Đặt túi ngực có gây nguy cơ tái phát ung thư vú?

Liên Châu
Liên Châu
20/01/2024 18:08 GMT+7

Các nghiên cứu được thực hiện lâu dài hiện không thấy có liên quan ung thư vú tái phát do đặt túi ngực.

Tọa đàm và khám tư vấn về tạo hình sau cắt vú ung thư được Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hôm nay 20.1.

Tại tọa đàm, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Quang Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 21.555 ca ung thư vú mới mắc, khoảng 9.000 ca tử vong. Số ca bệnh mắc trong 5 năm qua ước đạt 60.753.

Với hệ thống thiết bị đồng bộ và kinh nghiệm trong điều trị, tại Bệnh viện Bạch Mai, các ca mắc ung thư vú phát hiện rất sớm, tăng tỷ lệ được điều trị khỏi.

Đặt túi ngực có gây nguy cơ tái phát ung thư vú?- Ảnh 1.

Chuyên gia phẫu thuật tạo hình cho biết, các nghiên cứu hiện không thấy mối liên quan túi ngực với nguy cơ tái phát ung thư vú

MAI THANH

Về tiến bộ trong phẫu thuật điều trị ung thư vú, bác sĩ Hùng cho biết, một số nghiên cứu phẫu thuật bảo tồn bao gồm cắt một phần tuyến vú và xạ trị cho thấy kết quả điều trị không thay đổi so với cắt vú tận gốc; ít di chứng, thẩm mỹ cao, cải thiện chất lượng cuộc sống và tâm lý bệnh nhân sau điều trị.

Theo bác sĩ Hùng: "Phẫu thuật cắt vú tiết kiệm da, lấy đi toàn bộ tuyến vú, núm - quầng vú, sẹo sinh thiết (nếu có), chừa lại tối đa da vú, tái tạo vú tức thì là lựa chọn lâm sàng phổ biến hiện nay. Kỹ thuật này vẫn đảm bảo an toàn về mặt ung thư và thẩm mỹ".

Đảm bảo tối đa hiệu quả điều trị, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng di căn hạch với người bệnh ung thư vú. Trong đó, hạch lính gác là chặng hạch đầu tiên bị di căn. Nếu hạch lính gác không bị di căn thì phẫu thuật vú sẽ không cần nạo hạch nách, giúp tránh các di chứng phù nề, hạn chế cử động tay sau phẫu thuật.

Tạo hình vú sau cắt vú ung thư

Theo các bác sĩ, hiện điều trị phẫu thuật bệnh ung thư vú phát triển theo hai xu hướng chủ đạo, đó là phẫu thuật điều trị bệnh ung thư (cắt tuyến vú, phẫu thuật cắt bán phần tuyến vú) và kết hợp với các chiến lược tạo hình nhằm bảo tồn thẩm mỹ.

Đặt túi ngực có gây nguy cơ tái phát ung thư vú?- Ảnh 2.

Các túi ngực được lựa chọn phù hợp để đảm bảo thẩm mỹ

LIÊN CHÂU

Thông tin thêm về tạo hình vú cho các phụ nữ sau cắt vú ung thư, PGS - TS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai), cho hay với từng trường hợp cụ thể, các chị em sau cắt vú ung thư có thể được tái tạo vú bằng chất liệu nhân tạo hoặc tái tạo vú bằng mô tự thân.

Trong đó, phương pháp đặt túi độn ngực bằng silicone thường được sử dụng kết hợp với một túi giãn da để kéo dãn rộng mô da và cơ trước, có đủ da để bao phủ túi ngực. Chất liệu nhân tạo này có ưu điểm thời gian phẫu thuật và thời gian nằm viện ngắn.

Các bác sĩ cũng áp dụng phương pháp tạo hình vú ghép mỡ tự thân (hút mô mỡ từ bụng hoặc đùi và tiêm vào vị trí vú cần tái tạo). Thời gian nằm viện ngắn và hầu như không để lại sẹo. Tuy nhiên, với phương pháp này, sau phẫu thuật, lượng mô mỡ có thể tiêu.

"Do đó, việc ghép mỡ thường được phối hợp thêm với các phương pháp tạo hình vú khác để giúp điều chỉnh thể tích, hình thể vú tương ứng với sự mong đợi của cá nhân", bác sĩ Dung chia sẻ.

Trước một số băn khoăn về đặt túi ngực nhân tạo và ung thư vú, bác sĩ Dung cho hay, trên thế giới có một số báo cáo về biến chứng ung thư lympho tế bào lớn không biệt hóa sau khi đặt túi độn (túi bề mặt nhám lớn), tỷ lệ khoảng 0,3% trên 100.000 phụ nữ mỗi năm. Tuy nhiên, các báo cáo với cỡ mẫu còn nhỏ và cần được tiếp tục nghiên cứu thêm.

Với các ca tạo hình vú sau cắt vú ung thư, cho đến nay, các nghiên cứu được thực hiện lâu dài không thấy mối liên quan ung thư tái phát do đặt túi ngực.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.