'Đánh thức' đường sắt TP.HCM

28/02/2024 06:36 GMT+7

Không chỉ ưu tiên khép vành đai, nối cao tốc, TP.HCM cũng đang tăng tốc phát triển mạng lưới đường sắt hiện đại vận chuyển hàng hóa thông suốt, khẳng định vai trò đầu mối giao thương của toàn khu vực.

Rót hàng tỉ USD cho đường sắt

Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) đang xin ý kiến rộng rãi nội dung báo cáo giữa kỳ Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM do Liên danh Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía nam (TEDI SOUTH) và Trung tâm tư vấn đầu tư phát triển GTVT (CCTDI) xây dựng.

'Đánh thức' đường sắt TP.HCM- Ảnh 1.

TP.HCM đang muốn đưa đường sắt trở về “thời hoàng kim”

Nhật Thịnh

Theo đề xuất của liên doanh tư vấn, tại khu vực đầu mối TP.HCM sẽ quy hoạch 8 tuyến đường sắt gồm: Trảng Bom - Sài Gòn (Hòa Hưng) - Tân Kiên; Biên Hòa - Vũng Tàu; TP.HCM - Lộc Ninh; TP.HCM - Cần Thơ; tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (đoạn Thủ Thiêm - cảng hàng không Long Thành); tuyến Thủ Thiêm - Long Thành; TP.HCM - Tây Ninh; đường sắt kết nối cảng Hiệp Phước, cảng Long An. Tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM hiện có sẽ được tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu và từng bước đưa vào cấp kỹ thuật nhằm phát huy được vai trò chủ lực của vận tải đường sắt về hành khách và hàng hóa.

Đồng thời, nghiên cứu, đầu tư, khởi công xây dựng mới một số tuyến, ga đường sắt vành đai, tuyến kết nối cảng biển lớn đáp ứng yêu cầu về năng lực vận tải đường sắt cũng như khả năng khai thác kết nối liên thông các tuyến đường sắt trong khu đầu mối, tạo tiền đề cho việc từng bước chuyển đổi công năng các đoạn tuyến đường sắt quốc gia trong khu vực nội đô như: tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (đoạn Nha Trang - TP.HCM); tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối ra cảng Thị Vải, Cái Mép; tuyến TP.HCM - Cần Thơ; tuyến TP.HCM - Lộc Ninh; tuyến Thủ Thiêm - Long Thành…

TP.HCM sẽ có 8 tuyến đường sắt đi các tỉnh

Trước đó, trong đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến 2030 ban hành từ 2020, TP.HCM đã xác định để có thể đạt mục tiêu đến năm 2025 góp phần giảm chi phí logistics cả nước so với tổng sản phẩm nội địa từ 10 - 15%, cần phát triển mạng lưới đường sắt hiện đại vận chuyển hàng hóa thông suốt, kết nối các cảng biển quan trọng của TP.HCM và khu vực phía nam. Trong đó, có 5 tuyến đường sắt tốc độ cao cần được xây dựng theo quy hoạch kết nối TP.HCM đi Cần Thơ (dự kiến kéo dài tới Cà Mau), Tây Ninh, sân bay Long Thành (Đồng Nai), cùng tuyến đường sắt đôi chuyên dụng được nghiên cứu kết nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước (TP.HCM) và cảng Long An.

'Đánh thức' đường sắt TP.HCM- Ảnh 2.

Đường sắt được đánh giá là phương thức vận tải hàng hóa hiệu quả nhất

Khả Hòa

Thực tế, các tuyến đường sắt trên đều đã có trong quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013. Tuy nhiên đến nay, ngoài tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ đã rục rịch xúc tiến từ năm 2017 và tìm được nhà đầu tư, các tuyến còn lại gần như đang nằm ở bước nghiên cứu.

Ngược lại lịch sử, tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho là khởi nguồn của ngành đường sắt Việt Nam và đã từng là tuyến nhộn nhịp bậc nhất. Ngày 20.7.1885 đánh dấu sự ra đời của ngành đường sắt Việt Nam khi chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Đông đến ga cuối cùng tại trung tâm TP.Mỹ Tho. Tuyến đường sắt có tất cả 15 ga. Từ ga Sài Gòn, tức công viên 23 Tháng 9 (Q.1) hiện nay, đi qua An Đông, Phú Lâm, An Lạc, Bình Điền. Khi qua QL1, xe lửa dừng lại ở các ga: Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Cầu Voi, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Trung Lương và đến ga cuối Mỹ Tho nằm gần sông Tiền, gần tượng đài Thủ Khoa Huân ngày nay. Thời gian đi hết toàn tuyến khoảng 2 tiếng 30 phút, về sau được rút ngắn chưa tới 2 tiếng. Lợi thế thời gian đã giúp tuyến đường sắt thu về lãi "khủng".

Để phát triển hàng hóa thì đường sắt, đường thủy phải đi đầu bởi đây là phương thức vận chuyển khối lượng lớn, chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều so với đường bộ và hàng không… Đầu tư cho đường sắt, giải tỏa giao thông, khơi thông hàng hóa để kích hoạt kinh tế là việc cấp bách phải làm.

PGS-TS Chu Công Minh

Đến thập niên 1950, thời kỳ này xe hơi phát triển mạnh, hệ thống đường bộ Sài Gòn - Mỹ Tho cũng được đầu tư như xa lộ, nên người dân chuyển dần sang đi đường bộ để thuận lợi hơn. Có những ngày cả đoàn tàu chỉ có vài chục người đi, dẫn đến thua lỗ. Năm 1958, tuyến đường sắt này đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm cho ngưng hoạt động, kết thúc 73 năm tồn tại.

Từ đó đến nay, đường sắt qua TP.HCM chỉ có tuyến đường sắt độc đạo Bắc - Nam qua vùng khai thác với tốc độ thấp, giao cắt đồng mức nhiều, mất an toàn và bị đánh giá góp phần gây ùn tắc giao thông tại các khu vực đô thị trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Khơi thông hàng hóa, đột phá kinh tế

Đường bộ phát triển đến một giai đoạn cũng đã quá tải. Hiện nay, kết nối giao thông giữa TP.HCM với 7 tỉnh lân cận chủ yếu mới chỉ dựa vào một số tuyến đường cao tốc như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối các tỉnh phía đông; đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận kết nối các tỉnh miền Tây. Các dự án khác như tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc tuyến TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... hiện vẫn đang triển khai.

'Đánh thức' đường sắt TP.HCM- Ảnh 3.

Đường sắt được đánh giá là phương thức vận tải hàng hóa hiệu quả nhất

Theo Sở GTVT TP.HCM, ách tắc giao thông là nguyên nhân chính khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đi các tỉnh cao hơn so với các nước khác. Điều này dẫn đến hàng hóa xuất khẩu không cạnh tranh được, ảnh hưởng lớn đến kinh tế TP cũng như toàn vùng.

"Song song với khép kín hệ thống đường vành đai, mở rộng các quốc lộ hiện hữu thì việc mau chóng triển khai hệ thống đường sắt theo quy hoạch sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, tạo liên thông vùng, nâng vai trò đầu mối giao thương hàng hóa của TP.HCM cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng Đông Nam bộ", đại diện Sở GTVT TP nhận định.

PGS-TS Chu Công Minh (Trường đại học Bách khoa TP.HCM) cũng cho rằng nhu cầu vận tải hàng hóa và con người từ TP.HCM đi các tỉnh phía tây Nam bộ ngày càng tăng cao. ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản, hàng hóa lớn nhất cả nước, lại nằm kế trung tâm kinh tế lớn nhất nước như TP.HCM nên các tuyến đường cao tốc, đường bộ dù cho mở đến 6 - 8 làn cũng "trụ" được khoảng nửa năm là quá tải. Tương tự, phần lớn hàng xuất nhập khẩu phải trung chuyển đường bộ qua cảng Cát Lái ở TP.HCM và Cái Mép - Thị Vải của Bà Rịa-Vũng Tàu, tốn nhiều thời gian và chi phí. Hành lang TP.HCM - Đồng Nai và TP.HCM - Vũng Tàu hầu như chậm phát triển. Do đó, việc tăng cường giao thông kết nối bằng các phương thức vận tải khác là điều tất yếu phải làm.

"Để phát triển hàng hóa thì đường sắt, đường thủy phải đi đầu bởi đây là phương thức vận chuyển khối lượng lớn, chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều so với đường bộ và hàng không. Đáng buồn là hệ thống đường sắt và đường thủy tại TP.HCM hiện nay gần như bằng 0. Đầu tư cho đường sắt, giải tỏa giao thông, khơi thông hàng hóa để kích hoạt kinh tế là việc cấp bách phải làm", ông Minh nêu ý kiến.

'Đánh thức' đường sắt TP.HCM- Ảnh 4.

Giữ và mở rộng ga Sài Gòn

Tại quy hoạch, đơn vị tư vấn đề xuất 5 ga hành khách trung tâm/ga chính. Trong đó, ga Sài Gòn/Hòa Hưng là ga hành khách trung tâm của TP, tổ chức chạy tàu khách xuyên tâm theo hướng ga An Bình - Bình Triệu - Sài Gòn - Tân Kiên theo kiểu "con lắc" qua ga trung tâm.

Ga Sài Gòn cũng là ga trung tâm của các loại tàu khách: Bắc - Nam (khi tuyến đường sắt tốc độ cao nối vào trong khu vực đầu mối thông qua tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng hoặc tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu), tàu khách liên vận, tàu khách địa phương (vùng), tàu nội - ngoại ô. Theo định hướng này, nhà ga với tổng diện tích khoảng 6,85 ha sẽ trở thành tổ hợp gồm nhiều công trình như xây quảng trường bố trí cho ga metro, bến xe buýt, taxi, nơi đậu xe, nhằm phục vụ thu gom và chở khách. Tại khu vực ga không bố trí cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy toa xe do không có quỹ đất.

'Đánh thức' đường sắt TP.HCM- Ảnh 5.

Ga Sài Gòn đóng vai trò trung tâm

Nhật Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.