Đề xuất đưa 2 con voi về tự nhiên: 'Không phải cứ có tiền là chuyển được'

13/08/2023 17:23 GMT+7

Theo ông Lê Sĩ Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vườn thú Hà Nội, 2 cá thể voi đang được nuôi dưỡng chăm sóc tốt, nếu đưa về môi trường tự nhiên sẽ gặp nhiều rủi ro, thậm chí sẽ chết.

Ngày 12.8, Tổ chức Động vật châu Á (Animal Asia) có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội đề xuất phương án đưa 2 con voi ở vườn thú Hà Nội về vườn quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk).

Đề xuất đưa 2 con voi về tự nhiên: 'Không phải cứ có tiền là chuyển được' - Ảnh 1.

Hai chú voi đang được chăm sóc ở vườn thú Hà Nội

ĐÌNH HUY

Nội dung văn bản cho biết, khu chuồng nuôi voi tại vườn thú Hà Nội có diện tích rất chật hẹp, không đủ để đáp ứng các nhu cầu tự nhiên của voi... Voi cũng cần được tạo điều kiện để thực hiện các hành vi tự nhiên thiết yếu phù hợp với tập tính của loài. Qua đó, giúp cải thiện tình trạng phúc lợi của voi, để voi có thể trải nghiệm những trạng thái cảm xúc tích cực, giúp cho voi có được sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn.

Tổ chức Động vật châu Á cho rằng, phương án tối ưu nhất là chuyển 2 con voi này về rừng tự nhiên tại vườn quốc gia Yók Đôn (tỉnh Đắk Lắk) nơi tổ chức này đang thực hiện bảo tồn voi và tổ chức này sẵn sàng tài trợ chi phí vận chuyển, nếu đề xuất được chấp thuận.

Bất hợp lý khi thả voi về tự nhiên

Trao đổi với Thanh Niên về thông tin trên, ông Lê Sĩ Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vườn thú Hà Nội, cho biết đơn vị vẫn chưa nhận được thông tin từ Tổ chức Động vật châu Á và vườn quốc gia Yók Đôn. Tuy nhiên, đề xuất trên là bất hợp lý.

Theo đó, người đứng đầu vườn thú Hà Nội chỉ ra 3 điều bất hợp lý về đề xuất trên. Đầu tiên là 2 voi cái đã già, khoảng 60 - 70 tuổi, nên rất khó tái hòa nhập với tự nhiên. Hai con voi đã được vườn thú nuôi dưỡng hơn 10 năm nay, nếu ra tự nhiên voi không biết kiếm ăn, tự vệ và sống theo bầy đàn chúng sẽ chết.

Đề xuất đưa 2 con voi về tự nhiên: 'Không phải cứ có tiền là chuyển được' - Ảnh 2.

Mỗi ngày, một con voi có thể ăn hết 150 kg cỏ

ĐÌNH HUY

"Voi là loài có tập tính bầy đàn, voi mới vào không thể nhập được đàn, chúng lang thang một mình cũng sẽ không tốt cho con voi. Hơn nữa, mỗi con voi nặng hơn 2 tấn, nếu voi mới đánh nhau với voi cũ thì không biết điều gì sẽ xảy ra", ông Dũng nói và nhấn mạnh, phải tính đến cả trường hợp, voi khi đưa về khu bảo tồn không sao nhưng một thời gian nếu nó chết, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Thứ 2 là 2 cá thể voi đang có bệnh là chướng bụng đầy hơi, khi thời tiết chuyển mùa voi thường không ăn nên vườn thú phải can thiệp thú y trong nhiều năm nay. Thứ 3 là việc vận chuyển voi đi trên đường cũng gặp nhiều vấn đề.

Theo ông Dũng, trước đây, các cá thể voi được đưa về vườn quốc gia Yók Đôn là do những con voi này sống ở gần đó, đã quen môi trường ở đó nên không xảy ra nhiều vấn đề. Tuy nhiên, vận chuyển voi từ Hà Nội vào đó hàng nghìn km sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, xấu nhất là voi có thể chết trên đường.

Hai con voi được xích chân để không đánh nhau và an toàn cho người chăm sóc

ĐÌNH HUY

"Tổ chức Động vật châu Á dường như chưa tìm hiểu đặc điểm sinh học của 2 con voi này, nếu có rủi ro, voi sẽ chết trên đường bởi động vật hoang dã khi bị bắt nhốt vào chuồng khiến chúng bị căng thẳng rất cao. Đơn vị đề xuất cho rằng nếu hết bao nhiêu tiền vận chuyển họ sẽ trả, không phải cứ có tiền vận chuyển là xong đâu!", ông Dũng nói và cho rằng chuyển được voi về rừng vẫn chưa xong mà còn phải huấn luyện rất nhiều để voi tồn tại trong tự nhiên.

Đề xuất đưa 2 con voi bị xích chân ở Hà Nội về Đắk Lắk

Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vườn thú Hà Nội, hiện nay ở vườn thú Hà Nội chỉ còn duy nhất 2 con voi này, nếu được nuôi dưỡng trong điều kiện như hiện tại chúng có thể sống hàng chục năm nữa. Điều đó liên quan đến việc chịu trách nhiệm bảo tồn.

Đề xuất đưa 2 con voi về tự nhiên: 'Không phải cứ có tiền là chuyển được' - Ảnh 4.

Những con voi còn có giá trị về giáo dục rất lớn

ĐÌNH HUY

"Ở vườn thú Hà Nội, chức năng giáo dục bảo vệ môi trường rất lớn. Chắc chắn không phải em nhỏ nào cũng nhìn thấy voi ngoài đời, xem kích thước thế nào, âm thanh nó kêu ra sao mà chỉ nhìn qua sách báo, ti vi. Ở vườn thú thì các em có thể tận mắt nhìn thấy, có thể biết voi là một trong những loài hiện nay đang cần được bảo vệ. Đó là giáo dục trực quan", ông Dũng nói thêm.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.