Đã chuẩn bị được bao nhiêu tiền để cải cách tiền lương từ 1.7.2024?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/10/2023 10:05 GMT+7

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết năm 2021, nguồn tiền cải cách tiền lương của bộ, ngành, địa phương là gần 263.000 tỉ đồng. Đến nay, cả nước đã tiết kiệm được 500.000 tỉ đồng cho cải cách tiền lương từ 2024 - 2026.

Tại Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII, Ban Cán sự Đảng Chính phủ vừa trình T.Ư Đảng đề xuất lộ trình cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024 với 6 nội dung, bao gồm: xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.

Đã chuẩn bị được bao nhiêu tiền để cải cách tiền lương? - Ảnh 1.

Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII đã thảo luận về đề xuất cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024, song chưa có thông tin về kết luận của T.Ư Đảng về vấn đề này

GIA HÂN

Kết luận của T.Ư Đảng sẽ là cơ sở Chính phủ sẽ báo cáo, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới để các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định cụ thể chế độ tiền lương mới.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 27 Hội nghị T.Ư 7 khóa XII, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và 63 địa phương tiết kiệm nguồn để thực hiện cải cách tiền lương (theo Nghị quyết 27 là từ năm 2021, song đã bị lùi nhiều lần do dịch Covid-19 và nhiều nguyên nhân khác).

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gửi Quốc hội đề ngày 5.10, tới thời điểm 31.12.2021, nguồn tiền cải cách tiền lương đã tiết kiệm được nhưng chưa sử dụng của ngân sách T.Ư là 54.517 tỉ đồng, trong đó số dư của các bộ, ngành là 81,7 tỉ đồng.

Trong khi đó, số dư cải cách tiền lương của các địa phương là 208.457 tỉ đồng. Như vậy, tính tới hết năm 2021, cả nước đã có gần 263.000 tỉ đồng chưa sử dụng dành cho việc cải cách tiền lương.

Bộ Tài chính cũng cho hay, bộ này đã ban hành văn bản đôn đốc địa phương báo cáo nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng trong năm 2022. Đến thời điểm báo cáo, mới có 61/63 tỉnh, thành gửi báo cáo. Bình Thuận và TP.HCM chưa gửi báo cáo.

Nguồn cải cách tiền lương tới hết năm 2022 chưa được báo cáo. Tuy nhiên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương hôm 30.9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, theo báo cáo của các bộ, ngành thì tới nay đã tiết kiệm được 500.000 tỉ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết 27.

Việc quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương được quy định tại Nghị quyết 27, Nghị quyết 23 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021 - 2025.

Nghị quyết kỳ họp thứ 5 tháng 6 vừa qua, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại kỳ họp thứ 6 khai mạc từ 23.10 tới.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết bộ này đang xây dựng khung ngân sách nhà nước 2024, kế hoạch ngân sách 3 năm (2024 - 2026), trong đó đề xuất lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Đây sẽ là cơ sở để sử dụng nguồn tiền thực hiện cải cách tiền lương, tức xác định số được trích lập nhưng chưa sử dụng.

Xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm

Theo mục tiêu tại Nghị quyết 27 của T.Ư Đảng, việc thực hiện chế độ cải cách tiền lương thực hiện từ năm 2021. Theo đó, từ năm 2021 sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Từ năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đồng thời, định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.

Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Nghị quyết 27 yêu cầu thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Ngoài ra, bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Nghị quyết 27 cũng yêu cầu bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.