Đà Nẵng đề xuất chính thức lập cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, hướng tới 'Thành phố 4 an'

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
02/01/2023 11:23 GMT+7

Cùng với TP.HCM và Bắc Ninh , TP. Đà Nẵng đã thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP), qua 5 năm tập trung về một đầu mối quản lý ATTP đã phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng 'Thành phố 4 an'.

Trong chương trình “Thành phố 4 an” (An ninh trật tự, An toàn giao thông, An toàn thực phẩm, An sinh xã hội) của Đà Nẵng, ATTP là trụ cột quan trọng hướng đến xây dựng thành phố thông minh.

Ngư dân khai báo nguồn gốc hải sản

Cuối tháng 12.2022, cập cảng cá Thọ Quang (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), ông Trần Văn Tài (chủ tàu cá Quảng Ngãi) lập tức thực hiện thủ tục kê khai với Ban quản lý về nguồn gốc xuất xứ hải sản vừa đánh bắt được ở ngư trường Trường Sa. Ông Tài cho hay, đây là công việc thường xuyên, dần dần trở thành thói quen của các tàu cá đánh bắt, cập bờ tại Đà Nẵng.

“Đà Nẵng là nơi đầu tiên nói tôi phải lập kê khai này, để thương lái và người tiêu dùng biết rõ sản phẩm đó được đánh bắt ở vùng biển nào. Với thông tin rõ ràng, họ sẽ mạnh dạn thu mua, giao dịch cũng thuận lợi hơn”, ông Tài nói.

Mỗi năm, có khoảng 90.000 tấn hải sản nhập vào thành phố qua cảng cá Thọ Quang. Để quản lý ATTP, Ban quản lý ATTP TP.Đà Nẵng phối hợp Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang kiểm soát địa điểm nhập, phân phối tại Chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang.

Lãnh đạo TP.Đà Nẵng và Ban quản lý ATTP kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang

NGUYỄN TÚ

Các cơ quan này cũng cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP hoặc ký cam kết đảm bảo ATTP cho 320 hộ kinh doanh tại chợ. Hàng hóa nhập vào chợ đầu mối đều phải kê khai tọa độ đánh bắt, nguồn gốc, xuất xứ nuôi trồng thủy sản; tổ chức lấy mẫu thủy sản giám sát tồn dư kim loại nặng, vi sinh vật.

Giai đoạn 2018 - 2021, các đơn vị đã lấy 357 mẫu, kết quả có 329 mẫu đạt (92,16%), 28 mẫu không đạt do có hàm lượng kim loại nặng vượt giới hạn cho phép.

“Đặc thù chủ tàu cá, người buôn bán là những người lao động nên việc hướng dẫn, đăng ký kê khai vẫn gặp phải sự e dè, khó hiểu. Tuy nhiên, khi hiểu rõ mục đích của việc làm này, mọi người đều vui vẻ chấp hành. Bởi việc truy xuất nguồn gốc rất có lợi cho họ”, đại diện Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho hay.

BQL ATTP TP.Đà Nẵng thành lập năm 2017 trên cơ sở hợp nhất chức năng, nhiệm vụ quản lý ATTP của 3 sở Y tế, Công thương và NN-PTNT (tương tự TP.HCM). Theo ông Nguyễn Tấn Hải, mô hình Ban quản lý ATTP tinh gọn, hiệu quả; khắc phục được các hạn chế về phối hợp giữa các sở, ngành, đồng thời tập trung đầu mối quản lý ATTP đối với tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Quét mã QR kiểm tra thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn

Việc kê khai, truy xuất nguồn gốc cũng được thực hiện tại 19/66 chợ đạt mô hình bảo đảm ATTP trên địa bàn TP.Đà Nẵng.

Đơn cử, tại chợ đầu mối Hòa Cường (Q.Hải Châu), nơi cung cấp hơn 300 tấn rau, củ, quả/ngày, gần 300 tiểu thương đã được tập huấn, ký cam kết; hơn 130 camera được lắp đặt để đảm bảo việc quản lý, truy xuất hàng hóa, từ đó đóng góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo ATTP tại thành phố.

“Đáng nói, đảm bảo ATTP hiện nay là bài toán khó do lượng thực phẩm lưu thông qua hệ thống chợ dân sinh, chợ truyền thống vẫn chiếm đến 70%. Đây là trở ngại lớn đối với công tác quản lý, kê khai, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhằm đảm bảo ATTP trên địa bàn”, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban quản lý ATTP TP.Đà Nẵng, cho biết.

Sau TP.HCM, Đà Nẵng là địa phương thứ hai được Thủ tướng cho phép thí điểm mô hình Ban quản lý ATTP tập trung từ năm 2017

nguyễn tú

Do đó, tại Đà Nẵng, Ban quản lý ATTP thí điểm ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc đối với 2 nhóm thực phẩm là thịt heo và thịt bò. Khi mua thực phẩm, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR trên sản phẩm sẽ biết được sản phẩm này có xuất xứ ở trang trại nào, thời gian, địa điểm giết mổ.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm là một trong các hợp phần xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030. Giai đoạn 1, Ban quản lý ATTP TP.Đà Nẵng thí điểm ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc đối với 2 nhóm thực phẩm là thịt heo và thịt bò.

Trước mắt, sản phẩm truy xuất nguồn gốc hàng hóa được triển khai thí điểm tại 4 chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa thịt heo, thịt bò nhập khẩu trên địa bàn. Hiện đã có 3 nhà cung cấp thịt heo và 1 nhà nhập khẩu thịt bò tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Gắn mã QR phục vụ việc truy xuất nguồn gốc thịt heo từ trang trại đến bàn ăn

nguyễn tú

Doanh nghiệp tham gia truy xuất nguồn gốc phải có quy trình chuẩn và minh bạch thông tin. Cụ thể, từ trang trại phải gắn thẻ QR lên tai vật nuôi để định danh chuồng, vật nuôi.

Hằng ngày, người chăn nuôi phải ghi nhật ký chuồng nuôi cho đến khi xuất bán. Thương lái đến mua, khi quét thẻ sẽ biết được nguồn gốc. Khi giết mổ, nhân viên thú y đến kiểm tra, xác nhận số lượng giết mổ, xác nhận đủ điều kiện đưa ra thị trường. Sau đó, nhân viên scan mã QR thẻ xe hàng để chuyển thông tin toàn bộ sản phẩm thịt vào thẻ và vận chuyển về cơ sở bán lẻ.

Khi mua sản phẩm, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR sẽ biết được toàn bộ thông tin sản phẩm.

Cầm trên tay gói thịt heo có dán mã QR, chị Trần Thị Kim Khánh (ngụ Q.Thanh Khê) khá bất ngờ khi được nhân viên siêu thị hướng dẫn quét mã QR để biết miếng thịt này có nguồn gốc, trang trại, phương pháp nuôi nào, giết mổ và vận chuyển, kiểm dịch ra sao...

“Tôi khá yên tâm vì nguồn gốc thực phẩm, đây là thành quả thiết thực, cụ thể mà người dân được thụ hưởng khi Đà Nẵng thực hiện chương trình Thành phố 4 an, thành phố thông minh” - chị Khánh cho biết.

Đề xuất chính thức lập cơ quan ATTP cấp thành phố

Tại Hội nghị lần thứ 10 của Ban chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng vừa qua, TP.Đà Nẵng quyết định tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Trong bối cảnh đó, giữ vững và đẩy mạnh tiêu chí ATTP trong chương trình “Thành phố 4 an” có ý nghĩa quan trọng hiện thực hóa những chủ trương, quyết sách của thành phố.

BQL ATTP phối hợp các đơn vị kiểm tra ATTP tại cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm

NGUYỄN TÚ

Khẳng định điều này, trong báo cáo kết quả 5 năm thí điểm thành lập Ban quản lý ATTP TP.Đà Nẵng gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng cho biết đảm bảo ATTP và nguồn cung ứng thực phẩm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với thành phố, bởi hằng năm phải nhập gần 90% thực phẩm, sản xuất trên địa bàn chỉ cung ứng được hơn 10%.
Do đó, TP.Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho phép chính thức thành lập cơ quan quản lý ATTP trực thuộc UBND thành phố.

“Mong Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội quan tâm, xem xét, có ý kiến với các cơ quan có liên quan, cho phép UBND TP.Đà Nẵng sau khi kết thúc thời gian thí điểm Ban quản lý ATTP được thành lập chính thức cơ quan quản lý ATTP trực thuộc UBND thành phố, nhằm thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về ATTP, tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành về ATTP”, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng đề xuất.

Tháng 10.2022, với tính chất và tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, Ban Bí thư đã có Chỉ thị 17 về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới, trong đó yêu cầu cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng thống nhất chỉ 1 đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, ATTP từ trung ương đến địa phương. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm các ngành, phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng, nâng cao năng lực, trách nhiệm cán bộ, có chế độ chính sách phù hợp với đội ngũ này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.