Dang dở giấc mơ 'kho vàng 4.000 tấn'

12/06/2016 07:16 GMT+7

Với cụ Tiệp, niềm tin vào sự thật về kho báu có 4.000 tấn vàng ở núi Tàu là 'không có gì lay chuyển'. Hãy để giấc mơ dang dở của cụ bay về trời cùng niềm tin trọn vẹn.

Với tôi và có lẽ rất nhiều người, cụ Trần Văn Tiệp là một con người khá đặc biệt. Tên tuổi cụ không chỉ gắn với câu chuyện huyền thoại về “kho vàng 4.000 tấn”, mà còn thể hiện ý chí, niềm tin mãnh liệt, quyết tâm bền bỉ...
Vào chiều thứ sáu (10.6), anh Trần Phương Hồng (con trai út của cụ Tiệp) điện báo một câu ngắn gọn: "Ông già mất rồi anh ạ". Trong hơn 10 năm theo sát quá trình tìm kiếm “kho vàng 4.000 tấn”, tôi chứng kiến một phong cách làm việc bền bỉ, dẻo dai và cẩn trọng của cụ Tiệp.
Còn nhớ cách nay khoảng 9 năm - lần đầu đến nhà riêng của cụ (ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) để tìm hiểu các tài liệu về kho báu, tôi hết sức ngạc nhiên về phương pháp lưu giữ hồ sơ, tài liệu rất kỹ lưỡng và khá khoa học. Tất cả những văn bản của các cơ quan chức năng, cụ lưu theo mốc thứ tự thời gian; đều được kẹp nhựa để chống hư hỏng. Riêng những “báu vật” như thanh kiếm của quân đội Nhật, “tấm bản đồ bằng da” chứa bí mật về kho báu... được cụ cất rất kỹ trong tủ hồ sơ. Dù mắt kém, nhưng hằng ngày cụ vẫn đọc báo, đọc tài liệu bằng sự trợ giúp của cái kính... lúp. Hiếm có ai có sức khỏe dẻo dai như cụ dù đã ở cái tuổi bách niên.
Cách đây chừng 5 năm thôi, khi ấy UBND tỉnh Bình Thuận giao cho Sở TN-MT chủ trì cùng các ngành thẩm định phương án tìm kiếm “kho báu” bằng phương pháp khoan thăm dò của cụ. Mặc dù phòng họp ở tầng hai, nhưng khi xe vừa đến nơi, cụ bước xuống và đi một lèo qua hai tầng cầu thang lên ngay phòng họp như một người còn trẻ khỏe. Trong cuộc họp đó, nhiều người còn bất ngờ chứng kiến khi thấy cụ phải đeo máy trợ thính nhưng vẫn liên tục nghe điện thoại để chỉ huy các con cháu, cộng sự ở “công trường” núi Tàu.
Hễ nghe đi núi Tàu là cụ khỏe ngay
Với cụ Tiệp, niềm tin vào sự thật về kho báu có 4.000 tấn vàng ở núi Tàu là “không có gì lay chuyển”. Cách đây 3 năm, khi anh Hồng chở cụ ra Phan Thiết để gặp chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị tỉnh tiếp tục cho gia hạn giấy phép khoan thăm dò, không hiểu con trai cho cụ ăn uống ở đâu, khi về nghỉ ở khách sạn cụ nôn thốc nôn tháo. Anh Hồng gọi cho tôi và nhờ: “Anh gọi xe cấp cứu giùm em. Ông già nôn ói, tiêu chảy ghê quá”. Chỉ ít phút sau, xe cấp cứu chở cụ đi bệnh viện. Hai người con trai cụ từ TP.HCM phải chạy ra ngay lập tức. Vậy mà sáng hôm sau, khi tôi tới thăm cụ bảo: “Đã khỏe rồi, đưa cụ lên gặp chủ tịch tỉnh để bàn về gia hạn giấy phép”. Anh Hồng, con trai út của cụ kể rằng: “Hễ nghe đi núi Tàu là cụ khỏe ngay, như không hề bệnh đau gì”.
Dù đã bỏ ra hàng nghìn lượng vàng trong mấy chục năm qua để tìm “kho vàng 4.000 tấn” ở núi Tàu cộng với kinh tế gia đình cũng khá giả nhưng cụ vẫn đi về từ núi Tàu - Phan Thiết - TP.HCM bằng chiếc xe Jeep cũ kỹ do chính con trai út làm tài xế. Có một lần hẹn làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận vào sáng sớm nhưng mới 9 giờ đêm hôm trước, cụ đã bảo anh Hồng chở đi Phan Thiết. Mới 4 giờ sáng, tôi nghe điện thoại Hồng gọi, nói “em đang đứng trước nhà anh”. Anh Hồng kể, khi nghe nói ra gặp chủ tịch tỉnh bàn về kho báu núi Tàu là cụ hối thúc phải đi sớm, sợ không kịp giờ. Do đến Phan Thiết còn quá sớm, tôi mời cụ vào nhà nằm nghỉ một giấc cho tới 6 giờ mới dậy. Nhưng hôm ấy Chủ tịch UBND tỉnh bận họp, không gặp được. Cụ lại bắt anh Hồng chở đi núi Tàu. Phải vận động mãi cụ mới chịu nghỉ ở Phan Thiết, không đi núi Tàu dưới trời nắng chang chang.
“Ông sẽ lấy hết vàng lên cho con coi”
Khi còn khỏe, cụ kể rằng: Từ năm 1954 đã có thông tin về kho báu và “ôm ấp” nó suốt những năm kháng chiến (cụ từng tham gia kháng chiến chống Pháp). Nhưng mãi đến năm 1991, quá trình tìm kiếm mới tiến hành với những phương pháp tối tân nhất được triển khai. Trong mấy chục năm tìm kiếm kho báu, có nhiều người tham gia giúp đỡ cụ. Trong đó có cả những người từng là lãnh đạo tỉnh, chẳng hạn như ông Tám Hiền (Lê Văn Hiền) - cố Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cũng dành nhiều năm liền theo cụ lên núi Tàu tìm vàng.
UBND tỉnh Bình Thuận, trong suốt mấy chục năm qua liên tục cấp phép, gia hạn, thu hồi, rồi lại cấp phép cho cụ tìm kiếm kho báu “khủng” này. Lý giải điều này, khi còn ở cương vị đứng đầu UBND tỉnh Bình Thuận, ông Lê Tiến Phương lý giải: “Thấy nghị lực của cụ Tiệp là phi thường. Dù mất khá nhiều tiền bạc, công sức nhưng chưa có kết quả, vậy mà cụ kiên trì theo đuổi việc tìm kiếm, nên tôi đã bàn với tỉnh tiếp tục cho cụ gia hạn...”.
Với niềm tin về "kho vàng", cụ cũng từng tuyên bố chắc nịch với tôi “chỉ trong năm nay thôi, ông sẽ lấy hết vàng lên cho con coi...”. Mục đích cuộc tìm kiếm kho vàng mấy chục năm qua của cụ chỉ với tâm niệm "lấy vàng lên cho ngân khố quốc gia" chứ cụ chẳng hề có động cơ gì khác. Tuy nhiên, ước muốn ấy chưa kịp thực hiện thì cụ đã bỏ kho báu để về trời.
Hãy để giấc mơ đẹp tìm “kho vàng 4.000” tấn của cụ bay về trời cùng niềm tin trọn vẹn.
Cụ Trần Văn Tiệp (Trần Phương Tiệp), 98 tuổi (sinh năm Kỷ Mùi - 1918, nhưng giấy tờ ghi sinh năm 1915) quê ở Hải Phòng. Lễ nhập quan lúc 7 giờ sáng 11.6 và động quan lúc 6 giờ 15.6. Sau đó được đưa đi an táng tại nghĩa trang Hoa Viên Bình Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.