Cuộc gọi lừa đảo bủa vây người dân

Mai Phương
Mai Phương
25/03/2023 07:19 GMT+7

Trong khi các vụ lừa phụ huynh con cấp cứu chuyển tiền… vẫn chưa kết thúc thì cuộc gọi lừa đảo lợi dụng xác nhận SIM chính chủ lại khiến người sử dụng điện thoại di động thêm hoang mang.

LỪA ĐẢO BÁM SÁT THỜI SỰ

Chỉ còn một tuần nữa là đến giờ "G" để khách hàng phải cập nhật thông tin thuê bao điện thoại vì sau ngày 31.3 có thể sẽ bị khóa chiều gọi đi. Theo ước tính đến hết ngày 22.3, vẫn còn gần 3 triệu thuê bao cần thực hiện chuẩn hóa thông tin theo quy định. Trong khi các nhà mạng lẫn cơ quan quản lý nhà nước liên tục truyền thông, "thúc" khách hàng cập nhật thông tin chính chủ thì cuộc gọi lừa đảo đu bám theo sự kiện này lại nở rộ. 

Cụ thể, ngay từ giữa tháng 3, sau khi Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) ra văn bản yêu cầu các nhà mạng gửi tin nhắn, gọi điện cho khách hàng có thông tin không đúng quy định phải cập nhật lại đã có ngay những cuộc gọi giả danh nhà mạng đến khách hàng. Theo đó, người dùng sẽ nhận được một cuộc gọi thông báo họ sắp bị khóa thuê bao và yêu cầu thực hiện theo các bước. 

Lúc này, các đối tượng lừa đảo tự nhận là nhân viên nhà mạng, yêu cầu người dùng cung cấp số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để kiểm tra trên hệ thống thuê bao đã đăng ký thông tin chính chủ hay chưa. Nếu người dùng từ chối cung cấp, các đối tượng đưa ra nhiều lời đe dọa sẽ khóa số điện thoại và yêu cầu người dùng làm theo hướng dẫn. Nếu thực hiện theo sẽ có nguy cơ mất quyền kiểm soát SIM điện thoại và kẻ xấu sẽ tiến hành chiếm đoạt các tài khoản khác như mã OTP ngân hàng, tài khoản mạng xã hội...

Theo ông Ngô Minh Hiếu (người sáng lập dự án Chống lừa đảo): "Vấn nạn lừa đảo sẽ khó phòng chống triệt để và người dùng phải hạn chế, thận trọng công khai thông tin cá nhân của mình cùng gia đình, nhất là trên mạng xã hội hoặc cung cấp trong các hội nhóm, tổ chức khác. Nguồn lộ thông tin có thể đến dễ dàng từ bất kỳ đâu và đó là cơ sở đầu tiên để kẻ gian thực hiện trò lừa đảo".

Không chỉ "đu" theo thông tin thực hiện cập nhật SIM chính chủ, gần đây các cuộc gọi lừa đảo vẫn diễn ra liên tiếp. Sau chiêu lừa "con cấp cứu, chuyển tiền gấp" trong những ngày đầu tháng 3 thì cách đây 2 ngày, phụ huynh học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) nhận được thông báo khẩn từ ban giám hiệu nhà trường với nội dung: "Cảnh báo hiện tượng lừa đảo mới xuất hiện, cuộc gọi số lạ gọi đến thông báo học sinh mua hàng/đồ ăn/quần áo/vật dụng... chưa trả đủ tiền và để thẻ học sinh lại. Đối tượng yêu cầu phụ huynh gửi tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp. Ban giám hiệu đề nghị thầy cô thông tin đến toàn thể phụ huynh và học sinh đề cao cảnh giác, tránh mắc phải hiện tượng lừa đảo trên".

Không chỉ thế, tại TP.HCM trong 2 ngày qua, một số phụ huynh cũng chia sẻ thông tin về trò lừa mới. Nội dung cảnh báo, học sinh đang chờ ba mẹ đón trước cổng trường thì có người đến nói ba con bị tai nạn giao thông, lên xe chú chở con đến bệnh viện. Trong trường hợp này do ba học sinh đã mất khá lâu nên học sinh không bị gạt và báo ban giám hiệu. Thông tin từ giáo viên chủ nhiệm cho rằng đây là trường hợp rất nguy hiểm…

Cuộc gọi lừa đảo bủa vây người dân  - Ảnh 3.

Cuộc gọi lừa đảo vẫn liên tục diễn ra theo sát thời sự xã hội khiến người dân hoang mang

ĐÀO NGỌC THẠCH

CẬP NHẬT THÔNG TIN, NÂNG CAO CẢNH GIÁC

Những trò lừa đảo thay đổi nội dung liên tục nở rộ gần đây và nắm bắt rất nhanh các thông tin thời sự hay những vấn đề được đông đảo người dùng quan tâm. Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty bảo mật Nam Trường Sơn, nhận định những kẻ lừa đảo sẽ càng ngày càng theo sát dòng sự kiện để thay đổi các kịch bản lừa đảo. Đó là các thông tin có đông đảo người dùng quan tâm hoặc nội dung liên quan đến một nhóm đông đối tượng khách hàng như phụ huynh học sinh, người sử dụng điện thoại di động, nhóm người cao tuổi, hay người lao động tìm việc làm... Bởi nội dung cũ người dùng đã được cảnh báo nên sẽ cảnh giác, khó bị sập bẫy hơn những nội dung mới. 

Phương thức, thủ thuật lừa đảo vẫn chủ yếu là đánh vào tâm lý sợ hãi hay đe dọa người dùng (đối với trò mạo danh công an, viện kiểm sát…). "Đôi khi nội dung cuộc gọi khá đơn giản, nếu bình tĩnh xem xét thì thấy rất sơ sài. Nhưng chỉ cần gọi 1.000 người mà trong đó có 1 - 2 người tâm lý yếu, không bình tĩnh hoặc tự nhiên thông tin trùng khớp với hoàn cảnh của mình… đã vội vàng làm theo lời người gọi nên bị sập bẫy kẻ gian, mất tiền", ông Ngô Trần Vũ nhấn mạnh. 

Vì vậy, ông Vũ cho rằng hiện nay khi cơ quan quản lý nhà nước đang từng bước siết chặt việc quản lý SIM điện thoại để ngăn chặn nạn lừa đảo qua SIM rác thì vẫn cần phải tìm cách truy vết nhanh, xử lý nhanh các cuộc gọi lừa đảo diễn ra trên diện rộng. Bởi tình trạng những cuộc gọi lừa đảo diễn ra với mật độ dày đặc cho thấy có dấu hiệu lộng hành, bất chấp cảnh báo từ cơ quan nhà nước. Việc xử lý nhanh các vụ lừa đảo điển hình để truyền thông giúp người dân yên tâm. Đồng thời có hiệu quả răn đe cao cho những cá nhân có hành vi lừa đảo. Bên cạnh đó, bản thân người tiêu dùng cũng cần liên tục cập nhật thông tin cảnh báo, nâng cao cảnh giác với những cuộc gọi điện thoại mà nội dung liên quan yêu cầu chuyển tiền ngay…

Đôi khi nội dung cuộc gọi khá đơn giản, nếu bình tĩnh xem xét thì thấy rất sơ sài. Nhưng chỉ cần gọi 1.000 người mà trong đó có 1 - 2 người tâm lý yếu, không bình tĩnh hoặc tự nhiên thông tin trùng khớp với hoàn cảnh của mình… đã vội vàng làm theo lời người gọi nên bị sập bẫy kẻ gian, mất tiền.

Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty bảo mật Nam Trường Sơn

Đồng tình, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu (người sáng lập dự án Chống lừa đảo) đánh giá, hiện những kẻ có hành vi lừa đảo dễ dàng nắm bắt thông tin thời sự và từ đó tạo ra các kịch bản mới. Thậm chí sử dụng cả những công cụ công nghệ như ChatGPT để xây dựng kịch bản nhanh, đánh trúng tâm lý của một nhóm đối tượng khách hàng nào đó. Chưa kể tình trạng SIM rác vẫn còn hay việc lộ thông tin cá nhân tràn lan trên mạng internet là cơ hội để cho kẻ gian thực hiện cuộc gọi lừa đảo tống tiền. 

Ông Hiếu nhấn mạnh: Trước hết bản thân người dùng cần bình tĩnh để xác nhận lại thông tin với những người có liên quan, người thân theo nội dung kẻ lạ gọi đến. Nhất là khi liên quan đến tiền thì không thể làm theo yêu cầu ngay. Việc cập nhật các thủ đoạn lừa đảo cũng được các đơn vị truyền thông, cơ quan quản lý phổ biến nên có thể lưu ý để phòng tránh. Ví dụ tại trang web dauhieuluadao.com thuộc Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) đã nêu ngay những nguyên tắc vàng để giúp người dùng tránh được lừa đảo; một số dạng lừa đảo điển hình và cách thức liên hệ, báo cáo hành vi lừa đảo về NCSC…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.