Đời "ăn rác"

12/08/2006 23:31 GMT+7

Hơn 3 năm nay, từ khi chồng mất vì ung thư phổi, chị Nguyễn Thị Lê, ở xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội chưa được ngủ một đêm trọn vẹn. "Bình minh" của chị thường vào lúc 2 giờ sáng - khi hàng xóm xung quanh còn cửa đóng then cài.

Chị nhẹ nhàng trở dậy, đắp lại chiếc chăn với những miếng vá chằng chịt lên đứa con đang nằm trên chiếc giường kê bằng 8 viên gạch, người góa phụ trẻ khoác vội lên người chiếc áo bảo hộ đã sờn, cầm chiếc cào hai răng quen thuộc, vắt lên vai cái tải - hành trang chị mang theo trong hành trình mưu sinh của mình. Đêm nay cũng như mọi đêm khác, bãi rác Nam Sơn là nơi chị hướng đến, nơi chị có thể kiếm được miếng cơm, manh áo từ những đồ bỏ đi của người đời...

2 giờ 30 sáng. Hàng nghìn người tay bao, tay cào đứng trước cổng bãi rác Nam Sơn dưới ánh đèn vàng ma quái. Đứng trên chòi gác nhìn xuống, cảnh tượng trông giống như một cuộc khởi nghĩa được dàn dựng công phu trong điện ảnh mà chỉ cần đợi hiệu lệnh của anh bảo vệ, tất cả nhất loạt cùng ùa vào. Người ta gọi công việc bới rác ở đây là "ăn rác".

Anh Nguyễn Văn Bốn, nhà ở tận Vĩnh Phúc, đạp xe từ lúc 1 giờ sáng đến đây thì cổng vẫn chưa mở. Hành trang anh Bốn đem theo ngoài hai đồ nghề quen thuộc của dân "ăn" rác còn có chiếc điếu cày. Đến sớm là vậy nhưng anh cũng không dám ngả điếu ra làm một "bi" cho tỉnh ngủ, bởi anh sợ lúc đang "bắn" thuốc lào, người khác sẽ chen chân xếp hàng trước, xí được mảng rác "ngon lành" hơn.

3 giờ sáng, cánh cổng sắt ngăn cách bãi rác với cuộc sống bên ngoài được mở rộng. Dân "ăn rác" nháo nhác chen nhau lao vào, khí thế rộn ràng, hừng hực như một công trường. Bỏ dở câu chuyện với chúng tôi, anh Bốn cũng nhanh chóng hòa vào dòng người. Chiếc xe đạp cà tàng của anh hôm nay trở chứng đứt xích; miệng lầu bầu, anh cắm đầu cắm cổ đẩy chiếc xe trên con đường đất gồ ghề hằn vết lốp xe ngang dọc và mất hút vào màn đêm của bãi rác. Ánh sáng mờ ảo từ mấy chiếc đèn cao áp đằng xa hắt vào hố rác số 6, tiếng cào bổ phầm phập, tiếng gọi nhau í ới.

Loáng cái, 3 chị em cậu bé có tên Lực, ở Sóc Sơn đã kiếm được nửa bao tải nhựa phế thải. Thằng bé Lực lột khẩu trang, bàn tay đen đúa đầy đất cát của nó quệt ngang mặt lau những giọt mồ hôi, rồi nhoẻn miệng cười với tôi. Tích tụ cả ngày dưới cái nắng oi bức của mùa hè, đến đêm, cả rác mới và rác cũ "khoe" hết cái mùi xú uế đặc trưng. Chúng tôi đi 5 người thì đã có 2 người ôm ngực nôn thốc nôn tháo dù phương tiện bảo hộ tốt hơn "thợ rác" ở đây rất nhiều. Cô bạn đồng nghiệp đi cùng thì khắp người nổi những mảng dị ứng đỏ rực, phải quay ra ngoài rồi nằm vật trên chiếc bàn phòng bảo vệ. Thế nhưng không phải chúng tôi quá "nhạy cảm", người "ăn" rác nào những ngày đầu cũng thế. Lực kể, thời gian đầu, em ho sù sụ cả tháng trời, đầu nhức xuyên đến óc, lúc nào cũng váng vất mùi khẳn của rác. Thế rồi cũng quen, ngày nào Lực không được ngửi hơi rác lại thấy... nhớ.

Tại đây, mỗi ngày có khoảng 300 chuyến xe tập kết với xấp xỉ 2.500 tấn rác. Vào những ngày nắng nóng, mùi rác bay xa tới hơn 10 cây số, người dân Sóc Sơn khốn khổ vì thứ mùi kinh khủng này. Thế nhưng, với một số người dân tại Sóc Sơn và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, thậm chí Thái Nguyên thì đây lại là nguồn sống của họ. Họ cũng biết, đi kèm với những đồng tiền nhọc nhằn và ít ỏi kiếm được từ bãi rác là vô số các loại bệnh phát sinh, nhất là bệnh về đường hô hấp; nhưng với thu nhập khoảng 20.000 đồng/đêm, khám bệnh định kỳ là một thói quen quá xa xỉ.

Lực kể tiếp, chị lớn nhất của cậu đã lấy chồng nhưng không biết tại sao có mang rồi sẩy thai đến 4 lần. Anh rể cằn nhằn nhiều lắm nhưng cũng không đủ tiền đưa vợ đi khám bệnh nên cứ đổ tội riệt là do rác. Giờ anh rể Lực cũng đang ốm, nằm nhà ho sù sụ gần tháng nay và sụt cân nhanh. "Có khi anh ấy giờ chỉ nặng bằng em"... Kể xong cậu cười hí hí rất vô tư. Còn tôi thì đang bận nghĩ về câu chuyện của Lực. Tôi không dám nghĩ tiếp khi nhìn gương mặt hớn hở của em. Bởi, đêm nay, với Lực là một đêm may mắn...

"Thầu cai" ở đây có khoảng 20 "ông", cạnh tranh lành mạnh và được tiếng là "lành". Rất ít xảy ra chuyện tranh giành đất làm ăn kiểu bưởng vàng, bưởng gỗ. Ai có phận người nấy. Mỗi người quản lý vài chục "thợ ăn rác", tức là những người bới rác này chỉ bán "hàng" cho cai của mình. Giá "hàng" bán cho thầu cai thấp hơn cho người ngoài một nửa nhưng được cái yên ổn làm ăn. Họ tôn trọng thứ luật bất thành văn như một quy tắc ở bãi rác khổng lồ này.

Nhặt rác cũng có nhiều chuyện đáng sợ mà đến bây giờ, mỗi lần nghĩ lại, chị Lê lại thấy rùng mình. Có lần, chị nhặt được một gói vuông, bên ngoài bọc bằng vỏ chăn con công. Tưởng trúng đậm, chị mở ra, chợt xanh xám mặt mày: một hài nhi bị sinh non, người ta không nuôi được nên vứt bỏ. Các chị lại phải chung nhau tiền, khâm liệm cẩn thận sinh linh tội nghiệp và suốt mấy tuần sau đó, chị chẳng tài nào ăn ngủ được vì bị nỗi lo sợ mơ hồ ám ảnh. Không chỉ có chị Lê, một số chị nhặt rác ở đây thỉnh thoảng lại nhặt được một cái bọc tương tự và đó không còn là chuyện hiếm ở cái bãi rác này.

Thế mà những thầu cai, những thợ nhặt rác ở đây, nhiều năm trời họ ăn, ngủ và gần như cuộc sống quanh năm suốt tháng kề bên những đống rác này. "Không làm thì biết kiếm đâu ra tiền" - anh Bốn nói. Trước đây anh theo người ta đi làm thợ hồ, nhưng chủ xây dựng nợ nần ngập đầu, không có tiền tạm ứng cho anh em. Gần một năm, anh Bốn đi xách vữa xệ cả vai mà nào có được nhận một đồng. Nghe mấy người làng rủ, anh cũng đi theo và thấy công việc nhặt rác tạm ổn, lại gần nhà, dù ít nhưng còn hơn chẳng có đồng nào. Anh chấp nhận vì ở nhà đang còn 5 cái "tàu há mồm" chờ anh. Sắp tới, vợ anh cũng xung phong đi cùng chồng, chứ ở nhà thì đâu có hơn gì. "Trồng màu thì cũng không trồng nổi, hơi rác độc lắm, cây giống chết ngay từ lúc gieo hạt, mà có trồng được cái loại dễ sống như ngô thì dăm bữa nửa tháng có mưa to, nước rác tràn vào ruộng cũng đi tong...".

Hình ảnh những con người đội đèn sáng lấp lánh như những ánh sao trong đêm, bì bõm trong cái hố nước đen ngòm, khí mê-tan phụt lên dưới những nhát cuốc, đôi chân trần, khuôn mặt lấm lem và cái nhoẻn miệng cười của cậu bé Lực cứ ám ảnh tôi mãi trên đường về. Vậy mà nỗi lo lớn nhất của các em cũng như dân kiếm rác ở đây lại là việc hệ thống xử lý rác thải khép kín hiện đại chuẩn bị khánh thành, đồng nghĩa với một quy định mới có thể sẽ cấm hẳn công việc nhặt rác của gần 1.000 con người hằng đêm nơi đây. Việc hiện đại hóa trong xử lý rác và chất thải là điều cần thiết và những con người lam lũ sống bằng nghề "ăn" rác cũng cần được "giải phóng", nhưng khi đó họ sẽ làm gì để kiếm sống - đây là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.