Dấu ấn cuộc đời: Theo cha và trưởng thành

04/02/2022 09:33 GMT+7

Ngày 18 tháng 6 năm 1965, chia tay ngoại, má và các em tôi lên đường vào chiến khu. Hôm đó, cha tôi về công tác ở vùng giải phóng Chánh Lưu - Nhà Đỏ, nay là xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương và luôn tiện đón tôi.

Từ nhà ở xã Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tôi cỡi chiếc xe đạp, trong mình quấn chặt chiếc võng nilon và dây dù, cùng một túi nhỏ, đạp xe một mạch đến Chánh Lưu mà không gặp một trở ngại nào. Khi đang đi trên quốc lộ 13, tôi chứng kiến một cuộc ném bom khủng khiếp của máy bay giặc Mỹ vào rừng Long Nguyên chỉ cách đường quốc lộ vài kilômét (sau này tôi mới hiểu đây là lần đầu tiên máy bay B-52 của giặc Mỹ ném bom rải thảm trên chiến trường miền Đông Nam Bộ). Vừa đạp xe tôi vừa tự nhủ thầm: mình mới bắt đầu vào chiến khu, chưa đánh đá gì mà nó (Mỹ) đã dằn mặt mình rồi.

Cha và mẹ Trung tướng Lưu Phước Lượng

ảnh tư liệu gia đình

Cha tôi và các chú, các anh cùng đi với ông đón tôi giữa một vùng giải phóng rộng lớn, ngay sát các căn cứ quân sự, cơ quan đầu não của quân đội Mỹ và chế độ Sài Gòn. Vậy là tôi đã bước vào một chân trời mới, thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi.

Cách mạng là gì?

Tôi nhớ, một hôm khi đang đào chiến hào cùng các anh trong tiểu đội, đồng chí Trung đội phó (sau này tôi mới biết là đảng viên dự bị, được phân công giáo dục, giúp đỡ tôi) nêu cho tôi một câu hỏi trực tiếp, anh hỏi rằng:

- Cậu có hiểu cách mạng là gì không? Tôi “đớ” người ra, thật lòng mà nói tôi hoàn toàn bất ngờ và không biết trả lời như thế nào! Sau đó anh ôn tồn, giải thích với tôi rằng: - Cách mạng căn bản là lao động, vì vậy hãy gắng sức lao động (đào hầm, tải gạo…) cùng với anh em. Và cho đến tận bây giờ, tôi cũng không thể giải đáp được thỏa đáng lời giải thích này. Sau này tôi được biết trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, anh đã chiến đấu anh dũng và hy sinh oanh liệt trên chiến trường.

Sau thời gian thực tập làm “línhˮ tại cơ quan Tỉnh đội Phước Thành, với thử thách đầu tiên là hứng chịu những đợt bom của địch khi Lữ đoàn dù 173 của Mỹ mở cuộc hành quân lớn vào rừng Đất Cuốc thuộc Chiến khu Đ, tuy không trực tiếp chiến đấu, nhưng tôi đã cảm nhận được sự ác liệt, hy sinh. Điều này vô cùng bổ ích cho tôi trong chiến đấu sau này.

Gần cuối năm 1966, sau khi tỉnh Phước Thành hoàn thành sứ mạng lịch sử, cha tôi được điều động về Miền và được bổ nhiệm làm Chính ủy của một đơn vị tên lửa đầu tiên trên chiến trường miền Nam. Cùng lúc đó, tôi cũng được cử đi học sửa chữa và lắp máy thông tin quân sự ở Phòng Thông tin Miền. Giống tâm trạng khi rời khỏi gia đình, không biết lúc nào tôi mới gặp lại ngoại và mẹ tôi. Giờ đây cũng không biết lúc nào tôi có thể gặp lại cha và các chị em tôi. Mỗi người đi mỗi ngả, giữa lúc cuộc chiến đấu với sự leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ đang đến hồi quyết liệt.

Lính dù thuộc Lữ đoàn 173 của Mỹ đang được thả xuống sân bay Kà Tum (Tây Ninh) trong cuộc càn Junction City

ẢNH: gETTY

Cuối năm 1966, tôi về đơn vị mới - Xưởng sửa chữa và lắp ráp máy thông tin (phiên hiệu là S3) thuộc Phòng Thông tin Miền. Đây là đơn vị huấn luyện, đào tạo những học viên được chiêu sinh từ các đơn vị khác nhau của chiến trường B2 (Nam Bộ và Khu 6). Tuy đến trường để học tập, mà trước hết là lao động xây dựng doanh trại, nơi ăn, ở, sinh hoạt, đặc biệt là hầm hố , chiến hào để chiến đấu tại chỗ và phòng chống bom, pháo. Nhưng tôi cảm nhận được mọi việc sẽ không đơn giản như vậy, sẽ có những trận chiến đấu ác liệt diễn ra trên khu vực này. Điều này ít nhiều, tôi đã nhận biết trong suốt quá trình đi về đơn vị mới, đặc biệt khi vượt qua khu vực Chiến khu Dương Minh Châu (vùng Bắc, Đông Bắc tỉnh Tây Ninh) với những dấu vết của bom pháo, các trận địa dã chiến, mà cuộc hành quân trước đó của lữ đoàn 196 của Mỹ để lại. Giờ đây với sự chuẩn bị chiến trường của cấp trên, việc lập kế hoạch và luyện tập kế hoạch chiến đấu tại chỗ bảo vệ căn cứ của cơ quan đã làm cho tôi càng tin vào suy nghĩ của mình. Không khí chuẩn bị cho chiến đấu, với các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, huấn luyện quân sự (gài, gỡ mìn, bắn súng, bắn máy bay, phối hợp và hiệp đồng các tổ trong chiến đấu…) đã làm cho tôi thực sự thích nghi, hòa quyện với quyết tâm và ý chí chiến đấu giết giặc lập công của cả cơ quan và đơn vị. Và tôi tự nhủ, phải chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để chiến đấu lập công ngay trong trận chiến ác liệt này.

Trong trận chiến ngày 3 tháng 3 năm 1967, riêng tiểu đội của tôi đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 30 tên địch, 3 đồng chí được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Tôi cũng vinh dự nhận được danh hiệu này. Trong báo cáo tổng kết về cuộc phản công chiến lược đánh bại cuộc càn Junction City của Mỹ có nêu: “Ngày 3 tháng 3 năm 1967, du kích xưởng thông tin S3 đã đánh phục kích địch ở bắc Kà Tum, loại khỏi vòng chiến đấu một đại đội và đánh thiệt hại nặng một đại đội thuộc lữ đoàn 173 của Mỹˮ. (còn tiếp)

(Trích Dấu ấn cuộc đời, NXB Quân đội Nhân dân).

Cha của Trung tướng Lưu Phước Lượng tên thật là Lưu Phước Anh (bí danh Lê Bình), sinh năm 1921 tại thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Hoạt động chiến trường miền Đông từ 1945 - 1985. Cấp bậc Đại tá, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Phước Thành, Chính ủy Trung đoàn tên lửa DKB, Chính ủy Bệnh viện K71A, Chính ủy Phòng Quân y Miền, Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu 7. Là tác giả của nhiều tác phẩm nội tiếng: Bệnh viện đánh giặc, Tình khúc miền Đông, Bốn mùa nhớ lại..

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.