Cục Bản quyền tác giả tổ chức hội nghị tuyên truyền Hiệp ước Marrakesh

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
13/09/2023 07:25 GMT+7

Sáng 12.9, tại TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) khai mạc hội nghị tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Hiệp ước Marrakesh, về tạo điều kiện cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm theo cách thông thường, của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Tính đến ngày 20.6.2023, Hiệp ước Marrakesh đã có 93 thành viên tham gia và chính thức có hiệu lực tại VN từ ngày 6.3.2023. Theo đó, hiệp ước tạo ra môi trường pháp lý nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các tác phẩm đã công bố cho người khuyết tật, đồng thời cho phép các tổ chức được ủy quyền hoặc người thụ hưởng nhập khẩu các bản sao dễ tiếp cận.

Tuy nhiên, hiện nay luật Sở hữu trí tuệ có một số quy định như: Tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ có quyền sao chép, phân phối, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận của tác phẩm khi có quyền tiếp cận hợp pháp bản gốc, hoặc bản sao tác phẩm và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; Tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ có quyền phân phối hoặc truyền đạt bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận của tác phẩm tới người khuyết tật ở nước ngoài theo quy định tại điều ước quốc tế mà VN là thành viên mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả… Về vấn đề này, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, bày tỏ băn khoăn: "Bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận quy định tại điều 25a của luật Sở hữu trí tuệ là bản sao tác phẩm được thể hiện bằng chữ nổi, ghi âm, chuyển đổi kỹ thuật số, hình ảnh thành lời nói, ngôn ngữ ký hiệu đi kèm hoặc bằng định dạng hay phương thức khác, bảo đảm người khuyết tật tiếp cận tác phẩm thuận lợi. Tuy nhiên nếu chuyển định dạng không được sự đồng ý của chủ sở hữu thì lại vi phạm những quy định trong kinh doanh, phục vụ cho nhóm không được thụ hưởng cũng sẽ làm ảnh hưởng đến các quyền của chủ sở hữu".

Các chuyên gia dự báo, số lượng người khuyết tật nhìn hoặc không có khả năng đọc chữ in sẽ tăng hơn nữa trong các thập niên tới do dân số VN đang già đi nhanh chóng, nhiều khả năng sẽ tăng số lượng người cao tuổi có thị lực kém và không có khả năng đọc chữ in. Bởi vậy, việc tạo ra các định dạng dễ tiếp cận của các tác phẩm đã công bố như chữ Braille, audio, văn bản điện tử, ngôn ngữ ký hiệu... càng trở nên quan trọng, nhằm bảo đảm cho người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in thực hiện quyền bình đẳng, hòa nhập cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.