Độc đáo trâm hoa của tiến sĩ triều Nguyễn

20/11/2021 06:20 GMT+7

Trong quy định phẩm phục và trâm hoa của tiến sĩ triều Nguyễn , mũ của đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ nhất danh có hàm lục phẩm. Còn về trâm hoa của tiến sĩ, phải nói đây là một nét văn hóa độc đáo của triều Nguyễn.

Về học vị tiến sĩ ở nước ta, được biết sớm nhất là vào thời Trần (1225 - 1400). Học vị này được đổi từ học vị thái học sinh trước đó và được giữ đến tận ngày nay. Thực ra ngay từ khi vua Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (1010), triều Lý đã cho xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám để cho con quý tộc đến học, đồng thời nơi đây còn đóng vai trò trung tâm đào tạo nhân tài cho triều đình. Đến đầu triều Nguyễn, kinh đô cùng với Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chuyển vào Phú Xuân (Văn Miếu Thăng Long chấm dứt vai trò và được đổi làm Văn Miếu Bắc thành).

Triều Nguyễn tiếp nối các triều trước, rất chú trọng đến việc đào tạo và trọng dụng các bậc hiền tài của đất nước. Trong các kỳ thi, những người đỗ đạt ngoài được dựng bia lưu danh còn nhận phần thưởng danh dự như được cấp phẩm phục với hàm lục phẩm, rồi được ăn yến thi hương, ăn yến thi đình, cưỡi ngựa chơi phố và vinh quy. Nhưng thú vị nhất là khoản ban thưởng cành trâm hoa bằng bạc và bạc xi vàng.

Thi Hương ở Nam Định năm 1897

EFEO

Theo quy định phẩm phục và trâm hoa của tiến sĩ được ghi trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ như sau:

Đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ nhất danh (tương đương với trạng nguyên), mũ làm bằng sa đen, đằng trước 1 hoa vàng, đằng sau hoa bằng bạc, 1 cái bác sơn bằng bạc, 2 cái cánh chuồn hai bên bọc bạc, áo bào màu lục bằng đoạn hoa to 8 tơ, bổ tử nền đỏ thêu con nhạn và mây, quần màu đỏ sa hoa rắc, đai bằng tre hoa bọc đoạn vũ màu đỏ, chung quanh có 10 mảnh hình vuông, trên mặt khảm sừng có hoa (trong đó 5 cái bịt bạc, 5 cái bịt đồng) và võng, khăn, giày, tất, hốt gỗ. Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh, tam đệ danh (bảng nhãn và thám hoa), hoa mũ đằng trước bằng bạc mạ vàng, hoa sau bằng bạc mỗi thứ 1 hoa (không có bác sơn), hai bên cánh chuồn bịt bạc, áo bằng đoạn vóc hoa màu lục, đai ghép 10 miếng cũng bằng sừng có hoa (3 miếng bọc bạc, 7 miếng bọc đồng), bổ tử màu đỏ thêu con nhạn trắng, còn quần, võng, chăn, giày tất, hốt gỗ cũng như đệ nhất danh.

Mũ đệ nhị giáp tiến sĩ, đằng trước đằng sau đều 1 hoa bạc, 2 cánh chuồn bịt bạc, áo bào bằng vũ đoạn màu lục, quần bằng tố sa đoạn màu lam, đai có 10 miếng sừng đen (1 miếng bọc bạc, 9 miếng bọc đồng), bổ tử nền đỏ thêu con nhạn trắng, còn võng cân, khăn, giày tất, hốt gỗ cũng đều như đệ nhất danh. Những tên đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, hoa mũ đằng trước đằng sau đều bằng bạc, 2 cánh mũ không bọc bạc, bổ tử nền đỏ thêu con cò trắng. Còn áo quần đai và võng khăn, giày tất, hốt gỗ đều như nhị giáp (theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 7, tr.354 - 361).

Minh Mạng năm thứ 3 (1822), chuẩn y lời nghị rằng tiến sĩ kỳ thi hội đều được ban mỗi người một cành trâm hoa. Nếu có người đỗ đệ nhất giáp, đệ nhất danh thì ban riêng một cành trâm hoa bạc xuy vàng. Năm thứ 16 (1835), dụ rằng kỳ thi điện năm nay, ai trúng đệ nhất giáp thì thưởng mỗi người một chiếc trâm hoa bạc xuy vàng. Những người trúng đệ nhị, đệ tam giáp cũng thưởng một chiếc trâm hoa bạc. Từ nay về sau có thi điện cho phép theo lệ này thi hành. Tự Đức năm thứ 4 (1851), chuẩn y lời nghị rằng năm nay mở chế khoa thi điện lấy cát sĩ, việc ban cấp cờ biển, trâm hoa, chiếu theo lệ các khoa trước mà làm (theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 15, tr.87).

Trâm hoa cúc ở miện Tế Giao của vua triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

VŨ KIM LỘC

Trâm hoa của tiến sĩ có gì lạ ?

Trong quy định Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cũng cho biết mũ của đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ nhất danh có hàm lục phẩm. Về hoa trên mũ thì như chúng ta đã biết, nhà Nguyễn sử dụng hoa cúc làm biểu tượng của vương quyền và đã cho trang trí trên toàn hệ thống mũ miện từ thời chúa Nguyễn đến hết triều Nguyễn nên hoa trên mũ của tiến sĩ cũng không ngoại lệ.

Còn về trâm hoa của tiến sĩ, phải nói đây là một nét văn hóa độc đáo của triều Nguyễn, bởi khi nói đến trâm hoa thường chúng ta nghĩ ngay đến của phái nữ. Nhưng trâm ở đây lại là của phái nam, về vấn đề này thì chỉ duy nhất có trong quy định mũ miện Tế Giao của hoàng đế, nhưng trâm đó là một bộ phận của miện, và thực tế cũng hiện tồn hai chiếc trâm hoa ở chiếc miện Tế Giao đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tức là miện có lỗ ở hai bên để xỏ trâm, khi nhà vua đội hai trâm sẽ được xỏ vào, đồng thời cũng xỏ cả vào búi tóc ở trên đầu để giữ cho miện ngay ngắn không bị lệch. Còn mũ của tiến sĩ nói riêng và của quan lại nói chung thực tế cho thấy không có lỗ để xỏ trâm, và quy định cũng không nói đến vấn đề này. Như vậy, vấn đề được đặt ra là trâm hoa của tiến sĩ được sử dụng như thế nào, hoa đó là hoa gì? Và tại sao lại là cành trâm hoa mà không là loại hình khác?

Để trả lời cho vấn đề này thì như đã đề cập ở trên, hoa cúc - một biểu tượng vương quyền của triều Nguyễn, ngoài được dùng trang trí trên mũ ra còn sử dụng cho rất nhiều vần đề trọng đại khác, như trên tiền thưởng, ngai vàng, bảo kiếm, huân chương… Thú vị là hai chiếc trâm ở miện Tế Giao của vua, qua xem xét cũng cho thấy là hoa cúc, và còn thấy rõ là cúc vạn thọ kép. Với những yếu tố nêu trên thì hoa ở trâm của tiến sĩ cũng không thể là hoa nào khác ngoài hoa cúc.

Thiết nghĩ đây là cành trâm hoa thì dứt khoát không phải để cài trên búi tóc của nam giới. Rất có thể đây là dạng giống như đồ văn phòng tứ bảo, tức là trâm được cắm vào một chiếc bình nhỏ để trên bàn làm việc của tiến sĩ, ngoài mục đích trang trí còn là niềm tự hào về phần thưởng cao quý. Nếu đúng vậy thì hàm ý của việc ban thưởng cành trâm hoa là ngoài chúc cho sự viên mãn, còn là sự động viên, nhắc nhở phụng sự triều đình được trường tồn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.