Doanh nghiệp nước sạch Mai Thanh kêu cứu: Thống nhất phương án hoàn trả đường ống đi nổi

Cù Hiền
Cù Hiền
21/12/2022 09:48 GMT+7

Các cơ quan liên quan cùng doanh nghiệp nước sạch Mai Thanh đã thống nhất lựa chọn phương án đường ống đi nổi theo cầu riêng.

Liên quan đến công trình hoàn trả đường ống cấp nước sạch của Công ty TNHH Mai Thanh (Công ty Mai Thanh) thuộc tiểu dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) kênh nối Đáy - Ninh Cơ được Thanh Niên phản ánh qua loạt bài viết, trải qua nhiều cuộc họp được tổ chức tại Bộ GTVT, các cơ quan liên quan cùng Công ty TNHH Mai Thanh đã thống nhất lựa chọn phương án đường ống đi nổi theo cầu riêng, sát cạnh cầu vượt âu.

Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân của doanh nghiệp Mai Thanh

ctv

Ngày 15.12 vừa qua, UBND H.Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) đã tổ chức cuộc họp để cung cấp và thống nhất các nội dung liên quan đến yếu tố kỹ thuật của phương án đi nổi (phương án 5) công trình di dời, hoàn trả đường ống cấp nước sạch này.

Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo UBND H.Nghĩa Hưng, Sở Xây dựng tỉnh Nam Định, Ban Quản lý các dự án đường thủy - đại diện Bộ GTVT (chủ đầu tư cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ) cùng Công ty Mai Thanh.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty Mai Thanh, chủ dự án Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân, đề nghị được biết hướng dẫn của chủ đầu tư khi triển khai đối với công trình hoàn trả này để doanh nghiệp Mai Thanh nắm rõ các cơ sở pháp lý, đặc biệt là việc thực hiện bồi thường các công trình hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện.

Phía doanh nghiệp Mai Thanh cho rằng công trình hạ tầng kỹ thuật phải do chủ đầu tư (Bộ GTVT) có trách nhiệm thực hiện bồi thường, không thể đẩy về tỉnh Nam Định và H.Nghĩa Hưng vốn chỉ thực hiện khâu giải phóng mặt bằng.

Trước những đề nghị của Công ty Mai Thanh, Ban Quản lý dự án đường thủy nêu quan điểm: “Nhiệm vụ của tổ công tác do Bộ GTVT thành lập lựa chọn, đề xuất phương án sơ bộ trên cùng một mặt bằng so sánh để chọn phương án tối ưu, còn chi tiết về yếu tố kỹ thuật thì đơn vị tư vấn do địa phương lựa chọn sẽ triển khai cụ thể".

UBND H.Nghĩa Hưng tiếp nhận ý kiến của Công ty Mai Thanh và các cơ quan liên quan, sau đó phân loại thực hiện các nội dung theo thẩm quyền. Những nội dung vượt thẩm quyền sẽ báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền xin ý kiến.

Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân hoạt động từ năm 2015, đi vào vận hành năm 2017, cấp nước sinh hoạt cho 27.000 hộ dân thuộc 9/10 xã vùng nhiễm mặn của H.Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định).

Năm 2020, Cụm công trình kênh đào nối sông Đáy - Ninh Cơ thuộc dự án Phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6) được khởi công đã cắt ngang tuyến ống nước sạch của Công ty Mai Thanh nhưng công ty không được chính quyền thông báo về sự hiện diện của dự án này cho đến cuối năm 2019, khi UBND H.Nghĩa Hưng mời đến làm việc.

UBND H.Nghĩa Hưng khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ cũng không đề cập đến công trình nước sạch của Công ty Mai Thanh. Đến ngày 16.6.2021, UBND H.Nghĩa Hưng có báo cáo và chính thức đề nghị UBND tỉnh Nam Định chấp thuận bổ sung công trình nước sạch vào hạng mục hoàn trả thuộc tiểu dự án giải phóng mặt bằng.

Ngày 8.3 vừa qua, UBND H.Nghĩa Hưng ra quyết định cưỡng chế nhằm thực hiện công trình hoàn trả đi ngầm đã phê duyệt trong khi chưa thực hiện kiểm đếm và làm đúng các bước theo quy định pháp luật.

Sau đó, bà Thanh nhiều lần kêu cứu đến các cơ quan chức năng cấp T.Ư, cũng như các đại biểu Quốc hội.

Ngày 3.6, sau khi nhận được nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã tổ chức buổi làm việc với Công ty Mai Thanh và các bên liên quan về vụ việc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.