Dân bị thu hồi đất tại Khu đô thị mới Cam Lâm được học chuyển đổi nghề

01/02/2023 21:05 GMT+7

Tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức đào tạo nghề cho các lao động bị thu hồi đất trong quá trình đô thị hóa tại các khu đô thị mới ở H.Cam Lâm và TP.Cam Ranh tập trung vào các nghề tài chính ngân hàng, dịch vụ du lịch và nhà hàng, khách sạn...

Ngày 1.2, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuấn vừa ký quyết định phê duyệt đề án hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn H.Cam Lâm và TP.Cam Ranh.

Mục tiêu của đề án là giúp những người lao động bị thu hồi đất trong quá trình đô thị hóa được học nghề, có việc làm, có thu nhập và cuộc sống tốt hơn. Đồng thời đảm bảo cung cấp nhân lực qua đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Khánh Hòa: Người lao động bị thu hồi đất tại H.Cam Lâm sẽ chuyển sang học nghề tài chính, ngân hàng, dịch vụ, du lịch... - Ảnh 1.

Một góc H.Cam Lâm hiện nay

H.L

Những hỗ trợ người bị thu hồi đất

Dự kiến nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm khoảng 700 tỉ đồng (bao gồm nguồn vốn địa phương và nguồn vốn Trung ương).

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, những lao động bị thu hồi đất thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề giải quyết việc làm khi còn trong độ tuổi lao động theo quy định hiện hành. Những lao động này được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất.

Người lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ một lần cho từng nội dung hỗ trợ, gồm: hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đề án, tổng số người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng do quá trình thực hiện đô thị hóa theo quy hoạch tại H.Cam Lâm và TP.Cam Ranh là 70.975 người. Trong số này, lao động có độ tuổi, trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu tuyển vào làm việc trong các doanh nghiệp là rất ít.

Trong khi đó, để đạt được mục tiêu phát triển các ngành kinh tế trong Khu đô thị mới Cam Lâm sẽ phải đảm bảo cung cấp lao động cả về lượng và chất. Do đó UBND tỉnh Khánh Hòa dự báo lực lượng lao động dự kiến sẽ thay đổi từ nay đến năm 2045. Trong đó, cơ cấu lao động sẽ chuyển dịch mạnh từ nông - lâm - ngư nghiệp sang khu vực dịch vụ - thương mại và công nghiệp - xây dựng. Khu vực dịch vụ, thương mại và du lịch sẽ trở thành nguồn chính của việc làm trong tương lai.

Do đó việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động chuyển đổi nghề nghiệp sẽ tập trung ở các nghề tài chính ngân hàng, dịch vụ du lịch và nhà hàng - khách sạn để cung cấp lao động cho khu vực dịch vụ và du lịch, đào tạo các nghề công nghệ - kỹ thuật nhằm phục vụ cho khu vực công nghiệp và xây dựng. Bên cạnh đó cũng phải đào tạo các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp công nghệ cao cho các lao động ở nhóm có độ tuổi lao động cao để phát triển các nghề truyền thống, buôn bán, dịch vụ nhỏ lẻ và khu vực quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao.

Khánh Hòa: Người lao động bị thu hồi đất tại H.Cam Lâm sẽ chuyển sang học nghề tài chính, ngân hàng, dịch vụ, du lịch... - Ảnh 2.

Phối cảnh Khu đô thị mới Cam Lâm trong tương lai

T.L

Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp tối đa 3 triệu đồng/người bị thu hồi đất/khóa học (6 triệu đồng đối với người khuyết tật), hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học và tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo cách xa nơi cư trú hơn 15 km (300.000 đồng đối với người khuyết tật/5 km).

Cùng với đó, người lao động bị thu hồi đất còn được hỗ trợ việc làm trong nước thông qua hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa. Doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thuộc Khu đô thị Cam Lâm ưu tiên tuyển dụng lao động sau khi được đào tạo nghề.

Đối với đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ học phí cho một khóa học (tối đa không quá mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP).

Ngoài ra, người lao động bị thu hồi đất được ưu tiên bố trí việc làm tại chỗ - nơi hộ gia đình có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án hoặc từ những hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp xã thông qua chính sách việc làm công theo quy định. Người lao động bị thu hồi đất còn được hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP với mức hỗ trợ vay vốn tối đa là 100 triệu đồng/người...

Các phân khu thuộc đồ án quy hoạch 

Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045 đã được HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua có tổng diện tích trên 54.719 ha, thuộc 14 đơn vị hành chính của H.Cam Lâm và một phần TP.Cam Ranh.

Tính chất là đô thị sân bay tầm cỡ quốc tế, phát triển mô hình đô thị thông minh, là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học; trung tâm dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí cấp quốc gia; đô thị phát triển bền vững tiền đề phát triển công nghệ xanh, sinh thái, thân thiện với môi trường... Quy mô dân số đến năm 2030 là 320.000 người, đến 2045 đạt 770.000 người.

Về định hướng phát triển không gian, đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm có 7 phân khu chức năng, gồm: Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh; phân khu đô thị sinh thái, dịch vụ công nghiệp; phân khu sinh thái đẳng cấp quốc tế; phân khu đô thị trung tâm; phân khu ở, vui chơi giải trí quốc tế; phân khu dân cư, du lịch sinh thái và phân khu ở, sinh thái Hòn Bà.





Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.