Cứu hộ động vật hoang dã: Sống đẹp vì thú rừng

Quang Viên
Quang Viên
04/06/2023 06:46 GMT+7

Giải cứu thú hoang dã, cho thú ăn, dọn phân, đi tìm 'người yêu' cho thú... là công việc mà những tình nguyện viên đang đồng hành nhằm bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã.

Tại Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập có một ngôi nhà mang tên Hero House. Ông Khương Hữu Thắng, Phó giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc VQG Bù Gia Mập, nói đó là ngôi nhà của những người quả cảm thầm lặng trong cứu hộ, bảo tồn động vật rừng. Tôi hỏi họ là ai, ông Thắng bảo họ là những tình nguyện viên (TNV).

Mẹ, con cùng làm…"ô sin" cho thú

Những dịp hè, VQG Bù Gia Mập là điểm đến của chị Lê Thị Quyên (kỹ sư kiểm soát chất lượng tại một công ty phần mềm của Mỹ) và đứa con nhỏ. Hai mẹ con chị Quyên từ TP.HCM đến đây với mục đích quan trọng nhất không phải đi du lịch mà tình nguyện làm "ô sin" cho những loài thú hoang dã được VQG Bù Gia Mập cứu hộ. Mỗi ngày, mẹ con chị Quyên tối tăm mặt mũi với hàng tá công việc. Buổi sáng, xịt rửa chuồng sạch sẽ cho các loài thú rừng. Sau đó đi hái trái cây, trộn thức ăn và vo tròn thành từng viên cho thú tại trung tâm cứu hộ ăn. Tiếp tục đi cắt cỏ cho hươu, nai, xắt chuối và làm thức ăn cho heo rừng… Buổi chiều, tiếp tục cho thú ăn, rồi cùng "làm nông dân" với công việc đào hố, bỏ phân trồng chuối để khi cây lớn có trái cho các bạn thú ăn, còn thân cây thì chế biến thức ăn cho heo rừng.

Cứu hộ động vật hoang dã: Sống đẹp vì thú rừng - Ảnh 1.

Chị Quyên chế biến thức ăn cho thú ở khu cứu hộ VQG Bù Gia Mập

Quang Viên

Vũ Lê Gia Nhi (10 tuổi), con chị Quyên, hồn nhiên kể: "Cháu rất thích cho thú ăn bằng thức ăn mà các nhân viên ở đây hướng dẫn mẹ con cháu chế biến. Nhưng trước khi được cho thú ăn thì cháu phải dọn phân trong chuồng thú cho sạch bóng". Chị Quyên nói về con mình và những bạn cùng trang lứa chúng khi làm TNV chăm sóc động vật hoang dã (ĐVHD) tại trung tâm cứu hộ: "Những "cậu ấm, cô chiêu" ở TP hằng ngày chỉ biết cắp sách đến trường đã thay đổi hoàn toàn trong vai trò TNV. Các cháu rất chăm chỉ, hào hứng với những công việc ý nghĩa tại VQG Bù Gia Mập".

Chị Cao Thị Ly Ly, kỹ sư công nghệ thông tin (TP.HCM), dịp hè cũng dắt díu cả 3 đứa con lên Trung tâm cứu hộ VQG Bù Gia Mập để làm "lao công" cho thú, với các công việc tương tự mẹ con chị Quyên. Trí Nhân (14 tuổi) hào hứng làm tất cả công việc vừa sức của mình để chăm nom các con thú. "Đặc biệt, cu cậu rất thương mấy em vượn. Hôm tham gia thả vượn về rừng cháu phụ cõng vượn. Nó rất tâm lý, chu đáo với mấy em vượn, đi nhẹ nhàng để mấy em không mệt. Trí Nhân còn đem theo trái cây cho vượn, vì cháu nghĩ mới về rừng thì mấy em vượn chưa tìm được thức ăn", chị Ly chia sẻ. Bé Minh Châu (9 tuổi) cũng phụ mẹ và anh trai tìm thêm thức ăn, rửa chuồng cho thú. "Bạn thú nào cũng đáng yêu, nhưng cháu yêu bạn rái cá nhất. Bạn ấy có đôi mắt tròn như hạt nhãn", Minh Châu rụt rè nói.

Cứu hộ động vật hoang dã: Sống đẹp vì thú rừng - Ảnh 2.

Một tình nguyện viên bơm sữa phục hồi sức khỏe cho tê tê vừa được cứu hộ

VQG Bù Gia Mập cung cấp

Hỏi Gia Nhi sau chuyến đi đến trung tâm cứu hộ ĐVHD, cháu sẽ chia sẻ với bạn trong lớp điều gì? Tôi khá bất ngờ với suy nghĩ của một cô bé mới 10 tuổi: "Cháu khoe với các bạn những kiến thức thực tế về các loài động vật quý hiếm. Cháu sẽ nói với các bạn cũng như những người xung quanh về việc cần thiết phải bảo vệ cho các loài ĐVHD".

Một mùa hè nữa lại sắp đến, hai người mẹ này và những đứa con của mình đã lên kế hoạch quay trở lại "làm ô sin" tại Trung tâm cứu hộ ĐVHD VQG Bù Gia Mập. "Đây chính là món quà ý nghĩa nhất vào dịp hè đối với bạn nhỏ. Mong sẽ có thêm nhiều phụ huynh biết đến hoạt động này và cho các bạn nhỏ cũng như bản thân được trải nghiệm công việc TNV giúp ích cho các loài thú rừng. Như vậy, cha mẹ và các con có một mùa hè thật ý nghĩa", chị Quyên hào hứng nói.

Giải cứu động vật hoang dã…

Tôi quen ông Tăng A Pẩu, một người luôn đau đáu chuyện làm sao bảo vệ, bảo tồn ĐVHD. Mỗi lần biết loài thú rừng nào đó đang bị săn bắt, mua bán, nuôi bất hợp pháp thì ông Pẩu lại chia sẻ và mong muốn báo chí lên tiếng. 

Mới đây, ông hối hả gọi tôi bảo ở Kiên Giang có một "bé" voọc Đông Dương nằm trong sách đỏ cần bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng bị một người dân bí mật đem nuôi nhốt trái phép. Nhờ một TNV nỗ lực lần theo dấu vết, và sau đó "chỉ điểm" cho lực lượng kiểm lâm đến thu giữ "bé" voọc này. Tuy nhiên, ông Pẩu vô cùng lo lắng vì chú voọc này còn rất nhỏ, nếu không biết cách chăm sóc, không có thức ăn phù hợp thì nguy cơ tử vong rất cao. Nửa đêm, ông nhắn cho tôi và chia sẻ đường link Facebook đăng "sự kiện" chú voọc này. Tôi vào link Facebook thì thấy các TNV đang "sôi lên" chuyện làm sao cứu chú voọc. Họ hiến kế các loại thức ăn phù hợp và nên tìm cách chuyển nó đến khu cứu hộ nào… 

Theo thông tin mới nhất, chú voọc non này đã được chuyển đến Trạm cứu hộ Hòn Me (Kiên Giang), sau đó Trạm cứu hộ Hòn Me trao lại cho Trung tâm cứu hộ linh trưởng tại Đảo Tiên (VQG Cát Tiên).

Cứu hộ động vật hoang dã: Sống đẹp vì thú rừng - Ảnh 3.

Hai tình nguyện viên đưa rùa từ TP.HCM về Trung tâm cứu hộ VQG Bù Gia Mập

NVCC

Cứu hộ động vật hoang dã: Sống đẹp vì thú rừng - Ảnh 4.

Những tình nguyện viên nhí tham gia trộn thức ăn cho thú ở khu cứu hộ

Quang Viên

Có nhiều TNV "bao đồng" khác đã tìm nhiều cách giải cứu ĐVHD. Họ tham gia những biệt đội đi gỡ bẫy thú rừng, bỏ tiền mua lại thú rừng bị săn, bị đem bán để tự thả chúng về rừng hoặc giao cho các trung tâm cứu hộ. "Tôi từng bỏ không ít tiền để mua lại những loài ĐVHD quý hiếm. Trong đó có hai con voọc và những con mèo rừng, chồn, tê tê rồi giao cho các trạm cứu hộ chăm sóc tái thả, hoặc thả luôn một cá thể gà lôi bạch kim mua ở bìa rừng. Nhưng không chỉ riêng tôi làm việc đó đâu", ông Tăng A Pẩu tâm sự.

Anh Hoàng Nam, một TNV bảo vệ ĐVHD, trong một chuyến đi Cam Ranh vô tình thấy con rùa biển nằm trong sách đỏ bị ngư dân bắt. Lúc đó anh đã ra sức thuyết phục người dân thả rùa về biển. Còn TNV Dương Tiến Thái ngoài việc dọn phân, xắt rau phục vụ thú cứu hộ đã thuyết phục người nuôi để đưa được cụ rùa răng, loài rùa quý nằm trong sách đỏ và đang bị đe dọa nghiêm trọng, từ Sài Gòn về Trung tâm cứu hộ VQG Bù Gia Mập mới đây...

Ở Trung tâm cứu hộ ĐVHD VQG Bù Gia Mập, tôi được anh Khương Hữu Thắng kể lại những "chuyện lạ" mà TNV đã giúp đỡ những loài thú rừng. Trong đó có chuyện đi tìm bạn tình cho những loài thú đang cứu hộ tại đây. "Khi một cá thể loài nào đó đến tuổi dậy thì mà vẫn chưa có bạn tình để ghép đôi, trung tâm vừa đi kiếm vừa phát thông tin "tìm vợ, tìm chồng" cho nó. Một số loài đã tìm được nửa kia rồi sinh con là nhờ TNV", anh Thắng thổ lộ. (còn tiếp) 

Để huy động sự tham gia của cộng đồng, năm 2008, Trung tâm giáo dục Thiên Nhiên (ENV) đã thành lập Mạng lưới TNV bảo vệ ĐVHD. Tính đến năm 2022, đã có hơn 10.800 TNV ở khắp 59 tỉnh thành trong cả nước tham gia mạng lưới. ENV cũng đã thành lập các câu lạc bộ thành viên ENV tại 9 tỉnh, thành từ Bắc tới Nam nhằm đa dạng hóa các hoạt động bảo vệ ĐVHD tại địa phương và khuyến khích sự tham gia tích cực hơn nữa của cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.