Đánh giá kỹ đề xuất dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau

Gia Bách
Gia Bách
14/03/2024 21:19 GMT+7

Làm việc với Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đề xuất xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau.

Ngày 14.3, đoàn công tác Cục Thủy lợi Bộ NN-PTNT đi kiểm tra thực tế tình hình nguồn nước, công tác chuẩn bị ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau.

Kiến nghị hỗ trợ 241,7 tỉ đồng thực hiện dự án cấp nước sạch sinh hoạt

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau) cho biết, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn đã xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Tại vùng ngọt hóa H.Trần Văn Thời đã có 131 tuyến kênh bị sụt lún, sạt lở với 550 điểm, tổng chiều dài hơn 14,5 km. Ước tính thiệt hại hơn 19 tỉ đồng.

Đánh giá kỹ đề xuất dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau- Ảnh 1.

Hiện tình trạng sụt lún tràn lan trên địa bàn H.Trần Văn Thời là hơn 14,5 km với 550 điểm, ước tính thiệt hại hơn 19 tỉ đồng

Đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 1.800 hộ gia đình ở các địa phương vùng ngọt bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt

Để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu và nâng cao điều kiện sống của người dân, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện đầu tư một số danh mục công trình, gọi chung là "Dự án cấp nước sạch sinh hoạt bức xúc khu vực nông thôn tỉnh Cà Mau", dự kiến khoảng 13.900 hộ dân được hưởng lợi, kinh phí đầu tư 241,7 tỉ đồng.

Đề xuất đưa nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau

Theo phân vùng, vùng bắc Cà Mau có tổng diện tích hơn 207.000 ha, chia thành 6 tiểu vùng. Trong đó, tiểu vùng II, III (còn gọi tiểu vùng U Minh Hạ, thuộc địa bàn H.U Minh và H.Trần Văn Thời, diện tích khoảng 90.000 ha) canh tác nước ngọt; còn lại đa phần hệ sinh thái ngọt - lợ (mô hình lúa - tôm), đan xen một số diện tích canh tác lợ.

Đánh giá kỹ đề xuất dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau- Ảnh 2.

Hiện H.Trần Văn Thời (Cà Mau) có hơn 80 tuyến kênh, rạch bị khô cạn, thậm chí trơ đáy

G.B.

Vào mùa khô, nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp theo các mô hình canh tác vùng bắc Cà Mau khoảng 200 triệu m3. Trong đó, vùng có khả năng tự cấp từ lượng nước trữ trên các kênh, rạch và trên diện tích ruộng của khu sản xuất khoảng 151 triệu m3, lượng nước thiếu hụt cần bổ sung khoảng 49 triệu m3.

Từ đó, Sở NN-PTNT Cà Mau đề xuất xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau. Việc dẫn nước ngọt thông qua hệ thống trạm bơm, việc tiếp ngọt sẽ thực hiện vào thời điểm cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng 1 năm sau cho vùng U Minh Hạ (tiểu vùng II và III bắc Cà Mau trên địa bàn H.U Minh và H.Trần Văn Thời). Chủ yếu bơm nước ngọt vào hệ thống kênh, rạch, bởi khi sản xuất vụ 2, nguồn nước mưa trên các tuyến kênh đã vơi dần. Nếu như tiếp ngọt lần 1 giải quyết nguồn nước cho mùa khô thì việc tiếp nước lần 2 diễn ra từ tháng 3 và 4.

Cùng với đó, xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đấu nối với dự án Quản lộ - Phụng Hiệp gồm có các hạng mục sửa chữa âu thuyền Tắc Thủ và các cống trên QL1A. Mục tiêu là chậm mặn (làm chậm quá trình xâm nhập mặn - PV), bổ sung nguồn nước ngọt về Cà Mau, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phòng chống cháy rừng vào mùa khô.

Trước mắt, Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ NN-PTNT sớm khởi động đầu tư hoàn chỉnh lại âu thuyền Tắc Thủ và một số cống (kinh phí khoảng 741 tỉ đồng) để điều tiết lấy nước từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé và kênh Quản lộ - Phụng Hiệp để cấp cho vùng ngọt hóa. "Việc lấy nước này ngoài việc phục vụ sản xuất còn giúp hệ thống kênh mương trong nội đồng không bị khô cạn, hạn chế sụt lún", ông Nguyễn Thanh Tùng nói.

Trước đề xuất trên, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó cục trưởng Cục Thủy lợi nói, đề xuất trên đã được các cơ quan khoa học của Bộ NN-PTNT và các cơ quan độc lập khác nghiên cứu. Và cần phải có nghiên cứu đánh giá thật kỹ khi triển khai thực hiện.

Theo ông Khanh, phải xác định việc thiếu nước ở Cà Mau, cũng như ĐBSCL là thường xuyên. Tuy nhiên, cũng cần tính đến hiệu quả của giải pháp đưa ra như 1 m3 nước từ sông Hậu về Cà Mau thông qua bơm điện thì giá trị bao nhiêu so với giải pháp tại chỗ, các công trình tích trữ nước nhỏ.

"Chúng tôi được biết Cà Mau đã phê duyệt đề án hỗ trợ người dân để đầu tư các công trình tích trữ nước quy mô nhỏ để phục nước sinh hoạt. Chúng tôi thấy giải pháp hết sức hiệu quả. Việc đưa nước từ sông Hậu về Cà Mau là vấn đề lớn, cần nghiên cứu tổng thể, toàn diện để đưa ra giải pháp hết sức phù hợp", ông Nguyễn Hồng Khanh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.