DIC Corp sau thanh tra thoái vốn, là vi phạm công bố thông tin

13/04/2023 18:16 GMT+7

Ngày 12.4, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có thông báo nhắc nhở chậm công bố thông tin thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành đối với Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp - mã DIG).

Thoái vốn nghìn tỉ trong vài phút, xôn xao dư luận

Theo HoSE qua rà soát hồ sơ báo cáo/công bố thông tin liên quan đến các đợt phát hành cổ phiếu của DIC Corp trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, HoSE nhận thấy công ty đã chậm công bố thông tin có sự thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết tại 3 đợt phát hành.

Cụ thể, lần 1 công ty phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu của Công ty CP du lịch và thương mại DIC (ngày kết thúc đợt chào bán cổ phiếu hoán đổi là 1.7.2020).

Lần 2, DIC Corp phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 (ngày kết thúc đợt phát hành là 31.3.2021). Lần 3, công ty phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (ngày kết thúc đợt phát hành là 9.6.2021).

"Căn cứ quy định pháp luật, HoSE nhắc nhở và đề nghị DIC Corp tuân thủ quy định pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán để đảm bảo quyền lợi của cổ đông", thông báo của HoSE nêu rõ.

DIC Corp sau thanh tra thoái vốn, lại vi phạm công bố thông tin  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp

DIC CORP

Trước đó, ngày 27.2, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTCP về việc bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2023, trong đó có việc thanh tra chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DIC Corp. Đoàn thanh tra gồm 9 thành viên do ông Nguyễn Đức Hương, Phó cục trưởng Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực III (Cục III) làm trưởng đoàn có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DIC Corp. Thời hạn thanh tra là 30 ngày làm việc.

Liên quan đến quyết định thanh tra, mới đây ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch DIC Corp đã có "tâm thư" gửi tới các cổ đông. Ông Tuấn cho rằng các nội dung liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được thanh tra, kiểm toán… và đã được các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ kiểm tra, hướng dẫn, tham gia ý kiến cũng như điều tra của Cơ quan công an kết luận DIC thực hiện theo đúng quy định và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

"DIC Corp rất mong quý cổ đông bình tĩnh trước tình hình nhiễu loạn thông tin hiện nay, an tâm và cùng tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp như thời gian qua", ông Tuấn trấn an các cổ đông.

Cơn "sóng thần" cổ phiếu DIG

DIC Corp xuất phát điểm là Nhà nghỉ Bộ Xây dựng được thành lập từ năm 1990, sau đó chuyển đổi mô hình thành Công ty Đầu tư xây dựng và dịch vụ du lịch (năm 1993) và Công ty Đầu tư phát triển - xây dựng (năm 2001).

Năm 2008, DIC Corp được chuyển đổi thành công ty cổ phần, với vốn điều lệ 370 tỉ đồng, trong đó Nhà nước thông qua Bộ Xây dựng chiếm chi phối (65,06%), cổ đông chiến lược Vina Capital (7,84%), còn lại là 27,1% thuộc về nhóm cổ đông khác. DIC Corp sở hữu quỹ đất tương đối lớn từ Vũng Tàu, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Hà Nam…

DIC Corp sau thanh tra thoái vốn, lại vi phạm công bố thông tin  - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của DIC Corp từ 2018 - 2022

V.A

Kể từ năm 2009 - 2016, DIC Corp liên tục phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Đáng chú ý, vào giữa năm 2015, DIC Corp đã chào bán riêng lẻ 19,9 triệu cổ phần, trong đó phát hành 15 triệu cho Vietnam Enterprise Investments Limited, quỹ thuộc Dragon Capital, và phát hành cho Công ty CP đầu tư phát triển Thiên Tân 4,9 triệu cổ phiếu (giá 10.600 đồng/CP). Công ty Thiên Tân là pháp nhân có nhiều liên hệ tới Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn. Tỷ lệ sở hữu của nhà nước thông qua Bộ Xây dựng lúc này giảm về 51,04%.

Tháng 12.2016, DIC Corp tiếp tục phát hành riêng lẻ 6,5 triệu cổ phiếu với giá bán 10.000 đồng/CP, phần lớn trong số đó (5 triệu đơn vị) bán cho ông Tuấn. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước theo đó tiếp tục giảm còn 49,65% và không còn là cổ đông chi phối tại DIC Corp. Tháng 11.2017, sau khi không còn là cổ đông chi phối, Bộ Xây dựng đã thoái toàn bộ 118,26 triệu cổ phiếu, tương ứng 49,65% cổ phần DIC Corp và DIC Corp chính thức chuyển sang công ty tư nhân.

Ngày 28.11.2017, DIC Corp có phiên giao dịch lịch sử. Theo đó, 128,4 triệu cổ phiếu DIG được giao dịch khớp lệnh, phần lớn ở mức giá trần, với tổng giá trị 2.468 tỉ đồng. Bộ Xây dựng thu về xấp xỉ 2.274 tỉ đồng cho thương vụ thoái vốn này. DIC Corp cũng thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi chỉ trong vòng vài phút trước khi kết thúc phiên ATC đã khớp lệnh xong. Lượng cổ phiếu DIG lập kỷ lục về khối lượng giao dịch cổ phiếu trong một phiên của lịch sử chứng khoán Việt Nam.

DIC Corp sau thanh tra thoái vốn, lại vi phạm công bố thông tin  - Ảnh 3.

Cổ phiếu DIG liên tục tăng trần trong năm ngoái đạt đỉnh 102.000 đồng sau đó lao dốc hiện chỉ còn 17.4000 đồng/CP

DIG

Không chỉ thương vụ thoái vốn, DIC Corp "gây bão" trên sàn chứng khoán vào cuối năm 2021. Khi đó hàng loạt nhà đầu tư đua nhau mua vào cổ phiếu DIG, sau khi cổ phiếu này liên tục tăng trần. 

Thực tế, có thời điểm DIG tăng gấp 4 lần sau 5 tháng, lên mức đỉnh 102.000 đồng/CP vào ngày 12.1.2022. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay DIG lao dốc liên tục và ngày 13.4 đóng cửa ở mức 17.400 đồng/CP.

Mức giảm gần 83% khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng, nhiều cổ đông bán tháo cổ phiếu. Công ty Thiên Tân - tổ chức có liên quan đến Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn đã liên tiếp bán ra cổ phiếu.

Tình hình khi đó khá thê thảm, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch DIC Corp và Công ty Thiên Tân bị công ty chứng khoán bán giải chấp tổng cộng gần 9 triệu cổ phiếu DIG từ 27.10 đến 1.11.2022. Đáng chú ý, trước đó, trong phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 12.10.2022, ông Tuấn đã có những chia sẻ về sự bất ngờ khi giá cổ phiếu DIG liên tục giảm. Ông khẳng định nếu giá cổ phiếu DIG sau ngày 30.10 vẫn dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, bản thân ông sẽ đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, khi còn chưa kịp thực hiện lời hứa đăng ký mua vào, ông Tuấn đã bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu.

Hiện tại, ông Nguyễn Thiện Tuấn nắm giữ hơn 46,8 triệu cổ phiếu DIG (tương đương 7,68% vốn điều lệ), Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Hùng Cường hơn 58,9 triệu cổ phiếu (9,67% vốn điều lệ). Công ty CP Địa ốc Him Lam hơn 30,4 triệu (4,99%) và Công ty Thiên Tân 28,6 triệu (4,7%).

Lợi nhuận năm 2022 giảm 81%

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 vừa công bố, trong năm 2022, DIC Corp đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 5.000 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.900 tỉ đồng. Tuy nhiên, công ty đạt doanh thu gần 1.900 tỉ đồng (38% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế hơn 191 tỉ đồng (giảm 81% so cùng kỳ 2021 và chỉ đạt 10% kế hoạch).

Trước đó, ông Nguyễn Thiện Tuấn từng khẳng định DIC Corp sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022. Tương ứng, lợi nhuận trước thuế quý 4/2022 phải đạt tối thiểu 1.700 tỉ đồng. "DIC Corp sẽ tính toán chuyển nhượng một loạt tài sản kinh doanh không hiệu quả. Khoản thu về tương đối lớn, hy vọng trong mấy tháng còn lại trong quý 4 sẽ cố đạt kế hoạch đề ra", ông Tuấn từng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.