Đề xuất mức thưởng cho nhà khoa học đạt giải thưởng Hồ Chí Minh có gì mới?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
01/05/2023 14:50 GMT+7

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có đề xuất về điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ cùng mức tiền thưởng.

Trong dự thảo Nghị định về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra các điều kiện để xét tặng giải thưởng cho nhà khoa học có thành tựu trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Nghị định này thay thế cho Nghị định 78 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ (năm 2014) và Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 78 (năm 2019).

Theo đó, nhà khoa học có 3 loại công trình nghiên cứu sẽ được đưa vào xét tặng giải thưởng, gồm công trình nghiên cứu khoa học, công trình nghiên cứu phát triển công nghệ và công trình ứng dụng công nghệ.

Đề xuất mức thưởng cho nhà khoa học đạt giải thưởng Hồ Chí Minh có gì mới? - Ảnh 1.

GS-TS Trần Doãn Sơn, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học-công nghệ với cụm công trình "Nghiên cứu đổi mới và phát triển công nghệ và thiết bị chế biến lương thực - thực phẩm và nông sản Việt Nam"

HÀ ÁNH

Dự thảo của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho các loại công trình nghiên cứu để được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước:

  • Công trình nghiên cứu khoa học: phải đáp ứng tiêu chuẩn là công trình đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao về khoa học, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ của đất nước. Kết quả nghiên cứu có phát minh mới hoặc là thành tựu khoa học nổi trội, tiêu biểu, hình thành hướng nghiên cứu mới, phát hiện mới về khoa học công nghệ và được công bố, trích dẫn trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế hoặc trong nước.
  • Công trình nghiên cứu phát triển công nghệ: phải giải quyết được những vấn đề then chốt để cải tiến, đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới hoặc được cấp bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích làm thay đổi phương thức lao động, sản xuất truyền thống hoặc cải thiện điều kiện và môi trường lao động.
  • Công trình ứng dụng công nghệ: cần được ứng dụng thành công và có hiệu quả trong các công trình trọng điểm quốc gia, sáng tạo ra công nghệ đặc biệt mang tính đột phá; có những cải tiến kỹ thuật, công nghệ đặc biệt quan trọng mang lại hiệu quả cao...

Cũng theo dự thảo, thời gian công trình được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất là 3 năm hoặc ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất một năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Đề xuất mức thưởng cho nhà khoa học đạt giải thưởng Hồ Chí Minh có gì mới? - Ảnh 2.

Dự thảo của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho các loại công trình nghiên cứu

H.T

Còn mức tiền thưởng cho tác giả công trình nghiên cứu là: gấp 270 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng giải thưởng cho mỗi công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; gấp 170 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng giải thưởng cho mỗi công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước.

So với quy định năm 2014, mức thưởng gấp 270 lần và 170 lần lương cơ sở là không thay đổi. Tuy nhiên mức lương cơ sở tại mỗi thời điểm lại có thay đổi. 

Chẳng hạn từ 1.7.2013 đến hết tháng 4.2016 lương cơ sở là 1,15 triệu đồng/tháng. Từ 1.5.2016 đến hết tháng 6.2017 là 1,21 triệu đồng/tháng. Từ 1.7.2017 đến hết tháng 6.2018 là 1,3 triệu đồng/tháng. Từ 1.7.2018 đến hết tháng 6.2019 là 1,39 triệu đồng/tháng.

Từ 1.7.2019 đến điểm hiện tại là 1,49 triệu đồng/tháng. Bắt đầu từ 1.7.2023 mức lương cơ sở sẽ là 1,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, tiền thưởng của các nhà khoa học khi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước sẽ tăng theo mỗi thời điểm mà mức lương cơ sở tăng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.