Để gió cuốn đi: Trịnh với họa sĩ xứ Huế

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
01/04/2024 07:40 GMT+7

Dù nhận mình là đàn em "ở tầm quen biết chứ không thân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lắm", nhưng qua lời kể của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, có thể thấy ông là người có khá nhiều kỷ niệm với cố nhạc sĩ.

Một trong những kỷ niệm khó quên là lần ông ngồi cà phê cùng Trịnh trên đường Đoàn Thị Điểm. "Một buổi chiều hè trời chuyển sang thu vào khoảng năm 1973 - 1974, anh em chúng tôi ngồi chuyện trò tại một quán nhỏ trước cửa Hiển Nhơn (Đại nội Huế) thì một cơn gió kéo đến. Cánh phượng lả tả rơi. Một khung cảnh lãng mạn hiện ra trước mắt. Anh Sơn khen đẹp…", họa sĩ Đặng Mậu Tựu nhớ lại.

Trịnh Công Sơn là nguồn cảm hứng vô tận

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu nhiều lần gặp và có cơ hội tán gẫu với Trịnh Công Sơn khi nhạc sĩ vào thăm trường mỹ thuật và thăm nhà bạn thân là họa sĩ Đinh Cường. Một số lần lui tới Hội Văn học nghệ thuật Huế ở số 26 Lê Lợi, họa sĩ Đặng Mậu Tựu cũng gặp và lắng nghe các nghệ sĩ đàn anh như họa sĩ Bửu Chỉ, thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ… chuyện trò. Đáng nhớ nhất là vào năm 1973, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly tổ chức sự kiện âm nhạc để gây quỹ hỗ trợ sinh viên nghệ thuật nghèo.

Để gió cuốn đi: Trịnh với họa sĩ xứ Huế- Ảnh 1.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu - người có nhiều tranh được lấy cảm hứng từ âm nhạc Trịnh Công Sơn

Hoàng Sơn

"Và tôi đã được một suất học bổng. Trong lòng anh em họa sĩ, mỗi người nhớ về anh mỗi cách khác nhau. Riêng tôi, hình bóng anh Sơn cùng triết lý âm nhạc của anh là nguồn cảm tác cho nhiều bức tranh…", họa sĩ Đặng Mậu Tựu nhớ lại.

Xuất phát từ tình cảm và kỷ niệm với Trịnh Công Sơn, trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông Tựu đã dành nhiều toan, màu để họa nên những bức tranh như thể hiện sự ngưỡng mộ đối với nhạc sĩ. Trong đó, có các tác phẩm như: Hạ trắng, Mưa tháp cổ, Ngẫu nhiên, Người hát rong… Đặc biệt, từ cơ duyên chứng kiến cảnh phượng bay với nhạc sĩ trên đường Đoàn Thị Điểm năm ấy, họa sĩ Đặng Mậu Tựu đã vẽ bức tranh Mưa hồng như tựa bài hát của nhạc sĩ, nổi tiếng với ca từ "Đường phượng bay mù không lối vào". Bức tranh này đã được mang tham gia triển lãm Niệm, nhân tưởng niệm 15 năm ngày mất của cố nhạc sĩ (1.4.2001 - 1.4.2016). Niệm quy tụ 25 tác phẩm của 12 họa sĩ ở Huế, lấy cảm hứng từ con người và âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Thời điểm đó, chia sẻ với Thanh Niên, họa sĩ Đặng Mậu Triết (một họa sĩ xứ Huế khác cũng có nhiều tác phẩm về Trịnh) trải lòng rằng âm nhạc và con người nghệ sĩ Trịnh Công Sơn chính là nguồn cảm hứng vô tận cho những người mộ điệu, trong đó có giới họa sĩ. Có người là bạn, có người chỉ gặp hoặc cùng bữa rượu, cà phê… với nhạc sĩ một đôi lần, nhưng cũng có nhiều nghệ sĩ trẻ yêu quý ông qua âm nhạc, ca từ và triết lý phiêu du để lại.

Để gió cuốn đi: Trịnh với họa sĩ xứ Huế- Ảnh 2.

Bức Mưa hồng do họa sĩ Đặng Mậu Tựu vẽ lấy cảm hứng từ bài hát cùng tên của Trịnh Công Sơn

Hoàng Sơn

Để gió cuốn đi: Trịnh với họa sĩ xứ Huế- Ảnh 3.

Bức tranh Hạ trắng của họa sĩ Đặng Mậu Tựu được lấy cảm hứng từ ca khúc cùng tên

Hoàng Sơn

CHỜ MỘT TUYỆT TÁC

Suốt 23 năm qua, kể từ ngày người nhạc sĩ tài hoa rời xa cõi trần, giới họa sĩ ở đất cố đô đã có những triển lãm để tưởng niệm Trịnh Công Sơn trong mỗi lần giỗ ông. Là một họa sĩ lấy cảm hứng sáng tác qua những ca từ của Trịnh về hình ảnh loài ngựa như trong câu hát "Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa…" (Một cõi đi về), năm 2014, nhân tưởng niệm 13 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và 1 năm mở cửa Gác Trịnh, họa sĩ Đặng Mậu Triết cùng các đơn vị văn nghệ đã mở triển lãm Dấu chân ngựa về trưng bày 30 bức sơn dầu.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu kể thêm dù là một nhạc sĩ lớn nhưng Trịnh Công Sơn luôn sống trong lòng anh em họa sĩ Huế với hình ảnh một người đàn anh tài hoa, giản dị…

"Sự ra đi của nhạc sĩ để lại niềm nuối tiếc lớn nên 100 ngày mất của anh, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế và Phòng VH-TT TP.Huế tổ chức triển lãm tranh của 2 họa sĩ Đinh Cường và Bửu Chỉ để tưởng nhớ anh. 10 năm sau ngày mất, anh em họa sĩ Huế, trong đó có tôi, đã mở cuộc triển lãm Nhớ Trịnh Công Sơn ở Tạp chí Sông Hương trong không khí ấm cúng, rất xúc động…", ông Tựu nói. Sau đó, gia đình nhạc sĩ tiếp tục tuyển lựa một số tác phẩm để tổ chức thêm một triển lãm khác tại Huế.

Theo đánh giá của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên-Huế, họa sĩ vẽ tranh về Trịnh Công Sơn nằm trong nhóm người yêu thích âm nhạc và cuộc đời của ông, ban đầu khu biệt ở một số họa sĩ tương đối lớn tuổi. Sau đó, một số họa sĩ trẻ cũng bắt đầu lấy cảm hứng từ âm nhạc Trịnh Công Sơn để sáng tác. Từng tham gia hội đồng đánh giá các tác phẩm tại 2 cuộc vận động sáng tác mỹ thuật do gia đình cố nhạc sĩ tổ chức, ông Đức nhận thấy đó là hoạt động "đậm đặc nhất với tiêu chí cụ thể, chất lượng cao về Trịnh Công Sơn". Còn lại, những họa sĩ có sáng tác về nhạc sĩ, từ việc cảm nhận âm nhạc và vẽ lại thì "vẫn chưa đậm đặc".

"Chủ đề âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất trừu tượng, trong khi vẽ lại là cái gì đó cụ thể nên tôi e rằng sẽ không diễn tả hết tinh thần của ông. Ông viết về mưa, về Huế nhưng không bao giờ có câu từ nào đề cập cụ thể. Để chuyển đổi âm nhạc của ông qua ngôn ngữ thị giác là rất khó. Các họa sĩ vẽ vẫn khó lột tả được hồn cốt, tư tưởng âm nhạc Trịnh Công Sơn…", họa sĩ Nguyễn Thiện Đức nói. Ông cảm nhận nhạc của Trịnh là cái gì đó vời vợi, "nên khi vẽ sẽ dễ cạn". Hình ảnh thì minh họa nhưng âm nhạc của ông lại không minh họa.

"Tôi nghĩ không nên và đừng đặt một giới hạn nào, mà hãy cứ để những người yêu thích, mến mộ sáng tác tranh về Trịnh Công Sơn. Đến một điểm rơi nào đó, sẽ xuất hiện tuyệt tác mỹ thuật về ông", Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên-Huế nhận xét. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.