Doanh nghiệp đề nghị được trả lại tiền 'chạy án' để hoàn cho người mua vé 'chuyến bay giải cứu'

Người đưa hối lộ nhiều nhất trong vụ án "chuyến bay giải cứu" nói rằng tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước là bởi "cảm nhận được nỗi đau của đồng bào".

Sáng 20.7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử đại án "chuyến bay giải cứu". Trước đó, bị cáo Lê Hồng Sơn, cựu Tổng giám đốc Công ty Bluesky, cùng luật sư bào chữa đã tham gia tranh luận.

Doanh nghiệp đưa hối lộ: Mong nhận lại tiền ‘chạy án’ để trả lại cho dân

Theo cáo buộc, ông Sơn cùng bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky) là 2 người đưa hối lộ nhiều nhất trong vụ án. Nhóm này đã bỏ ra tới hơn 100 tỉ đồng, trong đó hơn 38,5 tỉ đồng dùng để hối lộ các cựu quan chức xin cấp phép chuyến bay, hơn 61 tỉ đồng để "chạy án".

Tại bản luận tội, đại diện viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Sơn 11 - 12 năm tù, bị cáo Hằng 10 - 11 năm tù, cùng về tội đưa hối lộ.

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Doanh nghiệp nói 'cảm nhận được nỗi đau của đồng bào' - Ảnh 1.

Bị cáo Lê Hồng Sơn được dẫn giải tới tòa

TRẦN PHAN

"Bị cáo cảm nhận được nỗi đau của đồng bào"

Tự bào chữa, bị cáo Lê Hồng Sơn tự hào giới thiệu Bluesky là doanh nghiệp (DN) có uy tín trong ngành hàng không, doanh thu ngàn tỉ mỗi năm. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các công ty lữ hành và dịch vụ hàng không phần lớn rất khó khăn.

Tháng 5.2020, Bluesky được chỉ định phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ thực hiện 10 "chuyến bay giải cứu", bị cáo Sơn cho biết đã được chứng kiến rất nhiều nụ cười và cả nước mắt hạnh phúc của sự đoàn tụ.

"Bản thân bị cáo cũng có con ở Úc. Cháu gọi về, hỏi ba làm nhiều chuyến bay giải cứu thế sao ba lại để con ở đây, con chết ở bên này à", bị cáo Sơn kể và nói do biết những việc như vậy rất đồng cảm với những người ở nước ngoài đang cách xa gia đình. Có trường hợp vì chậm chuyến bay mà chết, có trường hợp chết trên máy bay hoặc chết trong lúc cách ly, "thực sự rất đau xót".

Lê Hồng Sơn cũng nói, nhiều người nghĩ DN chỉ quan tâm đến lợi nhuận, nhưng điều này chỉ đúng ở điều kiện bình thường, còn trong bối cảnh dịch bệnh thì hoàn toàn không đúng. "Bị cáo cũng có tình người, cũng cảm nhận được nỗi đau của đồng bào mình, biết nhiều hoàn cảnh khó khăn, thôi thúc bị cáo quyết tâm thực hiện càng nhiều chuyến bay càng tốt", ông Sơn phân trần.

Xem nhanh 12h ngày 20.7: ‘Va li 104’ đựng tiền hay rượu | Rùng mình lời khai kẻ sát hại xe ôm

Về câu chuyện đưa hối lộ trong vụ án "chuyến bay giải cứu", bị cáo Sơn "không phủ nhận sai phạm mà chỉ muốn nói về những vất vả, khó khăn". Bởi lẽ, khi thực hiện các chuyến bay, ngoài khó khăn về giấy tờ, cấp phép, một trở ngại khác là xây dựng giá thành, khi mà mọi thứ dịch vụ liên quan đều tăng cao, chi phí để tổ chức chuyến bay là rất lớn. Thời điểm ấy, mặc dù có chỉ thị giãn cách nhưng hàng tuần, hàng tháng, bị cáo và nhân viên Công ty Bluesky vẫn phải đi khảo sát giá dịch vụ lưu trú tại nhiều tỉnh/thành, bất chấp nguy cơ lây nhiễm.

Cựu Tổng giám đốc Bluesky cũng phủ nhận thông tin cho rằng các DN tổ chức chuyến bay tranh thủ dịch bệnh để thỏa thuận về giá nhằm trục lợi. Bị cáo khẳng định chỉ cần 2 - 3 DN cùng thực hiện một dịch vụ thì sẽ không bao giờ thỏa thuận được về giá, huống chi ở đây có mấy chục DN cùng tham gia.

Cuối phần trình bày, ông Sơn nói "rất sốc" trước mức án mà đại diện viện kiểm sát đề nghị, mong hội đồng xét xử đánh giá toàn diện, khách quan, cho bị cáo được hưởng khoan hồng.

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Doanh nghiệp nói 'cảm nhận được nỗi đau của đồng bào' - Ảnh 2.

Các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu"

TRẦN PHAN

Luật sư đề nghị trả lại tiền "chạy án"

Bào chữa cho bị cáo Lê Hồng Sơn trong vụ án "chuyến bay giải cứu", luật sư nói sau khi nghe mức án đề nghị đối với nhóm bị cáo nhận hối lộ (chỉ một người bị đề nghị tử hình, nhiều người khác được đề nghị dưới khung truy tố - PV), luật sư rất mừng vì đây là các mức án thể hiện sự nhân văn.

Tuy nhiên, khi nghe mức án đề nghị với nhóm đưa hối lộ, trong đó có bị cáo Sơn, luật sư thấy quá cao. Chưa kể, ở nhóm tội đưa hối lộ, bị cáo Sơn là người bị đề nghị mức án cao nhất, trong khi Công ty Bluesky là đơn vị đón được nhiều công dân nhất, với những nỗ lực rất lớn.

Luật sư đề nghị hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ "lập công chuộc tội", tuyên mức án thấp hơn mức thấp nhất của khung hình phạt truy tố đối với bị cáo Sơn.

Đặc biệt, luật sư đề nghị người có hành vi chiếm đoạt 800.000 USD (liên quan đến phi vụ "chạy án" lên tới 2,65 triệu USD, tương đương hơn 61 tỉ đồng - PV) phải trả lại cho vợ bị cáo Sơn và Công ty Bluesky; trả lại một phần hoặc toàn bộ 1,85 triệu USD mà bị cáo Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng đã đưa cho cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn (để "chạy án" - PV).

Xem nhanh 20h ngày 20.7: Mong nhận lại tiền ‘chạy án’ để trả lại cho dân

Đối với số tiền trên, luật sư cho hay, Lê Hồng Sơn từng nói không hy vọng được nhận lại, nhưng nếu được nhận lại, bị cáo sẽ dùng toàn bộ số tiền để trả lại cho những người đã mua vé trên các chuyến bay combo.

Cuối phần bào chữa, luật sư đề cập tới việc dư luận bức xúc vì giá vé máy bay bị nâng cao do bao gồm cả tiền đưa hối lộ, cho rằng DN cấu kết với quan chức để đẩy giá. 

Theo luật sư, điều này đúng một phần bởi thực tế có việc các DN phải chi tiền cho một số cán bộ các bộ, ngành, địa phương trong vụ án "chuyến bay giải cứu", nhưng chưa hoàn toàn đúng bởi giá thành vé máy bay thời điểm đó phải tính cả yếu tố tàu bay rỗng (khi đi không có khách) sang nước ngoài để đón công dân, rồi chi phí xét nghiệm tại sân bay, chi phí đưa đón, vận chuyển, lưu trú và cách ly, nhất là cách ly ở những khách sạn hoặc resort 4 sao, 5 sao… Những yếu tố này đã đẩy giá lên cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.