Doanh nghiệp logistics kêu trời vì 'phí làm luật'

02/07/2016 17:38 GMT+7

Tại buổi hội thảo về logistics tại ICD Sóng Thần (Bình Dương), nhiều doanh nghiệp (DN) than phiền về cơ chế chính sách, tình trạng lạm thu phí cầu đường, các loại phí giao thông, “phí làm luật” kìm hãm sự phát triển của ngành.

Ông Trần Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: mặc dù so với các tỉnh, thành trong khu vực thì Bình Dương không có lợi thế vì không có sân bay, cảng biển nhưng tiềm năng thì rất lớn. Tới đây cầu Ghềnh (Đồng Nai) được nâng chiều cao tĩnh không lên 7 mét, cầu Bình Lợi cũng được nâng cao tương tự là điều kiện thuận lợi để Bình Dương phát huy thế mạnh logistic nhờ tỉnh đã có quy hoạch, đầu tư, phát triển hệ thống cảng sông. Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo, các DN đã đưa ra hàng loạt bất cập, những vấn đề cần được giải quyết để phát triển ngành logistics
Đường xấu vẫn chịu đủ các loại phí
Ông Nguyễn Xuân Phúc - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Logistics U&I cho rằng mặc dù hạ tầng giao thông của Bình Dương được đánh giá cao so với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, so với tốc độ phát triển của nền kinh tế, thương mại, công nghiệp và đặc biệt là logistics thì chưa tương xứng. Nhiều tuyến đường như ĐT743, QL1K, Mỹ Phước Tân Vạn, QL13… trên địa bàn tỉnh Bình Dương mặt đường hẹp tạo ra mật độ giao thông dày đặc dễ dẫn đến ùn ứ phương tiện. Cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ chưa phát triển tương xứng so với sự tăng trưởng kinh tế, thiếu tầm nhìn quy hoạch chung và phát triển hạ tầng giao thông đường bộ. Theo ông Phúc, thực trạng hạ tầng đường bộ VN nói chung và Bình Dương nói riêng hiện có quy mô nhỏ, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, nhiều tuyến quốc lộ chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng mặt đường xấu, số lượng cầu có trọng tải lớn rất ít. “Tình trạng lạm thu phí cầu đường, các loại lệ phí giao thông, “phí làm luật” cũng là những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của ngành logistics”, ông Phúc bức xúc.
Doanh nghiệp “tự bơi”
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty cổ phẩn ICD Tân Cảng Sóng Thần, cho biết hiện nay có trên 1.000 DN hoạt động logistics nhưng chỉ chiếm 20% thị phần của cả nước. Trong khi đó chỉ có vài chục DN logistics của nước ngoài nhưng chiếm tới 80% thị phần cả nước. Ông Sơn cho rằng các DN nước ngoài chiếm thị phần lớn nhưng về mặt nguồn lực, nhân sự đa số sử dụng nguồn trong nước. Do đó, ông Sơn đề nghị cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các DN trong nước phát triển logistics.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cơ chế chính sách của nhà nước hiện nay chưa phù hợp khiến các DN logistics trong nước phải “tự bơi”. Cụ thể, ông Phúc dẫn chứng, ngoài quyết định 1012/QĐ-TTg ngày 3.7.2015 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển logistics ở VN thì cho đến nay VN chưa có luật hay chính sách nào được ban hành nhằm thực thi việc triển khai loại hình này.
“Do đó, DN muốn kinh doanh dịch vụ logistics phải tự mày mò tìm lối đi để hình thành trung tâm, tự tìm quỹ đất, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị; tự lo vốn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và tự chịu mọi rủi ro…mà không có một ưu đãi nào khác”, ông Phúc nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.