Diện tích sầu riêng tăng 3.560 ha, Đắk Nông cảnh báo rủi ro

16/10/2023 16:52 GMT+7

Theo thống kê, diện tích sầu riêng năm 2023 tăng 3.560 ha so với năm 2022, tỉnh Đắk Nông cảnh báo hệ lụy khi người dân chuyển đổi cây trồng ồ ạt.

Ngày 16.10, Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông (thuộc Sở NN-PTNT) cho biết, theo thống kê, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 8.2023 là 9.699 ha. Trong đó, diện tích trồng thuần (không xen canh với các cây công nghiệp khác) là 3.870 ha; diện tích trồng xen canh với các cây công nghiệp khác là 5.829 ha.

Diện tích sầu riêng tăng 3.560 ha so với năm 2022, Đắk Nông cảnh báo rủi ro - Ảnh 1.

Vườn sầu riêng của người dân trên địa bàn TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông)

XUÂN LÂM

Diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn Đắk Nông chủ yếu tập trung ở H.Đắk R'lấp (2.260 ha), H.Đắk Song (1.902 ha), H.Đắk Mil (1.705 ha), H.Tuy Đức (1.146 ha), H.Đắk Glong (1.067 ha).

Diện tích sầu riêng đang kinh doanh là 4.573 ha, năng suất bình quân chung toàn tỉnh đạt khoảng 9,8 tấn/ha. Tổng sản lượng sầu riêng toàn tỉnh năm 2023 ước đạt 44.873 tấn. Giá sầu riêng trong thời gian qua dao động từ 55.000 - 85.000 đồng/kg. Đáng chú ý, tổng diện tích sầu riêng năm 2023 tăng 3.560 ha so với năm 2022. 

Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đánh gia, thời gian qua, việc xuất khẩu chính ngạch một số loại cây ăn quả có tiềm năng của Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội, lợi ích cho ngành nông nghiệp Đắk Nông phát triển, đặc biệt là ngành hàng sầu riêng.

Diện tích sầu riêng tăng 3.560 ha so với năm 2022, Đắk Nông cảnh báo rủi ro - Ảnh 2.

Người dân chăm sóc sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

XUÂN LÂM

Tuy nhiên, việc người dân mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp, chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; thực hiện chuyển đổi vườn cà phê, hồ tiêu trồng xen sầu riêng sang trồng thuần cây sầu riêng… sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường, sản xuất thiếu bền vững (như cung vượt quá cầu; nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp, không chủ động được nước tưới sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam).

Rào cản lớn nhất của sầu riêng Việt

Để hạn chế tình trạng nông dân thu hẹp diện tích trồng cà phê, hồ tiêu và các cây trồng khác để mở rộng diện tích sầu riêng, Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông khuyến cáo người dân khi trồng mới, tái canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn theo hướng "Không trồng mới, tái canh, chuyển đổi các loại cây lâu năm chạy theo giá cả thị trường; phát triển các loại cây lâu năm (trong đó có cây sầu riêng) theo hướng khai thác hợp lý điều kiện tự nhiên và hạ tầng nông nghiệp".

Diện tích sầu riêng tăng 3.560 ha so với năm 2022, Đắk Nông cảnh báo rủi ro - Ảnh 3.

Ngoài cà phê và hồ tiêu, hiện sầu riêng cũng được trồng rất nhiều trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

XUÂN LÂM

Ngoài ra, Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đề xuất các địa phương tập trung triển khai, thực hiện kế hoạch phát triển ngành hàng cây ăn quả, rau chủ lực và thế mạnh của địa phương tỉnh Đắk Nông đến năm 2030. Trong đó tập trung xác định, định hướng vùng sản xuất cây ăn quả phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và theo khả năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

Tập trung chăm sóc các vườn sầu riêng hiện có. Cải tạo giống, áp dụng các quy trình kỹ thuật thực hành sản xuất tốt, tiêu chuẩn hữu cơ. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết các vườn sản xuất sầu riêng với nhau và với các cơ sở xuất khẩu/chế biến để làm mã số xuất khẩu thuận lợi, giảm chi phí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.