Đạo diễn Xuân Phượng và những kỷ niệm với hoàng tộc

01/08/2022 06:32 GMT+7

Nhân 49 ngày mất nhà văn Lý Nhân Phan Thứ Lang - tác giả của nhiều quyển sách nổi tiếng như Sài Gòn vang bóng, Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng, Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng…, sáng 31.7, Saigon Books cùng Hội quán Các bà mẹ tổ chức buổi tọa đàm “Lý Nhân Phan Thứ Lang - Ngòi bút thăng trầm cùng những biến thiên lịch sử” tại Đường sách TP.HCM.

Từ phải qua: Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh (Saigon Books), đạo diễn Xuân Phượng và MC Thanh Thúy (Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ)

T.A

Cùng nhiều chia sẻ về những nội dung đáng lưu tâm từ các tác phẩm trên, cũng như kỷ niệm với nhà văn Lý Nhân Phan Thứ Lang của Chủ tịch HĐQT Saigon Books Nguyễn Tuấn Quỳnh, buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng bởi những câu chuyện về các giai thoại lịch sử của hoàng tộc, đặc biệt là những chuyện về Nam Phương hoàng hậu và vua Bảo Đại, được kể bởi diễn giả - đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng. Bà từng học tại trường Couvent Des Oiseaux (Đà Lạt) - ngôi trường do Nam Phương Hoàng hậu bảo trợ, từng gặp Hoàng hậu Nam Phương, tiếp xúc với vị hoàng đế cuối cùng ở cả VN và Pháp…

“Tôi năm nay gần 94 tuổi, một sự may mắn hoặc tình cờ của lịch sử, năm 17 tuổi tôi tận mắt chứng kiến việc vua Bảo Đại thoái vị ở Huế. Năm 37 tuổi, tôi - khi đó là đạo diễn, cùng đoàn làm phim quay cảnh ông Dương Văn Minh và nội các của ông từ giã dinh Độc Lập, Sài Gòn. Một người sống qua cả 2 giai đoạn ấy thì cũng thật là có nhiều chuyện cần chia sẻ với các bạn”, bà Xuân Phượng nói.

Trong hơn 2 giờ đồng hồ, nhiều sự kiện lịch sử gắn với vị hoàng đế cuối cùng của nước VN phong kiến đã được “tái hiện” sinh động, cảm xúc bởi chính âm giọng cuốn hút và lối kể chuyện mạch lạc của bà Phượng - người từ một bác sĩ, một phiên dịch đến phóng viên chiến trường rồi thành đạo diễn, chủ phòng tranh và nhà văn.

Bên cạnh đó, bà cũng “nhớ như in và hình dung rất rõ” những kỷ niệm với thái tử Bảo Long mà theo bà chia sẻ “tôi may mắn được các hoàng tử, công chúa rất quý”. “Bà hoàng hậu biết và thấy tôi được các con quý mến nên xin phép ngày thứ bảy, chủ nhật mời tôi đến Dinh II ở cùng với bà và Bảo Long, các công chúa để cùng học tập, vui chơi. Không khí thật cởi mở, bình đẳng chứ không phân biệt gì cả”, bà nhớ lại và cho biết thêm: “Sau này, trải qua biết bao biến động, đến năm 1991, rồi 1995 và nhiều năm nữa tôi sang Pháp (cho hoạt động triển lãm tranh của mình), thì có tìm ông Bảo Đại để thực hiện lời nhắn của mẹ mình “nếu con sang Paris thì nhớ đến chào ngài cho mẹ”. Ngày hẹn gặp, khi tôi bấm chuông, người mở cửa chính là ông Bảo Đại, vì trước đó tôi có giới thiệu mình là con bà Đốc Cán đến xin gặp ông. Sau bao nhiêu chuyện, tôi hỏi ngài có muốn về VN không, ngài bảo không, tôi muốn quên quá khứ… Đó là điều tôi nghe tận tai từ một vị vua cuối cùng của nước ta”.

Sau đó, bà Phượng gặp thái tử Bảo Long, hỏi và “câu trả lời cũng y như ông Bảo Đại…”. “Dù vậy, qua việc mình được gặp Bảo Đại và Bảo Long, tôi thấy rằng họ vẫn thiết tha với quê hương của mình, chỉ không biết con đường nào để có thể bước chân đi…”, bà Phượng chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.