chê, răn dạy rất đỗi vô tình, lâu dần biến chúng thành đứa lầm lì bất cần, hoặc tự ti nhút nhát.

Con gái tôi rất thích đón mẹ mỗi lần đi chợ về để được xách đồ vào nhà giúp mẹ. Một lần cháu lỡ tay làm rơi vỡ vỉ trứng gà, tôi bực bội: “Con lúc nào cũng hậu đậu, chả để ý gì cả” - “Đây là lần đầu tiên con làm bể trứng mà mẹ” - nó cãi. “Tuần trước lấy nước cho bà uống thì làm bể ly của bà, múc cháo cho em ăn thì làm đổ cháo lên người em, không nhớ à?” - tôi gắt lên. Con bé mím chặt môi, chạy vụt vào phòng, và từ đó không còn vui vẻ tự nguyện giúp mẹ việc nhà nữa. Cũng may là tôi đã nhận ra cơn giận vô lý của mình đối với một đứa trẻ và xin lỗi con.

Một đồng nghiệp của tôi kể anh cũng đã rất thấm thía rằng dù có giận con đến mấy cũng phải tìm hiểu nguyên nhân và cẩn trọng khi la mắng con. Đứa con trai của anh khá hiếu động, hay quậy trong lớp làm cô chủ nhiệm thường xuyên than phiền. Mỗi lần như thế vợ chồng anh lại đùng đùng nổi giận: “Con không bao giờ nghe lời thầy cô cha mẹ thì lớn lên chỉ có nước đi bán vé số”. Lâu dần cậu bé bỏ bê bài vở, bị mắng thì cậu lầm bầm: “Bán vé số thì cần gì học!”. Và cậu thực sự nghĩ rằng mình là đứa “cá biệt”.

Trong cuốn sách “học làm người” nổi tiếng của Mỹ Hẹn bạn trên đỉnh thành công, tác giả Zig Ziglar đã nêu ra những dẫn chứng thực tế cho thấy người lớn nhìn, đối xử với trẻ em thế nào thì chúng sẽ trở thành như thế. Có lẽ, người cần được “chữa tâm lý” trước hết chính là các bậc làm cha làm mẹ chúng ta, để biết cách nâng niu hơn nữa tâm hồn con trẻ.

Xuyên Vân

>> Những sai lầm khi nuôi trẻ nhỏ
>> Kích thích kỹ năng vận động ở trẻ nhỏ
>> Trẻ nhỏ nên ăn mỗi ngày một quả trứng
>> Cách chăm sóc răng trẻ nhỏ
>> Không uống thuốc trước mặt trẻ nhỏ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.