Xét xử đại án ‘chuyến bay giải cứu’

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự: ‘Coi công dân khó khăn, bị mắc kẹt như người thân’

Trình bày tại tòa, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho rằng mình luôn đặt công tác bảo hộ công dân lên hàng đầu, coi công dân bị mắc kẹt, gặp khó khăn như người thân trong gia đình và phải hỗ trợ, đưa họ về sớm nhất.

Chiều 18.7, hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục để các luật sư và bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" bào chữa, tự gỡ tội cho mình.

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự: Tôi xem công dân như người thân, mong được tha thứ

Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), bị truy tố tội nhận hối lộ, với cáo buộc nhận 32 lần với tổng số tiền 25 tỉ đồng của các đại diện doanh nghiệp, bị viện kiểm sát đề nghị mức án từ 18 - 19 năm tù.

Đề nghị xem xét các thành tích

Tự bào chữa cho mình tại tòa, bà Lan đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét cho mình về nhiều tình tiết. 

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự: ‘Coi công dân khó khăn, bị mắc kẹt như người thân’ - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan

TRẦN PHAN

Thứ nhất, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bà Lan cho rằng, bản thân và các cán bộ của Cục Lãnh sự luôn tuân thủ tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp và thực tế các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay đều đáp ứng các tiêu chí đề ra. 

Ngoài ra, bà Lan cho hay, quá trình công tác đã luôn thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về việc tạo điều kiện tối đa cho công dân từ nước ngoài về nước để đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau".

Bà Lan cũng mong HĐXX xem xét về tinh thần, thái độ, trách nhiệm đối với công việc của mình. Theo bà Lan, quá trình làm việc, bản thân đã luôn đặt công tác bảo hộ công dân lên hàng đầu, đặt lợi ích của công dân lên trên tất cả.

"Bị cáo luôn coi công dân bị mắc kẹt, gặp khó khăn ở nước ngoài như người thân của gia đình mình, cần phải hỗ trợ để đưa họ về nước trong thời gian sớm nhất và hiệu quả nhất", bà Lan trình bày.

Theo bà Lan, trong năm 2021, một số doanh nghiệp đã đề xuất các chuyến bay combo đưa công dân về đều cách ly ở các cơ sở của quân đội để tăng số lượng các chuyến bay. Tuy nhiên, bà Lan cho rằng, công dân mắc kẹt có nhiều thành phần, trong đó có người không đủ điều kiện kinh tế để tham gia chuyến bay combo, do đó vẫn phải duy trì các "chuyến bay giải cứu" đưa công dân về cách ly tại các cơ sở quân đội, song song với các chuyến bay combo.

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự: ‘Coi công dân khó khăn, bị mắc kẹt như người thân’ - Ảnh 2.

Các bị cáo trong vụ án

TRẦN PHAN

Trình bày thêm, bà Lan cho hay, quá trình thực hiện các chuyến bay combo, bị cáo nắm được việc có công dân tham gia chuyến bay combo phàn nàn về giá vé cao và dịch vụ của doanh nghiệp không đúng như cam kết khi bán vé. Ngay lập tức, bà Lan đã yêu cầu kiểm tra và nhắc nhở doanh nghiệp phải kiểm soát giá vé, đảm bảo các dịch vụ cách ly, tiêm chủng vắc xin… để đảm bảo quyền lợi cho công dân.

"Thêm vào đó, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bị cáo cũng như các cán bộ của Cục Lãnh sự luôn cố gắng để thông báo cho doanh nghiệp sớm nhất những chủ trương, kèm ý kiến đồng ý của tổ công tác 5 bộ để doanh nghiệp chuẩn bị các thủ tục, thời gian triển khai", bà Lan trình bày, và cho hay, do công việc nhiều, có lúc phải làm thay việc của cấp dưới, do vậy mong HĐXX cho mình và các bị cáo tại Cục Lãnh sự được giảm hình phạt so với đề nghị của viện kiểm sát.

Xem nhanh 20h ngày 18.7: Cựu thư ký thứ trưởng bật khóc, xin được sống

Xin lỗi nhân dân, mong được giảm hình phạt

Bà Lan cũng mong HĐXX xem xét vì công tác bảo hộ công dân được triển khai thường xuyên và trước khi xảy ra đại dịch. Lấy ví dụ, bà Lan dẫn chứng, năm 2021 đã tổ chức nhiều chuyến bay đưa hơn 10.000 công dân bị mắc kẹt ở Libya vì nội chiến; năm 2019, Bộ Ngoại giao phối hợp kiến nghị đưa khẩn cấp thi thể 39 nạn nhân tử vong trong container đông lạnh ở Anh về.

Do vậy, bà Lan cho rằng, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, việc kiến nghị tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục Lãnh sự và Bộ Ngoại giao. Các cán bộ ở 2 cơ quan này không lợi dụng dịch để tổ chức. Qua đó, bà Lan mong HĐXX không áp dụng tình tiết tăng nặng là lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội.

Nói thêm, bà Lan mong HĐXX xem xét gỡ kê biên căn nhà tại Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) để gia đình có nơi sinh sống và bà cũng có nơi quay về sau chấp hành xong hình phạt. Đồng thời, bà Lan mong HĐXX gỡ kê biên, phong tỏa các tài sản khác để nhờ gia đình xử lý, có tiền nộp khắc phục trước khi phiên tòa kết thúc.

"Một lần nữa, bị cáo xin nhận lỗi với nhân dân, xin lỗi nhân dân vì nhận thức của bị cáo chưa được đầy đủ về việc nhận quà nên đã nhận của đại diện một số doanh nghiệp. Bị cáo mong nhân dân sẽ tha thứ cho bị cáo", bà Lan nói và mong HĐXX xem xét cho mình và các bị cáo ở Cục Lãnh sự hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị, để có thể làm lại cuộc đời.

Xem nhanh 12h ngày 19.7: Diễn biến phiên tòa ‘chuyến bay giải cứu' | Xích lô Huế ẩu đả với du khách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.