Cửa hội nhập mở từ năm Bính Tuất

05/02/2016 06:38 GMT+7

Từ 70 năm trước, năm Bính Tuất (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn mở cửa hội nhập thế giới. Nhưng do những điều kiện lịch sử ngăn trở, cánh cửa ấy vừa mở ra đã đóng lại...

Từ 70 năm trước, năm Bính Tuất (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn mở cửa hội nhập thế giới. Nhưng do những điều kiện lịch sử ngăn trở, cánh cửa ấy vừa mở ra đã đóng lại...

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp (1946) - ảnh lần đầu công bố - Ảnh: Tư liệu K.M.SChủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp (1946) - ảnh lần đầu công bố - Ảnh: Tư liệu K.M.S
Tết ấy, tôi mải ngắm tấm ảnh nhà văn Sơn Tùng và một người bạn nước ngoài đang tươi cười giơ trên đũa miếng chả lá lốt bên mâm cơm giản dị truyền thống Việt Nam. Khách là ai mà hòa mình với gia chủ dưới căn gác đua thêm mái lợp giấy dầu của vợ chồng nhà văn như vậy? Nhà văn Sơn Tùng kể, khách ấy là nhà báo Yutaka Aramaki, nguyên Trưởng đại diện Văn phòng thường trú Báo Mainichi (Nhật Bản) tại Bangkok (Thái Lan).
Lần đầu tiên Yutaka
Aramaki đến làm việc với Sơn Tùng là để tìm hiểu về tư duy kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù đã có giấy giới thiệu của Vụ Báo chí - Bộ Ngoại giao nhưng nhà văn vẫn hơi do dự. Bởi lẽ, những năm tháng đó việc tiếp xúc với người nước ngoài có biết bao điều phức tạp, nhưng thấy có người phiên dịch là dịch giả Phan Thanh Hảo (con gái thi nhân Phan Khắc Khoan, thầy học của nhà văn Sơn Tùng) nên ông vui vẻ tiếp đón.
Cuộc trò chuyện với một ký giả đồng văn đồng chủng nhưng nền kinh tế vào hàng siêu cường thế giới hôm đó diễn ra cởi mở, chân tình. Nhà báo Yutaka Aramaki thắc mắc rằng, trong Bản án chế độ thực dân Pháp thì Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện một hệ thống tư duy kinh tế. Vậy mà, đường lối kinh tế đất nước Việt Nam sau này không ngang tầm với các mặt quân sự, văn hóa. Vì lý do chiến tranh hay vì điều gì khác đã cản trở kinh tế Việt Nam? Và Sơn Tùng đã giải đáp câu hỏi đó của người bạn mới bằng những tư liệu quý giá, thuyết phục.
Điều cốt yếu nhất là ở con người, nhà văn nhớ lại điều ông nói với Yutaka Aramaki. Ngay từ đầu năm 1946, ngày 14.1, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 04, lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết quốc gia gồm 22 nhân sĩ, trí thức sáng danh thời đó: Giáo sư Đào Duy Anh, kỹ sư công chính Lê Dung, kỹ sư canh nông Hoàng Văn Đức, kỹ sư công chính Trần Đăng Khoa, kỹ sư canh nông Nghiêm Xuân Yêm, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, cựu Tổng đốc Đặng Văn Hướng và các ông Đặng Xuân Khu, Bùi Công Trừng là những chiến sĩ cộng sản… Nói chuyện trước ủy ban, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 3 tiêu chuẩn của người cán bộ là: Khổ hạnh, hạnh cán, thực cán. Nghĩa là: Làm việc phải hết sức mình, làm việc phải chất lượng, có hiệu quả và có năng suất.
Nhà báo Yutaka Aramaki (trái) và nhà văn Sơn Tùng  	ảnh: Tư liệu của nhà văn Sơn TùngNhà báo Yutaka Aramaki (trái) và nhà văn Sơn Tùng - Ảnh: Tư liệu của nhà văn Sơn Tùng
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, kể cả trong kháng chiến, bước sang thời kỳ hòa bình thì kinh tế có những lúc lên bổng xuống trầm. “Bậc thiên tài nào cũng ít nhiều đều bị điều kiện lịch sử ngăn trở, có khi còn mang tiếng oan”, nhà văn Sơn Tùng chia sẻ.
Ông lấy ví dụ về một trường hợp lực bất tòng tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ngay từ tháng 11.1946, chỉ một tháng trước ngày Toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi gửi Liên Hiệp Quốc: “Kính gửi Đại Anh Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và các nước thành viên khác của Liên Hiệp Quốc”.
Người đứng đầu nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định lại lòng mong muốn hòa bình bằng cách chấp nhận Tạm ước 14.9.1946 mà cốt lõi là nhằm vào việc bảo vệ những lợi ích kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt Nam. Nhưng một lần nữa, sự không thiện chí của những người đại diện nước Pháp ở Đông Dương đã thể hiện bằng nhiều biện pháp nhằm loại bỏ những cơ hội thuận lợi cho Việt Nam. Đó là phong tỏa cảng Hải Phòng, chiếm đóng Lạng Sơn và những địa điểm khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Việt Nam là nạn nhân của một cuộc xâm lược có chủ định từ trước, vì vậy Việt Nam buộc phải tự vệ chống lại.
Còn trong chính sách đối ngoại, nhân dân Việt Nam tuân thủ nguyên tắc tôn trọng nền độc lập của hai nước Lào và Campuchia, đồng thời bày tỏ lòng mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền.
Đối với các nước dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi gửi Liên Hiệp Quốc nêu rõ:
“Nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:
a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.
c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc.
d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân”.
Vậy là, từ 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn mở cửa hội nhập thế giới. Nhưng điều kiện lịch sử ngăn trở, cánh cửa ấy vừa mở ra đã phải khép lại. Tiếng súng Toàn quốc kháng chiến nổ ra. Phải đợi đến cuối thế kỷ 20, rồi đầu thế kỷ 21, ước vọng của Người mới trở thành hiện thực trong thành tựu của hôm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.