Điện mặt trời mái nhà vẫn khuyến khích 'xài một mình'

Nguyên Nga
Nguyên Nga
17/04/2024 03:58 GMT+7

Chưa kịp mừng với tuyên bố điện mặt trời mái nhà phát lên lưới được tính tiền khoảng 1 tuần trước thì Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu mới nhất của Bộ Công thương đã quay lại quan điểm cũ: điện dư phát lên lưới ghi nhận 0 đồng và "nói không" với việc bán điện mặt trời cho hàng xóm.

Cấm bán điện cho hàng xóm, phát lên lưới 0 đồng

Đặc biệt, dự thảo nghị định còn nêu hành vi trái quy định với cơ chế là lợi dụng quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản, tự tiêu là có kinh doanh hoặc bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác. Như vậy, một lần nữa, dự thảo về cơ chế khuyến khích ĐMTMN quay lại quan điểm trước đây, thậm chí "đóng cửa" hoàn toàn với nhu cầu bán điện cho hàng xóm cũng như dùng dư thừa phát lên lưới được tính tiền. Thậm chí việc chia sẻ điện với hàng xóm có thể vi phạm quy định.

Nguồn điện mặt trời áp mái của hộ gia đình vẫn mong muốn được hướng dẫn, bán cho hàng xóm

Nguồn điện mặt trời áp mái của hộ gia đình vẫn mong muốn được hướng dẫn, bán cho hàng xóm

Ng.Nga

Trong khi trước đó, ngày 10.4, tại cuộc họp với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, chính Bộ trưởng Bộ Công thương nêu quan điểm nguồn ĐMTMN có thể liên kết và phát công suất dư thừa lên lưới điện quốc gia với mức giá theo thời điểm. Tức là người dân và doanh nghiệp có thể được trả tiền khi bán lượng điện dư thừa lên lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ cũng cho rằng sẽ cho phép lắp đặt ĐMTMN không cần theo Quy hoạch Điện VIII và hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ điện.

Những tưởng các cơ chế chính sách phát triển ĐMTMN có thể "sang trang mới", tiến đến thị trường mua bán điện và chính sách phát triển năng lượng tái tạo cởi mở hơn... thì trong dự thảo mới nhất, mọi quan điểm lại thay đổi đột ngột như nói trên.

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho rằng Bộ Công thương cần phải giải thích tại sao cho bán điện phát lên lưới, nhưng chỉ mua với giá 0 đồng. Nếu vẫn giữ nguyên đề xuất ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng thì sẽ hạn chế sự đầu tư vào ĐMTMN. Vì khi đầu tư, ai cũng muốn rằng thừa điện sẽ được bán và thu tiền. Nếu thừa không bán được thì đầu tư làm gì?

Trả lời Thanh Niên, một chuyên gia ngành điện tại TP.HCM cho hay đối với điện mặt trời (ĐMT) hòa lưới bám tải của một hộ gia đình dùng dư thừa, có thể bán lại cho nhà bên cạnh theo cách lắp đồng hồ đo đếm giữa 2 hộ gia đình. Giá bán tự hai hộ thỏa thuận với nhau. Tuy vậy, khi 2 bên đã thống nhất bán và mua ĐMT vào ban ngày thì hộ gia đình muốn mua phải cắt CB (Aptomat - thiết bị điện được sử dụng thay thế cho cầu dao tổng ngày xưa - PV) đấu lưới của hộ đó thì mới dùng được ĐMT dư thừa của nhà bên cạnh. Chẳng hạn, hộ gia đình ông B quyết định mua ĐMT dư thừa của hộ gia đình ông A vào ban ngày. Hai bên phải tự thỏa thuận về tính an toàn đường dây sau công tơ tổng của hộ ông A, rồi lắp công tơ đo đếm và thỏa thuận về giá. Phân đoạn này có thể cần có sự hỗ trợ của ngành điện lực.

"Vấn đề quan trọng là khi ông B dùng ĐMT dư thừa của hộ ông A thì ông B phải cắt Aptomat sau công tơ tổng mới dùng được. Việc làm này có thể ảnh hưởng đến việc bán điện cho người dân của ngành điện. ĐMT không phát lên lưới của hộ ông A nên không ảnh hưởng hệ thống. Đến nay, chưa có quy định nào cấm và người dân có thể tự thỏa thuận với nhau để hai bên cùng đầu tư. Tuy nhiên, ngành điện không can thiệp các trường hợp này và tất nhiên họ không chịu an toàn về cháy nổ", chuyên gia này chia sẻ.

Nên 'phá rào' việc bán điện cho hàng xóm

Trong thực tế, việc được phép bán ĐMT cho nhà hàng xóm, láng giềng cũng là một cách khuyến khích nhà dân, doanh nghiệp đầu tư ĐMT tự sản tự tiêu nhanh. Nếu dư thừa, họ có thể chia sẻ với hàng xóm trong quy mô trong khu phố, xóm... Từ đó, giúp quá trình chuyển đổi năng lượng sạch nhanh hơn. Việc "chặn" chỉ cho làm điện dùng, không cho chia sẻ có thể khiến việc đầu tư ĐMT tự dùng khó khăn hơn, khó phủ 50% như Quy hoạch Điện VIII đề ra.

TS Nguyễn Dáo, chuyên gia điện, cho rằng ĐMT không nối lưới là dòng điện một chiều, người dân muốn sử dụng có thể lưu điện vào ắc quy và thông qua hệ thống chuyển đổi để thành dòng điện xoay chiều để cùng chia sẻ với hàng xóm. Hộ gia đình có thể lắp công tơ 2 chiều là nối lưới được. Ngành điện ngoài việc bảo đảm cung ứng đủ điện, phải bảo đảm an toàn điện cho người dân. Nên việc kết nối các hệ thống ĐMT phải do người có chuyên môn đảm nhận để bảo đảm an toàn. Nếu không, khi gặp sự cố về điện, sẽ ảnh hưởng đến hệ thống và an toàn của người dân. Từ đó, không cho bán điện cho hàng xóm vì ngại an toàn điện.

Trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo ngành điện cho biết hiện mọi chính sách liên quan ĐMTMN đang chờ nghị định cơ chế sắp ban hành. Trong thực tế, đã có lập luận cho rằng, có thể lắp thiết bị ngăn phát lên lưới (zero export) thì có thể mua bán qua lại giữa các hộ. Tuy vậy, hiện nay, ngay cả thiết bị phát ngăn phát lên lưới cũng chưa được cơ quan quản lý chuyên môn công nhận. Thứ nữa, với các hộ lắp ĐMT không có đấu nối vào lưới, sử dụng ắc quy lưu trữ thì không liên quan quản lý của ngành điện. Tuy nhiên, nếu đầu tư có công suất trên 1 MW, phải liên hệ sở công thương địa phương vì liên quan đến quy hoạch điện của địa phương.

Theo chuyên gia Ngô Đức Lâm, việc bán điện cho hàng xóm được các nước triển khai khá đơn giản, do tư nhân đầu tư đường lưới điện, họ có hệ thống đường dây nối với nhau, muốn bán thì lắp công tơ điện để ghi nhận số điện bán cho hàng xóm. Ở VN, cho dù bán cho hàng xóm, theo quy định, vẫn phải nối qua lưới và Tập đoàn điện lực VN (EVN) có thể lấy thêm phí quản lý đường dây. Nếu vậy lại phải làm theo giấy phép được quy định tại luật Điện lực. Thực tế giai đoạn vừa qua, có 2 lý do khiến việc bán điện cho hàng xóm của hộ gia đình khó triển khai. Đó là EVN không có trách nhiệm để can thiệp hay dính dáng đến việc này. Thứ 2, việc đấu nối lưới điện để bán cho hàng xóm có thể gây mất an toàn cho lưới điện. Nếu mất an toàn, ngành điện lại phải chịu trách nhiệm, có nơi phải đền bù cho người dân.

Ngoài ra, đặc điểm của năng lượng tái tạo do tư nhân đầu tư, nhưng luật Điện lực lại xây dựng theo quy định điện lực nói chung do nhà nước quản lý. Luật Điện lực sửa đổi cũng đã đề cập đến thị trường điện lực theo cơ chế thị trường, nhưng mua bán điện phải có hợp đồng mua bán. Ngay cả ĐMTMN do hộ gia đình lắp, muốn bán cho hàng xóm, hoặc tặng cho, không phát lên lưới, cũng cần có quy định về an toàn điện. Nên biện pháp quan trọng nhất là nhà nước hay EVN phải ban hành mẫu cho hộ lắp điện tự dùng và chia sẻ với hàng xóm thế nào trong cơ chế khuyến khích ĐMTMN tự sản tự tiêu. Trong đó, phải có quy định về thiết bị, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy… do các bộ chuyên môn quy định, Bộ Công thương làm chủ trì. Quy định này đơn giản và làm ngay thì mới có cơ sở để mua bán được. 

Tại Công điện số 38 ngày 15.4.2024 của Thủ tướng về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo, Chính phủ xác định năm 2024 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5 - 7) được dự báo tăng trưởng rất cao (lên đến 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%), riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Về tiến độ các dự án nguồn điện trong Quy hoạch và Kế hoạch Điện VIII, Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo việc lựa chọn nhà đầu tư, triển khai nhanh các dự án nguồn điện bảo đảm kịp thời bổ sung nguồn điện mới đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải hằng năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.