Dân khổ vì bị chậm trả tiền bồi thường

29/03/2022 16:58 GMT+7

Hàng chục hộ dân ở Đắk Lắk gặp khó khăn do chậm được chi trả tiền bồi thường sau khi giao đất thực hiện dự án hồ chứa nước Yên Ngựa.

Bỗng dưng thành con nợ

Những ngày gần đây, nhiều hộ dân ở xã Cư Êwi, H.Cư Kuin (Đắk Lắk) bày tỏ bức xúc vì dự án hồ chứa nước Yên Ngựa trên địa bàn chậm chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Nhiều người cho biết trong buổi tiếp dân ngày 7.1.2022, lãnh đạo UBND H.Cư Kuin cam kết đến ngày 28.2 sẽ trả xong tiền đền bù đợt 5 nhưng không thực hiện khiến họ lâm cảnh khó khăn.

Một hạng mục thi công trên đất thu hồi của người dân tại dự án hồ Yên Ngựa

HOÀNG BÌNH

Gia đình anh Vũ Thanh Đông (34 tuổi, trú thôn 1B, xã Cư Êwi) có 1,5 ha đất thuộc diện thu hồi để thi công dự án, được áp giá bồi thường 2,5 tỉ đồng. Tin lời hứa của huyện cuối tháng 2 người dân sẽ nhận bồi thường, anh Đông vay hơn 1 tỉ đồng với lãi suất cao để tìm mua đất sản xuất nơi khác. Nào ngờ, qua đến tháng 3 vẫn chưa có tiền bồi thường, anh Đông phải vất vả làm thuê để trả lãi nóng. Hơn thế, vì phải giao lại đất rẫy cho dự án nên gia đình anh Đông không có thu nhập. “Trước đây, tôi canh tác tiêu, cà phê, điều, mỗi năm có lãi hơn 200 triệu đồng. Hiện rẫy đã bỏ hoang, không có nguồn thu nên phải đi làm thuê đủ nghề để trả lãi tiền vay. Việc dự án chậm chi trả bồi thường gây xáo trộn hoàn toàn cuộc sống của gia đình tôi”, anh Đông bức xúc nói.

Tương tự, những ngày qua, chị Vũ Thị Công (43 tuổi, cùng thôn 1B) cũng trong tình cảnh đứng ngồi không yên vì lo không trả được nợ. Gia đình chị Công có 1,1 ha đất, được tính giá bồi thường thu hồi hơn 2 tỉ đồng tại dự án hồ Yên Ngựa. Vì không còn đất, chị Công vay mượn hơn 1,5 tỉ đồng để mua đất nơi khác tái sản xuất. “Hiện số tiền lãi mà tôi vay nóng đã lên đến 200 triệu đồng. Mấy đêm rồi tôi không ngủ được vì lo. Nếu dự án càng chậm đền bù, số tiền lãi tôi phải trả còn tăng cao nữa”, chị Công giãi bày.

Dự án hồ Yên Ngựa được phê duyệt từ năm 2018, khởi công năm 2020, đầu tư từ nguồn vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ và một phần vốn của tỉnh Đắk Lắk. Hồ chứa có dung tích thiết kế hơn 3,1 triệu m3 nước, phục vụ cấp nước cho 750 ha cây trồng tại H.Lắk và H.Cư Kuin. Theo hồ sơ, chủ đầu tư dự án hồ Yên Ngựa đã đề xuất điều chỉnh từ tổng mức đầu tư ban đầu là 305 tỉ đồng lên 468 tỉ đồng; trong đó, chi phí GPMB tăng từ 47 tỉ đồng lên 181 tỉ đồng.

Ngoài ra, còn nhiều hộ dân khác có đất thuộc diện thu hồi tại dự án hồ Yên Ngựa chưa nhận kinh phí bồi thường, muốn đến nơi khác mua đất lập rẫy, làm vườn cũng bị “trói chân” vì chưa có tiền. Theo các hộ, ở thời điểm thu hồi đất mấy năm trước, giá đất sản xuất sang nhượng khoảng 50 - 70 triệu đồng/sào (sào 1.000 m2), còn hiện tại đã lên gần 200 triệu đồng/sào. Nếu giờ đây nhận tiền bồi thường thì cũng không thể mua được diện tích đất như lúc thu hồi vì giá đất đã lên cao.

Theo hồ sơ liên quan, đến nay UBND H.Cư Kuin phê duyệt phương án, thực hiện được 4 đợt bồi thường, hỗ trợ GPMB tại dự án hồ Yên Ngựa. Còn lại đợt 5 với 60 hộ, tổng số tiền bồi thường khoảng 38 tỉ đồng chưa thực hiện được.

Phải chờ vốn rót về

Trao đổi về vụ việc, ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND H.Cư Kuin, cho biết trong thông báo kết luận cuộc họp tiếp dân hồi tháng 1, ông trả lời sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn lập kế hoạch để phê duyệt phương án chi trả bồi thường cho người dân vào ngày 28.2. Tuy nhiên, huyện chỉ phê duyệt phương án, kinh phí chi trả là của ngân sách tỉnh, khi có tiền cấp về thì huyện chi trả nên bà con hiểu nhầm. “Tôi hứa những vấn đề về phê duyệt phương án bồi thường thuộc thẩm quyền của huyện, còn tiền là của tỉnh cấp về. Sau ngày 7.1, tôi cũng có tiếp dân thêm lần khác và đã giải thích để bà con hiểu rõ ý này”, ông Huy nói.

Ông Nguyễn Đình Thìn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk (đơn vị chủ đầu tư), cho biết hiện chi phí GPMB đã hết, ban đã đề xuất lên tỉnh để xin bố trí vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư. “Giờ thì phải chờ vốn bổ sung. Khi có vốn, chúng tôi sẽ triển khai chi trả đến bà con”, ông Thìn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.