Cưu mang chim trời: Cứ địa của cò

30/12/2022 07:21 GMT+7

Cù lao Bắc Phước, giữa bốn bề sông nước Thạch Hãn , từng bị ám ảnh bởi nghèo khó nay trở thành vùng đất lành. Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, đàn cò bay về rừng ngập mặn để nghỉ ngơi sau một ngày kiếm ăn. Hẳn ai cũng biết, cò chỉ bay về phía đất lành!

Có rừng là có cò

Không phải ngẫu nhiên mà lũ cò lại chọn vùng đất cù lao Bắc Phước (thuộc xã Triệu Phước, H.Triệu Phong, Quảng Trị) làm bãi đáp trong hành trình kiếm ăn. Ngày trước, Bắc Phước không có nhiều cò. Chúng chỉ tìm đến với Bắc Phước khi nơi đây có khu rừng ngập mặn vây quanh. Khu rừng đó là biểu tượng cho khát vọng lấp sông, lấn biển, chế ngự thiên nhiên của người Bắc Phước suốt bao đời.

Đàn cò tìm về rừng bần chua ở cù lao Bắc Phước

THANH LỘC

Phải mất hàng trăm năm, qua nhiều thế hệ, sức người Bắc Phước mới làm nên được điều kỳ diệu. Bởi vùng này gắn liền với những bãi sình lầy ngập mặn, người dân nơi đây phải oằn mình gánh chịu sự khắc nghiệt của thiên tai. Người dân Bắc Phước năm nào cũng đắp đê bằng đất, nhưng rồi bão lũ tàn phá, con đê thường không trụ nổi, bị đánh vỡ từng khúc rồi bị cuốn ra biển. Vì thế, sau mỗi trận lũ, “điệp khúc” đắp vá đê, đắp đường giao thông tái diễn, đôi khi mất cả vài tuần, cứ lặp lại từ năm này sang năm khác.

Còn nhớ khoảng tháng 3.2010, hàng trăm người dân Bắc Phước tham gia trồng rừng ngập mặn. Xung quanh đê bao chắn sóng, cây bần chua được chọn, trồng san sát nhau. Màu xanh loại cây này cứ phủ dần vùng bãi bồi sình lầy sau mỗi mùa mưa bão. Và đến bây giờ, hơn 60 ha rừng bần chua xanh tốt kéo dài trên 4 km chạy dọc con đê biển cù lao Bắc Phước.

Đàn cò tìm về rừng bần chua ở cù lao Bắc Phước

Cây bần chua được trồng với khát vọng giữ đất phù sa, ngăn sự tàn phá của sóng dữ, khống chế tác động của sóng, triều cường và lũ lụt đến hệ thống đê, bảo vệ tuyến đê, chống sạt lở đê và chống xói lở bờ sông. Và cũng chính sự “hiện diện” của khu rừng ngập mặn này mà cá tôm cũng bắt đầu sinh sôi, chim muông tìm về trú ngụ. Nhiều nhất vẫn là cò.

Rừng bần chua mọc lên từ những đầm phá nuôi trồng thủy sản tự nhiên nên có những đặc trưng rất riêng. Ông Trần Thành (56 tuổi), ngư dân sống nhờ nghề chài lưới ở khu rừng ngập mặn, giải thích: “Hệ thống rễ của những cây bần chua là môi trường sống rất lý tưởng của các loài tôm, cá nhỏ. Mỗi khi thủy triều rút xuống, trong mớ rễ cây bần chua ấy luôn sót lại nhiều sinh vật, phù du, tôm, cá nhỏ. Đó là nguồn thức ăn dồi dào mà thiên nhiên ban tặng cho đàn cò trắng nơi đây”.

Biểu tượng cho miền quê yên bình

Bắc Phước bây giờ đẹp và thanh bình. Đời sống người dân vùng nông thôn thay đổi, nhưng môi trường ở cù lao này dường như chẳng hề bị ảnh hưởng. Khi bình minh thức giấc, đàn cò trắng hàng ngàn con từ rừng bần chua ở cù lao Bắc Phước cùng nhau tung cánh trắng xóa, bay lượn vòng quanh như thể chào đón một ngày mới rồi tỏa đi kiếm ăn. Khi hoàng hôn buông xuống, chúng lại ngược hướng mặt trời quay về đây trú ngụ. Hình ảnh đó khiến vùng quê này trở nên yên bình đến lạ thường...

Người dân Bắc Phước sống nhờ đánh bắt cá tôm ở rừng bần chua, nhưng không bao giờ xâm hại đến đàn cò

THANH LỘC

Anh Trương Văn Tiện, một chủ đầm nuôi trồng thủy sản tự nhiên ở Bắc Phước, bảo muốn thấy đàn cò đông đúc nhất thì nên về đây tầm sáng sớm hoặc chập tối. “Rừng bần chua lá xanh ngắt thế kia, nhưng đến khi đàn cò tập trung về chỉ nhìn thấy một màu trắng xóa như bông vậy”, anh khoe với chúng tôi.

Chúng tôi nhìn về phía rừng bần chua, quả thật trên một vùng rộng lớn bạt ngàn cánh cò trắng. Lại nghe kể, theo thời gian số lượng đàn không ngừng tăng. Từ số lượng vài trăm con đến trú ngụ, kiếm thức ăn trên vùng nước mặn, đàn cò đã tập trung thành một quần thể đông đúc.

Rừng bần chua lá xanh ngắt thế kia, nhưng đến khi đàn cò tập trung về chỉ nhìn thấy một màu trắng xóa như bông vậy.

Anh Trương Văn Tiện, một chủ đầm nuôi trồng thủy sản tự nhiên ở Bắc Phước

Người dân Bắc Phước cũng không có ý đánh bẫy, xâm hại khu vực đàn cò trú ngụ. Từ ngày phát hiện đàn cò trắng hàng nghìn con tìm về, làm tổ ở rừng bần chua, UBND xã Triệu Phước cùng Ban cán sự của 3 thôn Duy Phiên, Dương Xuân, Hà La và những chủ đầm nuôi trồng thủy sản có trồng bần chua đã chung tay bảo vệ đàn cò.

“Ban đầu, khi đàn cò vừa mới về trú ngụ ở rừng bần chua này, đã có không ít người lạ lợi dụng đêm tối đến dùng súng hơi, ná cao su săn bắn hạ đàn cò. Mỗi lần như vậy, đàn cò lại kêu vang trời, bay nháo nhác trong đêm khiến những người canh giữ đầm thủy sản như tôi thấy xót xa, đau lòng vô cùng. Ngay lập tức chúng tôi cho thuyền ra xua đuổi. Những người trong 3 thôn này hầu như không bao giờ ra giữa rừng bần chua đánh bẫy, sát hại chim hay tìm tổ, bắt chim non. Cũng vì vậy mà đàn cò ngày một gần gũi hơn với con người, phát triển nhanh về số lượng”, ông Nguyễn Văn Khiếu, một chủ đầm nuôi thủy sản, tâm sự.

Người dân Bắc Phước sống nhờ đánh bắt cá tôm ở rừng bần chua, nhưng không bao giờ xâm hại đến đàn cò

THANH LỘC

Chúng tôi đi dọc theo rừng bần chua bằng thuyền nhỏ một cách chậm rãi, bao nhiêu hình ảnh thường chỉ thấy trên phim ảnh lại hiện hữu một cách sinh động trước mắt. Từ cảnh đàn cò kiếm ăn, cách chúng dùng mỏ, chân để bắt tôm cá hay đến cảnh rỉa lông, rũ cánh, quây quần trong tổ bên những chú chim non đều hiện ra mồn một. Tiếng sóng biển vỗ, tiếng những người gõ chài đánh cá hòa lẫn vào những âm thanh, hình ảnh rất đỗi sinh động của đàn cò đã tạo nên một không gian, bức tranh yên bình tuyệt đẹp. Bức tranh ấy đã tồn tại nơi rừng bần chua Bắc Phước, khiến rất nhiều người con xa quê khát khao tìm về để ghé thăm rừng bần chua, ngắm đàn cò trắng sau những tháng ngày làm việc mệt nhọc.

Đất lành chim đậu, chính môi trường sống gần gũi và những con người hiền hòa đã khiến cỏ cây, chim muông như xích lại gần hơn. Đàn cò Bắc Phước là minh chứng cho những gì con người có thể theo đuổi: một khi biết sống hài hòa với thiên nhiên, hiểu được con nước, gắn bó cùng cù lao thì thiên nhiên sẽ đền đáp bằng những phần quà quý giá.

(còn tiếp)

Cưu mang chim trời

'Trả nợ' chim trời giữa phá Hạc Hải

'Đất của Lành' nên chim đậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.