Độc, lạ nghề của của gen Z: Làm ‘bác sĩ’ cho sách cũ

31/03/2023 11:15 GMT+7

Không chọn con đường làm nghề theo xu hướng, năng động của tuổi trẻ mà ngược lại Trịnh Hán Quang (24 tuổi) lại chọn công việc một cách thầm lặng, yên ả là sửa chữa và phục chế sách cũ.

Đến với nghề vì yêu sách

Trịnh Hán Quang từng học và tốt nghiệp ngành công nghiệp điện tử, tuy nhiên, với Quang nghề điện tử làm bản thân trở nên cứng nhắc, gò bó trong khuôn khổ nên vì vậy, Quang lại quyết định từ bỏ mà không theo nghề. Sau khi ra trường nam sinh này lại làm nhiều việc khác nhau. Quang từng làm phục vụ nhà hàng, quán cà phê và nhiều việc lặt vặt để sinh sống.

Cơ duyên đưa Quang đến với nghề khi làm phục vụ ở một quán cà phê về sách. Mỗi ngày, Quang được tiếp xúc với nhiều loại sách, từ sách cũ đến các loại sách mới, do đó, tình yêu với những trang sách của Quang ngày một nhiều hơn.

"Là gen Z thường thích các xu hướng, còn tôi ngược lại, thích sự hoài cổ, thích những trang sách cũ. Khi cầm quyển sách cổ, được ngửi mùi giấy làm tôi cũng đủ liên tưởng đến những câu chuyện lịch sử trong đó", Quang chia sẻ.

Độc, lạ nghề của của gen Z: Làm ‘bác sĩ’ cho sách cũ - Ảnh 1.

Trịnh Hán Quang chọn con đường làm nghề phục chế sách cũ

Dạ Thảo

Vì vậy, Quang bắt đầu tìm thầy học nghề về sửa chữa và phục chế sách cũ. Cậu mất khoảng 4 tháng để học từ căn bản đến nâng cao, sau đó tự nhận các quyển sách vừa làm vừa thực hành cho thuần thục. Đầu năm 2022, Quang chính thức bước vào nghề phục chế sách cũ. Cậu tận dụng căn phòng nhỏ ở nhà để làm xưởng phục chế. Với một chiếc bàn, chiếc tủ nhỏ, vài dụng cụ tự mua Quang bắt đầu hành trình nhận sách về nhà phục chế.

"Tôi nhận sách từ người quen, đăng quảng cáo trên các trang mạng và ban đầu chỉ sữa những lỗi nhỏ như vá bìa, đi chữ, khâu sách… Tôi còn đầu tư một số tiền nhỏ để mua giấy về làm", Quang nói và kể thêm: "Từ điển Pháp-Việt xuất bản năm 1886 là quyển sách đầu tiên tôi nhận trong ngày đầu làm nghề. Quyển sách bị hư hại nặng, mọt ăn sâu vào các trang sách và khách hàng nhờ tôi phục chế lại nó. Mất hơn nửa tháng tôi cũng đã sửa được và làm đẹp những với mức giá khá thấp khiến khách hài lòng".

Độc, lạ nghề của của gen Z: Làm ‘bác sĩ’ cho sách cũ - Ảnh 2.

Công việc này cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn cũng như sự khéo léo

Kể từ đó, tưởng "làm chơi nhưng ăn thiệt" Quang thường xuyên nhận được nhiều sách hơn và nhận thấy đây chính là nghề mà bản thân sẽ theo đuổi lâu dài. Dần dần, lượng khách hàng mang sách đến phục chế nhiều hơn, Quang lại nâng cấp dụng cụ làm việc, tuyển thêm nhân viên, dạy nghề cho các bạn trẻ khác để làm cùng mình. Từ làm một mình, Quang giờ đây có thêm hai cộng sự để làm việc.

Thu nhập đủ sống với nghề

Cầm quyển sách cổ trên tay, Quang nhẹ nhàng khéo léo cắt giấy, đo đạc, áp và dán từ các trang sách rồi ra đến bìa một cách nhanh chóng. Trong căn phòng không quá rộng nhưng nó cũng chứa đủ những dụng cụ và chiếc máy ép sách. Mọi công đoạn phục chế Quang chỉ làm ở căn phòng nhỏ đó. Quang cho rằng làm nghề này cần nhất là sự kiên trì và khéo tay, óc thẩm mĩ mới có thể làm được. Quan trọng nhất là đặt cái tâm và tình yêu với những trang sách. Cuối cùng khó nhất vẫn là giai đoạn bắt đầu, mất rất nhiều thời gian để học hỏi.

Theo Quang, có hàng chục bước để phục chế thành công một quyển sách. Đầu tiên phải xem xét chất lượng giấy, kiểm tra độ hư hại của sách, tháo rời từng trang sách. Kế đến là xử lý, dán, vá các phần bị hư hại rồi cuối cùng là ép sách.

"Khó nhất là công đoạn ép sách vì đây là công đoạn cuối giúp cho gáy sách nằm vào nếp. Nếu ép sai một ly thôi thì sách sẽ bị lệch hoàn toàn và phải gỡ ra làm lại từ đầu", Quang cho biết.

Độc, lạ nghề của của gen Z: Làm ‘bác sĩ’ cho sách cũ - Ảnh 3.

Quang chia sẻ làm nghề này phải thực sự là người yêu sách

Về phần nguyên liệu, Quang tiết lộ có ba loại giấy gió căn bản để phục chế là: giấy siêu mỏng, giấy 2 lớp và loại giấy 4 lớp, được mua từng làng nghề giấy tận Bắc Ninh. Ngoài ra, khi khách hàng cần phục chế gần như nguyên bản Quang phải tìm các loại giấy xưa, phù hợp với từng loại sách. Cậu thường đến các cửa hàng sách cổ, ve chai hoặc săn tìm ở các hội nhóm chơi sách để tìm.

"Từ những quyển sách nát, xấu xí, sau khi vào tay tôi sửa thì tôi cảm thấy có chút gì đó tự hào vì đã làm cho quyển sách trở lại như cũ. Giống như quyển sách là một bệnh nhân đang bị một bệnh rất nặng và sau đó tôi đã chửa khỏi và khỏe mạnh trở lại", Quang bày tỏ về cảm xúc khi làm nghề.

Giờ đây, khi đã lành nghề, Quang chỉ mất hơn một ngày để phục chế hoàn toàn một quyển sách bình thường, nếu rơi vào những "ca" khó, Quang phải mất tận một tuần hoặc hơn. Giá cho mỗi quyển sách khi phục chế Quang kiếm được trên dưới 1,5 triệu một quyển sách. Tuy vậy, giá phục chế này còn tùy thuộc vào độ hư hại và yêu cầu phục chế của khách hàng và có thể tăng lên.

Quang cho biết là một gen Z trong thời đại số mà lại chọn việc truyền thống, đi ngược với số động thì ngoài yếu tố cơ bản cũng phải tìm cách đổi mới sáng tạo, cải tiến công cụ cũng như kiến thức làm việc. Đồng thời, tận dụng nền tảng số để học hỏi, quảng bá hình ảnh cũng như công việc và tìm kiếm khách hàng cho mình.

Độc, lạ nghề của của gen Z: Làm ‘bác sĩ’ cho sách cũ - Ảnh 4.

Nghề này cũng đã nuôi sống Quang trong hơn 1 năm vừa qua

Sau hơn 1 năm theo nghề, cậu chủ nhỏ này cũng đã phục chế cho hơn 1.000 quyển sách từ khi bước vào nghề. Quang gần như đã ổn định và có thu nhập nhiều hơn, có ngân sách trả lương cho nhân viên với nghề phục chế sách cũ. Quang cũng nhận thấy thời đại số đi lên không có nghĩa ngành nghề thủ công về sách sẽ bị mất đi mà nó càng phát triển hơn. Nhiều người sẽ muốn lưu trữ các loại sách mà mình sưu tầm.

Nói về sự lựa chọn với nghề, Quang bày tỏ: "Ban đầu khi chọn một hướng khác so với bạn bè tôi cảm thấy có gì đó lạc lõng bởi những người bạn đều có công việc ổn định, thu nhập tốt hàng tháng. Còn tôi, cứ loay hoay tìm tòi học hỏi. Nhưng cuối cùng tôi cũng làm được, tôi vui và kiếm được tiền với nghề của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.