Cứu người bị tai nạn giao thông: Làm sao vừa đúng luật, vừa không 'mắc oán'

13/02/2023 12:29 GMT+7

Hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông có thể bị xử lý trách nhiệm, nhưng nhiều trường hợp người cứu giúp "làm ơn mắc oán", thậm chí bị gia đình nạn nhân tấn công.

Mới đây, Viện KSND H.Can Lộc (Hà Tĩnh) phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hằng (32 tuổi, trú tại Nghệ An) về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng do tai nạn giao thông. Tương tự, Công an H.Châu Thành (Tiền Giang) cũng vừa bắt khẩn cấp Mai Văn Khởi (40 tuổi, trú tại Sóc Trăng) để điều tra cũng về hành vi này.

Điểm chung của 2 vụ việc là 2 tài xế khi thấy người khác va chạm với phương tiện do mình điều khiển và bị thương nặng nhưng cả 2 tài xế không thông báo đến cơ quan chức năng, cũng không cứu giúp hoặc nhờ ai hỗ trợ nạn nhân, mà lái xe bỏ đi.

Việc cứu giúp người bị nạn nói chung, bị tai nạn giao thông nói riêng luôn là đề tài được nhiều người quan tâm. Vậy pháp luật quy định ra sao về trách nhiệm cứu giúp khi thấy người khác gặp tai nạn?

Cứu người bị tai nạn giao thông: Làm sao vừa đúng luật, vừa không 'mắc oán' - Ảnh 1.

Lực lượng công an và bảo vệ dân phố sơ cứu, đưa người bị tai nạn đi cấp cứu

V.P

Không chỉ đạo đức mà còn là pháp luật

Theo luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), cứu giúp người khác trong lúc gặp nguy hiểm đến tính mạng không chỉ là khía cạnh đạo đức xã hội mà còn được quy định trong luật, là nghĩa vụ mà công dân phải thực hiện.

Xét riêng về lĩnh vực giao thông, điều 8 luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm việc khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông.

Cụ thể hơn, điều 38 luật này nêu rõ: khi xảy ra tai nạn, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp phải dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn.

Ngoài ra, những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn phải giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; bảo vệ tài sản của người bị nạn. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn thì có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu.

Như vậy, trách nhiệm cứu giúp người gặp tai nạn giao thông không chỉ với người liên quan trực tiếp mà còn cả người có mặt ở hiện trường và người đi ngang qua.

Việc không cứu giúp người bị tai nạn giao thông không những thể hiện sự vô cảm mà tùy thuộc vào mức độ thiệt hại gây ra có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Trong đó, khoản 7 điều 11 Nghị định 100/2019 quy định mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 - 2 triệu đồng đối với tổ chức, nếu không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu.

Đặc biệt, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo điều 132 bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù (nếu 2 người chết trở lên).

Tội danh này không chỉ áp dụng với lĩnh vực giao thông mà trong cả các trường hợp khác, nếu thấy người đang trong tình trạng nguy hiểm tính mạng, mặc dù có điều kiện nhưng không cứu giúp, cố tình lờ đi. Ví dụ: thấy người sắp chết đuối, dù trên thuyền có phao nhưng không ném xuống để cứu; bác sĩ không giúp đỡ người đang bị thương hoặc nguy hiểm tính mạng, dẫn tới nạn nhân tử vong…

Cứu người bị tai nạn giao thông: Làm sao vừa đúng luật, vừa không 'mắc oán' - Ảnh 2.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông

TRẦN DUY KHÁNH

Cứu người là cần, nhưng cách nào để tránh "làm ơn mắc oán"?

Việc cứu giúp người bị nạn là chính đáng, không cần bàn cãi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít trường hợp người cứu giúp gặp phiền toái từ nghĩa cử tốt đẹp của mình, như: bị hiểu lầm là người gây tai nạn, bị người nhà nạn nhân hành hung, thậm chí bị khiếu kiện…

Điển hình nhất là vụ tai nạn giao thông xảy ra ở H.Vân Đồn (Quảng Ninh) hồi tháng 6.2022. Theo đó, một tài xế xe bán tải có lòng tốt đã đưa người bị tai nạn vào bệnh viện cấp cứu, nhưng sau đó bị người nhà của nạn nhân tố đến cơ quan công an vì cho rằng anh này là người gây tai nạn. Vào cuộc xác minh, cơ quan công an kết luận gây tai nạn là một người khác.

Từ tình huống trên, nhiều người đặt câu hỏi làm thế nào vừa cứu giúp được người bị tai nạn, vừa có thể bảo vệ bản thân tránh khỏi những phiền toái đã nêu?

Luật sư Hà Công Tâm cho rằng thực tế đúng là có một vài trường hợp người cứu giúp bị phiền hà như ở trên, nhưng chỉ chiếm phần nhỏ. Như đã đề cập, không chỉ khía cạnh tình người mà ngay cả pháp luật cũng quy định trách nhiệm cứu giúp người khác khi gặp nguy hiểm đến tính mạng. "Chúng ta không thể lấy lý do sợ bị hiểu nhầm mà phớt lờ, bỏ qua an nguy tính mạng của nạn nhân, tính mạng con người là quan trọng hơn cả", luật sư nói.

Theo luật sư, khi gặp người bị tai nạn, việc đầu tiên nên làm là gọi cấp cứu 115 (có thể hỏi họ về cách sơ cứu cho người đang gặp nạn) và gọi cảnh sát 113 để thông báo về sự việc.

Với sự phát triển của công nghệ, hiện nay hầu như ai cũng dùng điện thoại thông minh, người tham gia cứu nạn nên dùng điện thoại chụp hoặc quay phim hiện trường tại thời điểm chứng kiến. Tiếp đó, người cứu nạn nên hô hào nhiều người cùng giúp, hoặc nhờ họ quay phim lại toàn bộ quá trình cứu giúp người. Nếu người gặp nạn còn tỉnh táo, người cứu nạn cần hỏi họ cách liên hệ để báo tin cho người thân.

Những tư liệu từ camera sẽ là bằng chứng để hỗ trợ quá trình giải quyết sự việc, với cả phía cơ quan chức năng và người nhà nạn nhân, tránh bị người nhà hiểu lầm.

Sẽ xử lý nếu cố tình vu khống người cứu giúp

Trả lời công dân trên Cổng thông tin điện tử, Bộ Công an cho biết, điều 38 luật Giao thông đường bộ quy định, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn hoặc người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn phải báo ngay thông tin vụ tai nạn cho cơ quan công an, cơ quan y tế hoặc UBND nơi gần nhất.

Đồng thời, những người này có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn giao thông cho cơ quan có thẩm quyền (cơ quan công an thụ lý, điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông).

Khi nhận được thông tin, cơ quan công an khi nhận trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn.

Việc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông tiến hành theo quy định của pháp luật, quy định của Bộ Công an về công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.

"Trong quá trình điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông mà phát hiện người có hành vi vu khống cho người khác với mục đích xấu thì căn cứ vào mức độ gây hậu quả của hành vi vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật", Bộ Công an cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.