Điều gì xảy ra nếu Nga tấn công Ukraine?

Bảo Vinh
Bảo Vinh
15/02/2022 06:18 GMT+7

Giữa lúc phương Tây và Nga tranh cãi về khả năng tấn công Ukraine , không ít người đặt câu hỏi liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo hành động đó.

Căng thẳng giữa phương Tây và Nga xoay quanh tình hình biên giới Ukraine đang được đẩy lên mức cao khiến nhiều bên lo ngại. Giới chức Mỹ gần đây liên tục cảnh báo Nga đã tập trung đủ lực lượng gần Ukraine để có thể tấn công bất cứ lúc nào. Thậm chí, một quan chức Mỹ tiết lộ nước này đã nhận được tin tình báo cho thấy cuộc tấn công có thể diễn ra vào ngày 16.2, theo AP. Đáp lại, Nga phủ nhận hoàn toàn ý định tấn công nước láng giềng.

Các lực lượng tham gia cuộc tập trận chung của Nga và Belarus tại Belarus

Reuters

Đến nay, chưa ai biết chắc liệu Nga có tấn công hay không, nhưng nếu xảy ra tấn công thì chắc chắn sẽ vấp phải sự phản ứng của phương Tây.

Ăn miếng, trả miếng ?

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12.2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Washington và đồng minh sẽ phản ứng cương quyết và đoàn kết, bắt Nga phải trả giá nặng nề nếu tấn công Ukraine.

Sự phản ứng cụ thể là gì chưa được làm rõ, nhưng những lựa chọn tiềm tàng đã được giới phân tích liệt kê đầy đủ trong thời gian qua. Theo phân tích trên tờ The Hill của chuyên gia Joshua Huminski, Giám đốc Trung tâm Mike Rogers về tình báo và các vấn đề toàn cầu (Mỹ), phương Tây có thể cấm vận đối với nhà lãnh đạo Nga cùng những nhân vật thân tín, ngắt kết nối Nga với hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT, ngăn chặn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sang Đức hoặc cấm vận đối với lĩnh vực ngân hàng, công nghệ, quốc phòng và giới tài phiệt Nga.

Ông Putin bắn tín hiệu tiếp tục dùng ngoại giao để tháo ngòi căng thẳng

Trong khi đó, Nga cũng có những lựa chọn để đáp trả và mức độ còn phụ thuộc vào động thái của phương Tây. “Vũ khí” lợi hại của Nga được cho là nguồn dầu mỏ và khí đốt cung cấp cho châu Âu. Theo Euronews, về lý thuyết, châu Âu có đủ nguồn nhập khẩu để bù đắp nếu Nga ngừng hoàn toàn việc xuất khẩu khí đốt sang, nhưng việc đó sẽ cần nhiều thời gian để chuẩn bị, tốn kém và đi kèm nhiều thách thức vật chất và chính trị.

Bên cạnh đó, Nga còn là nhà xuất khẩu chính các nguồn tài nguyên khác cho châu Âu và việc đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ gây tác động đến thị trường. Hồi tháng 1, Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang (thượng viện Nga) Nikolai Zhuravlev cảnh báo nếu Nga bị ngắt kết nối với SWIFT, Moscow sẽ không nhận được ngoại tệ nhưng trước tiên, các nước châu Âu sẽ không nhận được hàng hóa như dầu khí, kim loại hay những bộ phận quan trọng khác từ Nga.

Trực thăng tham gia cuộc tập trận chung của Nga và Belarus tại Belarus

Reuters

Nguy cơ sai lầm

Việc Nga tập trung lực lượng hùng hậu gần biên giới Ukraine như thông báo của phương Tây, cùng với sự chi viện của NATO tại Đông Âu đang đặt lượng lớn khí giới hoạt động gần sát nhau, làm gia tăng nguy cơ xảy ra sự cố và hậu quả không định trước, theo báo The Guardian.

Cựu binh Mỹ Danny Sjursen, hiện là Giám đốc Mạng lưới truyền thông Eisenhower (Mỹ), nhận định nguy cơ xảy ra vụ va chạm trên không giữa Mỹ và Nga “đang leo thang nhanh chóng”. Thực tế, các vụ chạm mặt giữa máy bay NATO và Nga tại biển Đen và biển Baltic vẫn thường xuyên xảy ra.

Cuộc khủng hoảng người tị nạn tại biên giới Ba Lan và Belarus hồi năm ngoái cũng dẫn đến xung đột giữa binh lính hai nước, trong đó Warsaw cáo buộc lực lượng Belarus nổ súng về phía binh sĩ của Ba Lan. Chuyên gia Elisabeth Braw của Viện Nghiên cứu chính sách công doanh nghiệp Mỹ cho biết những binh sĩ ở tiền tuyến gánh chịu trách nhiệm to lớn và họ có thể phản ứng dẫn đến leo thang xung đột nếu bị khiêu khích dù có chủ đích hay không.

Quan hệ Nga - Ukraine từ sau khi liên bang Xô Viết tan rã

Chuyên gia chính sách Sahil Shah của Mạng lưới lãnh đạo châu Âu (Anh) cảnh báo trong trường hợp xảy ra xung đột, không có gì đảm bảo NATO và Nga có thể liên lạc hiệu quả để ngăn ngừa những sai lầm. “Hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới (Mỹ và Nga) đã quay trở lại bờ vực xung đột đúng 60 năm sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Nếu không theo đuổi con đường ngoại giao hết mức có thể, nguy cơ tính toán sai lầm và hiểu lầm có thể kéo châu Âu vào một cuộc chiến tranh tàn khốc”, ông Shah nói.

Ukraine mời Tổng thống Mỹ đến thăm

Đài CNN ngày 14.2 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm trong khoảng 1 giờ với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và cam kết về những phản ứng của Mỹ nếu Nga tấn công Ukraine.

“Tổng thống Biden nói rõ rằng Mỹ sẽ phản ứng nhanh chóng và quyết liệt, cùng với các đồng minh và đối tác, đối với bất cứ sự gây hấn nào của Nga đối với Ukraine”, theo thông tin từ Nhà Trắng. Theo đó, 2 nhà lãnh đạo đồng ý về tầm quan trọng của việc tiếp tục theo đuổi biện pháp ngoại giao và răn đe nhằm phản ứng việc Nga tập trung quân sự gần biên giới Ukraine.

Một quan chức cấp cao Ukraine cho biết Tổng thống Zelensky tiếp tục kêu gọi Washington hỗ trợ quân sự và tài chính nhiều hơn, đồng thời mời Tổng thống Biden thăm Ukraine trong thời gian sớm nhất. Quan chức này cho biết lời mời trên chưa nhận được phản hồi từ ông Biden.

Đại sứ Ukraine đính chính phát ngôn về bỏ nguyện vọng gia nhập NATO

Bên cạnh đề nghị hỗ trợ thêm về quân sự, nhà lãnh đạo Ukraine muốn Mỹ hỗ trợ mạnh mẽ về kinh tế nhằm “thể hiện rằng phương Tây đứng về phía Ukraine và tác động của việc Nga leo thang sẽ không hiệu quả”.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự định đến Moscow vào ngày 15.2 để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau khi đến Kiev gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 14.2. Reuters dẫn nguồn tin chính phủ Đức nhận định nước này không trông đợi kết quả cụ thể, nhưng kỳ vọng sẽ nắm bắt được ý định của lãnh đạo Nga về việc tập trung quân lực gần biên giới Ukraine.

Khánh An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.