Dạy học 32 năm vẫn không được nhận 'phụ cấp thâm niên'!

10/05/2019 08:32 GMT+7

Nhiều trường hợp giáo viên nghỉ hưu nhiều năm ở Quảng Nam bị “vướng” khoản chi trả phụ cấp thâm niên, trong đó có cô giáo từng theo nghề 32 năm.

Cô Phạm Thị Tùy, nguyên giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) có 32 năm đứng lớp, ước tính khoản phụ cấp thâm niên khi nghỉ hưu gần 12 triệu đồng. Số tiền không lớn, nhưng với cô đó là niềm khích lệ, an ủi cho những ngày tháng gian nan dạy học, nhưng cô đã không được chi trả...
Cô Tùy từng dạy học tại Trường THCS Quỳnh Minh (H.Quỳnh Phụ, Thái Bình) năm 1974, đến năm 1975 được điều động chi viện cho sự nghiệp giáo dục tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ (nay là tỉnh Quảng Nam).
Ban đầu, cô được phân công dạy ở trường bổ túc văn hóa cho cán bộ, đến khi trường giải thể, cô tiếp tục được phân công về Trường THPT Phan Bội Châu (giai đoạn 1991 - 2006).
Trong quá trình giảng dạy, cô Tùy luôn được công nhận giáo viên giỏi có sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy. Tuy nhiên, tính đến nay đã 13 năm kể từ ngày nghỉ hưu, cô vẫn không được nhận khoản phụ cấp thâm niên với lý do Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Nam đưa ra: Không giảng dạy ở trường công lập.
Một số giáo viên tại Trường THPT Phan Bội Châu cũng không nhận được phụ cấp thâm niên, dù họ từng đứng lớp trên 20 năm. Cô Đỗ Thị Lan (giáo viên nghỉ hưu) cho biết nếu đối chiếu những điều khoản quy định ở Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg (quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu), cô và các đồng nghiệp khác đều đáp ứng đủ các yêu cầu. Tuy nhiên, sau gần 10 năm về hưu, cô vẫn không nhận được khoản tiền này.

Do chưa có hướng dẫn?

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng chế độ BHXH tỉnh Quảng Nam, cho biết ngoài 1.830 hồ sơ tiếp nhận và đã giải quyết, hiện vẫn còn khoảng hơn 70 hồ sơ đang “vướng”, trong đó có trường hợp của cô Tùy và những giáo viên ở Trường THPT Phan Bội Châu.
Mấu chốt nằm ở chỗ: các trường hợp này được cho là “nằm ngoài” Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg. Cụ thể, hiện chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan để giải quyết phụ cấp thâm niên cho các giáo viên tại thời điểm nghỉ hưu giảng dạy ở các trường công lập nhưng trước đó có thời gian công tác ở trường bán công, hoặc tại thời điểm nghỉ hưu giảng dạy ở trường bán công.
Theo đại diện BHXH tỉnh Quảng Nam, đơn vị chưa có cơ sở để giải quyết và chuyển thông tin đến Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam biết để có ý kiến đề xuất với Bộ GD-ĐT.
Trong khi đó, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết hệ trường bán công ở địa phương mang tính đặc thù, nên Chính phủ chưa có văn bản áp dụng cụ thể.
Sở GD-ĐT sẽ gửi tờ trình đến các cấp có thẩm quyển để xem xét giải quyết quyền lợi chính đáng cho giáo viên hưu trí ở hệ bán công. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là họ sẽ phải chờ đến bao giờ, khi nhiều người về hưu đã hơn 10 năm vẫn đang bị “treo” khoản phụ cấp ít ỏi.
Trường hợp cô giáo Đỗ Thị Lan, phía BHXH tỉnh Quảng Nam xác định cô thuộc diện giáo viên trường công lập đã chuyển sang hệ bán công trước khi nghỉ hưu. Nhưng theo cô, trong các quyết định điều động và nghỉ hưu, không có dòng nào ghi “giáo viên dạy bán công”.
Cụ thể, cô và những đồng nghiệp khác đều có quyết định về Trường THPT Phan Bội Châu từ trước năm 1990 và quyết định nghỉ hưu sớm nhất vào tháng 9.2010.
Được biết, THPT Phan Bội Châu là trường công lập có quyết định thành lập từ đầu năm 1980, sau đó được chuyển sang hệ bán công và chỉ thực hiện trong vòng 16 năm, từ tháng 8.1993 - 8.2009. Tất cả cán bộ, giáo viên đều hưởng lương, vẫn phải thực hiện đóng BHXH và các nghĩa vụ khác theo quy định. Đến năm 2010 lại chuyển trở lại trường công lập cho đến nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.