Dân Hồng Ngự - khẳng khái, nghĩa tình

29/10/2022 11:00 GMT+7

Sinh ra và lớn tại vùng đất anh hùng huyện biên giới Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp với lịch sử 200 năm hình thành và phát triển, ấy vậy mà đi đâu tôi cũng bị người ta trêu chọc rằng: “Dân Hồng Ngự hong cự cũng ba gai”.

Không biết câu nói ấy xuất phát từ khi nào nhưng nó gắn cái “mác” cho người dân Hồng Ngự quê tôi. Nhưng với tôi người dân Hồng Ngự nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung đều có chung cái tính khẳng khái, nghĩa tình.

Những chuyến hàng đầy ắp nghĩa tình hỗ trợ dân vùng khó

tgcc

Nói một chút về lịch sử, Hồng Ngự ngày xưa là một vùng rộng lớn vừa đất liền và tiểu vùng cù lao thuộc 2 huyện Đông Xuyên và Kiến Phong tỉnh Định Tường. Sử sách ghi nhận tên gọi ban đầu của Hồng Ngự là Hùng Ngự, lâu dần “Hùng” nói trại thành “Hồng”. Là vùng đất phần nhiều là do dân lưu tán có nhiều nguồn gốc khác nhau đến lập nghiệp nên họ là những can trường, khí khách, không khuất phục bất công áp bức... Tinh thần này truyền đến các thế hệ sau, tạo nên nét riêng của cư dân miền biên giới.

Trải hơn hai thế kỷ, vùng đất Hồng Ngự ngày nay chính là sự kết tinh mồ hôi và xương máu, trí tuệ và bản lĩnh của nhiều thế hệ người địa phương, bắt đầu từ khai thác nguồn lợi tự nhiên rồi sản xuất nông nghiệp, từ bảo vệ lãnh thổ thời phong kiến đến cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ, người dân Hồng Ngự đã cùng với cả dân tộc bước vào thời đại mới, viết thêm những trang sử mới cho Tổ quốc Việt Nam.

Chắc có lẽ có chính cái khí phách hơn hẳn nơi khác mà người dân Hồng Ngự lại bị gắn “mác” ba gai, khó chịu. Nhưng với tôi, người dân Hồng Ngự lại mang đậm nét của người dân miền Tây, nó là tập quán sinh sống lâu đời với vùng sông nước, đó là tình làng nghĩa xóm, một nét đặc trưng gần gũi, thân thương và cũng đầy tự hào. Chẳng đâu xa, dịch bệnh Covid-19 dù đã lắng dịu và con người đã trở lại với cuộc sống bình thường mới. Nhưng gần 2 năm sống chung với dịch bệnh mới thấy được cái nghĩa, cái tình và cái chất Nam bộ của người dân nơi đây.

Tôi còn nhớ như in những ca dương tính với Covid-19 xuất hiện tại tỉnh Đồng Tháp rồi huyện biên giới Hồng Ngự là khoảng thời gian mà con người ta đã căng mình chống dịch, đó là hình ảnh của các anh chiến sĩ đứng dưới mưa, ngủ trên những chiếc ca nô hàng tháng trời để phòng ngừa người nhập cảnh trái phép từ biên giới Campuchia hay những cô gái, chàng trai tuổi đôi mươi phải căng mình dưới cái nắng 38 – 40 độ để kiểm tra thân nhiệt, mặc những bộ đồ bảo hộ ướt đẫm mồ hôi để kiểm tra, test nhanh khoanh vùng khi xuất hiện ca dương tính trong cộng đồng.

Những chiến binh áo xanh xông pha tác chiến khi có ca F0 trong cộng đồng

tgcc

Ai đã từng trải qua những tháng ngày chống chọi với dịch bệnh mới cảm nhận đầy đủ cái nghĩa tình của người miền Tây nói chung và dân Hồng Ngự nói riêng. Là điểm giao nhau giữa các tỉnh An Giang, Long An và nước bạn Campuchia nên tình hình kiểm soát dịch bệnh vô cùng khó khăn và những đợt tiếp nhận hàng nghìn người lao động tại TP.HCM tháo chạy về quê vì sợ dịch bệnh lại bùng phát. Đó là hình ảnh của những chiếc áo xanh tình nguyện, những chiến sĩ công an, những anh bộ đội trong trang phục bảo hộ phát từng ổ bánh mì, từng chai nước suối, nơi đói lòng có cả một tấm lòng rộng lớn đón chờ...

Tôi từng nhớ có một bạn trẻ làm Đoàn Thanh niên xã từng phát biểu: “Không biết họ là trai hay gái, già hay trẻ, nghèo hay giàu, là người An Giang, Kiên Giang hay Đồng Tháp miễn là đến với xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự thì nơi đó là nhà của họ... Bọn em sẽ sẵn sàng hỗ trợ như người thân trong gia đình, bằng sức người, sức của sẽ hỗ trợ để người dân an tâm vì họ đã vất vả nhiều rồi!”. Thật sự khi nghe câu nói ấy, tôi có chút chạnh lòng xen lẫn chút tự hào về người dân Hồng Ngự quê tôi.

Ba gai đâu chẳng thấy, nóng tính đâu chẳng biết, cái mà tôi thấy đó chính là nghĩa tình lớn lao được vun đắp bằng tình dân tộc nghĩa đồng bào. Những chiếc mùng, chiếc mền được san sẻ cho nhau, những gói mì, thùng sữa hay những suất ăn sáng được các bạn trẻ ở khắp nơi chuẩn bị hỗ trợ. Hành trình về quê của những người con tha hương khi ấy không thiếu sự đồng hành của những con người đầy ắp nghĩa tình, nào là “nước uống miễn phí”; “bánh mì 0 đồng”; “cơm chay 0 đồng”; có nơi còn có “trạm xăng 0 đồng”… Họ không phải giàu có về vật chất, mà họ là những sống hết mình, biết yêu thương chia sẻ khó khăn. Chứng kiến cảnh 2 ông bà hơn 70 tuổi đạp chiếc xe đạp cũ kỹ chở theo hàng hóa và đứa cháu trai mới 5 tuổi từ TP.HCM về Hồng Ngự, con đường nó xa hơn ngày thường, nó vất vả hơn ngày thường gấp 100, gấp 1.000 lần nhưng họ vẫn muốn trở về quê hương vì nơi đây có mọi người, có chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ, giúp đỡ họ.

Trong suốt 4 tháng liền dịch bệnh bùng phát, cuộc sống con người ta bị đảo ngược, kinh tế bị đình trệ, đầy mất mát đau thương nhưng ở đó ta vẫn thấy nụ cười của niềm tin, ý chí kiên cường và nghĩa tình của người dân miền Tây nói chung, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Những chuyến hàng chở nặng cá, rau vượt sông Tiền để hỗ trợ hàng trăm người dân sinh sống bị biệt lập với xã hay những cô giáo mầm non chưa một lần làm việc nặng phải đi hái bắp, bẻ rau, chở đến từng nhà hộ dân, khu cách ly tập trung. Dù cái nắng cháy da không chịu tha ngày nào cũng không làm sờn ý chí của những nữ nhà giáo vùng biên. Ở đó nghĩa tình giữa người với người cao hơn những nỗi ám ảnh của F0, F1 và nó ở lại phía sau khi sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân và những chiến binh áo xanh mùa dịch.

Rồi dịch bệnh cũng qua đi, con người ta lại trở về với cuộc sống đời thường nhưng không ai có thể quên được những tháng ngày vất vả, đau thương đó. Nhưng trong đó người ta lại nhớ nhiều hơn những tiếng cười, sự sẻ chia trong lúc khó khăn với nhau. Giờ đây khi gặp người dân trong xã, người ta hay nhắc: “Chèn ơi! Nhờ thằng Trung với mấy đứa nhỏ, mới sống được qua cái dịch, nghĩ lại thôi cũng đã thấy ớn!”; “Mùa dịch chắc vất vả lắm hả Trung, chạy suốt vì bà con... thím chờ con mời ăn thịt uống rượu lắm đó”; “Dịch bị cách ly hong nhờ con chắc gia đình chú thím cũng vất vả, đúng là mùa dịch người ta mạnh mẽ và gan lỳ”; “Đợt dịch không sợ bị Covid-19 hả Trung? Ở đâu cũng thấy mày hết…”…, đó là những cái tình mà bà con dành tặng cho tôi lúc cuộc sống đã bình thường mới. Nó là ký ức vất vả nhất của chàng trai ngoài tuổi 30 như tôi nhưng nó cũng chính là minh chứng cho dân “Hồng Ngự” không có ba gai, không có nóng tính, khó chịu mà người dân Hồng Ngự cũng ấm áp, khảng khái, nghĩa tình như bao người dân khác của các tỉnh miền Tây sông nước.

Chiều nay ngồi bên bếp lửa với những chú chuột đồng thơm phức và nồi cơm vừa chín nóng hổi làm cái bụng tôi lại đói cồn cào và thèm ăn. Tôi nhanh miệng: Nhanh tay một chút đi thím bảy, đợi nướng xong hết đống chuột chắc con đói rã xương.

Bà thím đáp lại tôi một câu xanh rờn: Đúng là dân Hồng Ngự!

Ủa là sao ta?…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.