Đại học Quốc gia Hà Nội thí điểm 'học sớm đại học' ở 4 trường THPT

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
17/04/2024 18:39 GMT+7

Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến lựa chọn học sinh THPT có tài năng thuộc đại học này đăng ký học tích lũy một số học phần của chương trình đào tạo trình độ đại học.

Chiều nay 17.4, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo về Chương trình ươm tạo tài năng bậc THPT.

Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo về Chương trình ươm tạo tài năng bậc THPT

Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo về Chương trình ươm tạo tài năng bậc THPT

ĐHQGHN

Chương trình ươm tạo tài năng từ bậc THPT tại Đại học Quốc gia Hà Nội (Chương trình VNU 12+) được xây dựng để lựa chọn học sinh THPT có tài năng thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đăng ký học tích lũy một số học phần của chương trình đào tạo trình độ đại học trong danh sách các chương trình được Đại học Quốc gia Hà Nội công bố.

Chương trình dự kiến được áp dụng thí điểm từ năm học 2024 - 2025, trước hết dành cho học sinh các trường THPT thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện có 4 trường: THPT chuyên Khoa học tự nhiên, THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn, THPT chuyên Ngoại ngữ, THPT Khoa học giáo dục.

Dự kiến tháng 5 tới, các đơn vị trong toàn Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức ngày hội hướng nghiệp dành cho học sinh, phụ huynh học sinh để giới thiệu về chương trình.

Theo dự thảo Quy định đào tạo thí điểm Chương trình VNU 12+ được công bố tại hội thảo, học sinh tham gia chương trình sẽ được rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc đại học trên cơ sở được định hướng nghề nghiệp sớm; đồng thời có cơ hội tiếp cận các chương trình học bổng quốc tế, tăng tỷ lệ thành công khi học đại học.

Học sinh tham gia Chương trình VNU 12+ là học sinh THPT hệ chuyên và không chuyên ở các trường THPT thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tuy nhiên, học sinh phải đáp ứng một trong các điều kiện: đã và đang là thành viên đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; đạt giải trong kỳ thi Olympic bậc THPT tại Đại học Quốc gia Hà Nội (đối với học sinh THPT chuyên) hoặc đạt giải ba trở lên trong kỳ thi Olympic bậc THPT tại Đại học Quốc gia Hà Nội (đối với học sinh THPT không chuyên).

Kết quả học tập trong năm học lớp 10 (đối với học sinh THPT chuyên) hoặc kết quả học tập trong năm học lớp 10 và học kỳ 1 lớp 11 (đối với học sinh THPT không chuyên) đạt mức tốt và đạt trình độ ngoại ngữ từ bậc 2 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Cũng theo dự thảo, học sinh THPT tham gia chương trình được ưu tiên xét tuyển vào các chương trình đào tạo trình độ đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội trong năm tốt nghiệp THPT nếu tích lũy trước tối thiểu ba học phần theo đúng Quy chế đào tạo đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngoài ra, học sinh phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của nhóm ngành, ngành, chương trình đào tạo trong năm tuyển sinh theo quy chế tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như đạt khi phỏng vấn của tiểu ban chuyên môn.

Hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo

Về kinh phí đào tạo, ngoài học phí do học sinh đóng theo quy định và các nguồn tài trợ, Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo dành cho Chương trình VNU 12+.

Về chính sách học bổng, Đại học Quốc gia Hà Nội và đơn vị đào tạo ưu tiên phân bổ học bổng cho học sinh tham gia chương trình. Các mức học bổng bao gồm: miễn 100% học phí hoặc miễn một phần học phí. Trường hợp học sinh có tài năng xuất sắc và có cam kết học tập sau khi tốt nghiệp THPT tại đơn vị đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc đơn vị đào tạo có thể cấp thêm các học bổng hỗ trợ đào tạo khác.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của giảng viên tham gia chương trình.

Phát biểu tại hội thảo, GS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng việc thay đổi mô hình đào tạo phổ thông năng khiếu của Đại học Quốc gia Hà Nội là rất quan trọng. Một trong những hướng đổi mới là phải định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh THPT hệ chuyên của Đại học Quốc gia Hà Nội bằng cách tư vấn, hỗ trợ học sinh học sớm một số học phần trong chương trình đào tạo đại học và ưu tiên xét tuyển các học sinh này khi các em có mong muốn tiếp tục học đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cũng theo GS Lê Quân, mô hình đào tạo tài năng THPT liên thông đại học là mô hình đang được các quốc gia tiên tiến trên thế giới thực hiện, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.